“Để chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch, các chuyên gia Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gene 4 bệnh nhân COVID-19 là chuyên gia Ấn Độ đang cách ly điều trị tại Yên Bái. Vài ngày tới sẽ có kết quả.” – GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm cho biết ngày 28-4.
Theo ông Kính, biến chủng virus B.1.617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn các chủng hiện hành, do có đột biến kép ở đoạn protein S nên mức độ lây lan mạnh hơn, tử vong nhiều hơn.
Nếu phát hiện thêm chủng mới, Việt Nam sẽ có 5 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành, bên cạnh chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ở Vũ Hán.
Hiện tại Việt Nam đã ghi nhận 4 chuyên gia Ấn Độ cách ly tại Yên Bái mắc COVID-19 và 1 nhân viên khách sạn tiếp xúc gần (F1) cũng đã xác định là bệnh nhân dương tính. Cả 4 người này đều được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Chia sẻ thêm về sức khoẻ các bệnh nhân trong đoàn Ấn Độ, ông Kính cho biết sức khỏe của các bệnh nhân hiện ổn định, chưa có ca nào phải thở máy. Về triệu chứng lâm sàng, chỉ có sốt 38,5 độ, ngày thứ 4 hết sốt, X-quang phổi có tổn thương nhưng không nhiều, chưa có chỉ định phải thở oxy, không có sự khác biệt vê triệu chứng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp B.1.617 vào nhóm "biến chủng đáng chú ý" (VOI), nhưng chưa coi đây là "biến chủng đáng lo ngại" (VOC). Nhóm VOC gồm những biến chủng nCoV nguy hiểm hơn bản gốc nhờ khả năng lây nhiễm và gây chết người cao hơn hoặc kháng vaccine mạnh hơn.
Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, liên tục ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm nCoV mỗi ngày trong suốt nhiều ngày qua. Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện nay là khoảng 18 triệu, hơn 201.000 ca tử vong vì COVID-19. Tình hình đại dịch tại Ấn Độ đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới.
Trước đó, Viện Pasteur TP HCM giải trình tự gene các ca nhiễm nhập cảnh từ Campuchia, kết quả 85,7% mẫu mang biến thể B1.1.7 và 14,3% mẫu mang biến thể B.1.351.