Trước khi mất 20 tỷ USD, Bill Hwang là giao dịch “khủng” nhất mà phần lớn mọi người chưa từng nghe tên.
Bắt đầu từ năm 2013, Bill Hwang biến hơn 200 triệu USD còn lại của quỹ đầu tư đã đóng cửa của mình thành một khối tài sản đáng kinh ngạc bằng cách đầu tư vào cổ phiếu. Nếu không có cú vung tay hồi đầu tháng 3 vừa qua, nhà đầu tư 57 tuổi này đã trở thành gương mặt nổi bật trong danh sách tỷ phú thế giới. Tất nhiên có những người giàu có hơn, nhưng tiền của họ chủ yếu gắn với doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư phức hợp, thể thao và nghệ thuật. Và rồi, khối tài sản 20 tỷ USD của Hwang biến mất chỉ trong vòng 2 ngày.
Sự sụp đổ bất ngờ của quỹ đầu tư Archegos Capital Management của Hwang hồi cuối tháng 3 được đánh giá là một trong những thất bại gây kinh ngạc nhất trong lịch sử tài chính hiện đại: Chưa có ai mất nhiều tiền nhanh như vậy. Lúc đỉnh điểm, tài sản của Hwang lên hơn 30 tỷ USD. Đó cũng là một điều đặc biệt. Khác với những ngôi sao phố Wall và những người đoạt giải Nobel đã điều hành Long-Term Capital Management sụp đổ năm 1998, Hwang gần như ít được biết đến ngoài một nhóm nhỏ cùng đi nhà thờ, đồng nghiệp cũ trong quỹ đầu tư và một số ít chủ ngân hàng.
Hwang trở thành cá voi lớn nhất trong bầy cá voi – một thuật ngữ tài chính chỉ những người thống trị trên thị trường, nhưng không bao giờ ngoi lên mặt nước.
Dù cố tình hay vô ý, Archegos không bao giờ xuất hiện trong các hồ sơ công bố những cổ đông lớn sở hữu cổ phiếu đại chúng. Hwang dùng giao dịch hoán đổi, một loại hình phái sinh cho phép nhà đầu tư thu lời hoặc chịu lỗ đối với tài sản mà không cần trực tiếp sở hữu tài sản. Cách này giúp che giấu danh tính và quy mô đầu tư. Ngay cả những doanh nghiệp rót tiền cho các khoản đầu tư của Hwang cũng không thấy hết được toàn bộ bức tranh.
Đó là lý do vào ngày 26/3, khi các nhà đầu tư khắp thế giới biết tin một công ty tên là Archegos không thể trả các khoản nợ được dùng để tạo nên danh mục đầu tư trị giá 100 tỷ USD, câu hỏi đầu tiên được nêu ra là: Bill Hwang là ai?
Vì Hwang sử dụng tiền đi vay và tăng số tiền cược của mình lên gấp 5 lần, sự sụp đổ của nhà đầu tư này tạo nên một vệt hủy diệt dài. Các ngân hàng bán phá giá cổ phần của ông ta, khiến giá cổ phiếu lao dốc. Tập đoàn tài chính Credit Suisse, một trong nhưng nơi cho Hwang vay tiền, thiệt hại 4,7 tỷ USD. Nhiều giám đốc điều hành, trong đó có giám đốc đầu tư, bị sa thải. Nomura Holdings mất khoảng 2 tỷ USD.
Hwang không sở hữu tài sản thực tế đáng kể nào. Ông ta không có căn penthouse nhìn ra công viên trung tâm của quận Manhattan (Mỹ), không có căn nhà gỗ trên sườn đồi ở Yellowstone Club, không máy bay riêng.
“Tôi lớn lên trong một gia đình mục sư. Chúng tôi rất nghèo”, Hwang nói trong video ghi hình tại nhà thờ cộng đồng ở New Jersey năm 2019.
Hwang sống trong một căn nhà ở ngoại ô New Jersey và đi lại bằng một chiếc Hyundai SUV.
Câu chuyện của Hwang là một sự nghịch lý giữa một người tận tụy với nhà thờ và cho đi hào phóng, với sở thích đốt tiền trong công việc không khác gì con bạc trong sòng bài. Đến giờ Hwang vẫn chưa nói vì sao ông ta lại chơi một cuộc chơi nguy hiểm như vậy, các ông chủ ngân hàng cũng thế. Nhưng các mảnh của bức tranh ghép đang rơi về đúng vị trí.
Bình Giang
Tiền Phong