Chủ tịch Ngân hàng OCB: Ngân hàng không phải là nơi để lãng phí
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) - Theo chia sẻ của người đứng đầu ngân hàng, OCB tập trung xây dựng hệ sinh thái dựa trên nền tảng công nghệ, với quan điểm “tiền là phải sinh lời”.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB. Ảnh: DNCC. |
Tập trung xây dựng hệ sinh thái
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây, có cổ đông đặt câu hỏi về mức độ rủi ro khi tổng dư nợ cho vay của ngân hàng ở lĩnh vực bất động sản lên đến gần 30% tổng dư nợ.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, con số thống kê trên là do theo quy định phân ngành. Theo đó, danh mục cho vay bất động sản là rất rộng, bao gồm cả cho vay người mua nhà chứ không chỉ đơn thuần là cho vay chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, lãnh đạo OCB cho biết đây lại là danh mục có mức độ rủi ro thấp nhất với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. “Điều quan trọng là chọn lựa đúng khách hàng và có tài sản đảm bảo đầy đủ. Cổ đông có thể yên tâm với danh mục này”, ông Tùng nói.
Câu chuyện hợp tác chiến lược với tập đoàn FLC cũng được một cổ đông nêu lên. Lãnh đạo ngân hàng lý giải FLC sở hữu hệ sinh thái có nhiều sản phẩm dịch vụ, các sản phẩm này có thể xuất hiện trên ứng dụng của OCB và ngược lại. “Đây là một quan hệ liên minh cùng khai thác hệ sinh thái, chứ không liên quan đến chuyện đầu tư vốn. Một ngân hàng bán lẻ thì cần nhiều đối tác như vậy”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, ngoài tập đoàn FLC thì OCB còn 19 đối tác tương tự. Dẫn ví dụ ở TPHCM, ngân hàng có OCB có mối quan hệ sâu với đối tác Nam Long, cùng phát triển hệ sinh thái vì đối tượng mục tiêu của OCB cũng là nhóm khách hàng trung lưu. Lãnh đạo ngân hàng đặt kỳ vọng một hệ thống đối tác tốt được xây dựng qua nhiều năm, sẽ giúp bán chéo sản phẩm dựa trên hệ sinh thái của nhau.
Một cơ sở quan trọng để OCB xây dựng mối quan hệ sinh thái với đối tác là nhờ hoàn thiện hạ tầng công nghệ. Theo đó, nền tảng Open API (giao diện lập trình mở) cho phép xây dựng mô hình “ngân hàng mở”, tích hợp nhiều dịch vụ của các đối tác khác, bao gồm cả fintech, ông Tùng lý giải việc tăng tốc đầu tư vào công nghệ từ năm 2017 đến nay.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT của OCB, các hoạt động đầu tư hay tìm kiếm đối tác đều phải hướng đến câu chuyện cuối cùng là sinh lời. “Đây là tài sản sinh lời với tỷ lệ cao, quản trị ngân hàng phải chặt chẽ ở chỗ tất cả tài sản đều phải sinh lời, không có nơi lãng phí”, ông Tuấn nói.
Chủ tịch OCB cũng đánh giá rằng OCB có các khoản mục như tài sản khác, lãi và phí dự thu ở mức thấp so với các ngân hàng bạn. Tỷ suất lợi nhuận bình quân ROAA và ROEA năm 2020 lần lượt đạt 2,61% và 24,42%, nằm trong nhóm top thị trường dù quy mô tổng tài sản của ngân hàng chỉ ở mức tương đối.
OCB chủ trương xây dựng hệ sinh thái dựa trên mối quan hệ thân thiết với nhiều đối tác. Ảnh: DNCC |
Chia cổ tức 25%, tăng vốn điều lệ 32%
Đại hội cổ đông năm nay cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỉ đồng lên 14.449 tỉ đồng, tương đương tăng 32%.
Việc tăng vốn dự kiến được thực hiện qua ba hình thức. Một là phát hành gần 274 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%; hai là bán ra khoảng 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP; và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Tuấn, về kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ, mục tiêu của OCB là vẫn dành “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. “Thời gian qua có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm cổ phiếu của OCB, nhưng vướng thủ tục niêm yết nên chưa thể thực hiện. Do đó, trong năm nay HĐQT phải trình cổ đông để phát hành gói đó. Chi tiết đối tác thì chưa nhưng sự quan tâm thì có”, ông Tuấn chia sẻ tại đại hội.
Trong năm ngoái, OCB đã tăng vốn điều lệ dựa qua việc phát hành riêng lẻ 3.000 tỉ đồng cho đối tác ngoại là Aozora Bank (Nhật Bản) và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%. Hiện tại, Aozora Bank đang là cổ đông chiến lược nắm 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng và có 2 thành viên tham gia HĐQT của OCB.
Còn vào đầu năm 2021, ngân hàng chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Lãnh đạo ngân hàng cho biết hiện tại OCB có hơn 9.000 cổ đông so với mức 4.000 cổ đồng vào thời điểm bắt đầu niêm yết.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 37% so với năm trước đạt 4.419 tỉ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch. Trong năm nay, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 25%.
Theo ông Tùng, trong các năm trước, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của OCB dao động khoảng 25 - 30%. Trong năm nay, lãnh đạo ngân hàng tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục cao hơn trung bình ngành.
Xem thêm: lmth.ihp-gnal-ed-ion-al-iahp-gnohk-gnah-nagn-bco-gnah-nagn-hcit-uhc/668513/nv.semitnogiaseht.www