Vấn đề ở chỗ họ xin bảo hộ dấu hiệu ST25
TS. Lê Thiên Hương
(KTSG) - Những ngày qua, câu chuyện về nhãn hiệu ST25 được một số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ ở USPTO (Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Mỹ) đang gây ồn ào dư luận. Điều đáng nói là người xin cấp bảo hộ đủ khôn ngoan để đơn của họ được chấp nhận.
'Bất kỳ ai cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu 'ST25' cho sản phẩm gạo'
ST25 là tên giống lúa đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng số 21.VN.2020 tại Việt Nam, do ông Hồ Quang Cua và cộng sự nghiên cứu và lai tạo. Gạo từ giống lúa này cũng đạt được giải thưởng gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và giải nhì năm 2020, là niềm tự hào không nhỏ của nông dân Việt. Tuy nhiên, gần đây, người ta phát hiện ra rằng đã có năm đơn nhãn hiệu ST25 cho sản phẩm gạo được nộp ở USPTO và đang chờ thẩm định. Điều này làm cho phía Việt Nam lo lắng về khả năng không thể xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Mỹ với chỉ dẫn “gạo ST25” nữa.
Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu ST25 mang số 90009521, theo quy định của luật về nhãn hiệu của Mỹ, trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố (ngày 4-5-2021), nếu không có đơn phản đối cấp bằng bảo hộ hay đơn xin kéo dài thời hạn phản đối được nộp, thì nhãn hiệu này sẽ được cấp bằng bảo hộ. |
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng những đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25 nói trên đang ở trong giai đoạn thẩm định, chứ chưa được cấp bằng. Cụ thể, đăng ký số 90009521 cho nhãn hiệu dạng chữ và số “ST25” (nộp ở USPTO vào ngày 18-6-2020) đã được chấp thuận đơn hợp lệ, và sẽ được công bố trên Trademark Official Gazette (TMOG) vào ngày 4-5-2021 tới. Các đăng ký nhãn hiệu còn lại, hoặc đã bị đình chỉ, từ chối hoặc đang ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của USPTO, đều không có khả năng dẫn tới việc bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25.
Vì thế, có thể nói, ở thời điểm hiện nay, chỉ có đăng ký số 90009521 có thể gây khó dễ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Xin nhấn mạnh rằng, đăng ký này nhắm vào việc bảo hộ nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn (standard character mark), vì thế nếu được cấp bằng, nó sẽ mang lại mức độ bảo hộ rộng. Điều đó có nghĩa là chủ sở hữu bằng bảo hộ có quyền tự do thể hiện dấu hiệu ST25 dưới nhiều “phong cách” thiết kế, màu sắc khác nhau, có thể để kèm với logo hoặc để độc lập trên sản phẩm. Như thế, các sản phẩm gạo của Việt Nam - khi bao bì mang dấu hiệu ST25 - càng dễ bị coi là vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu nói trên.
Hiện nay, một số ý kiến cho rằng ST25 là tên của một giống cây trồng, vì thế không thể được đăng ký như nhãn hiệu ở Mỹ. Tuy nhiên, giống lúa ST25 chỉ được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam chứ không được bảo hộ ở Mỹ. Theo thủ tục thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của USPTO thì khi xét duyệt đơn, nhà thẩm định cần kiểm tra các nguồn bằng chứng như dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, thông tin của USPTO liên quan tới bằng độc quyền sáng chế liên quan tới giống cây trồng, hay kiểm tra trên trang web của chính phủ cho phép tìm kiếm tên giống cây trồng được bảo hộ tại Mỹ. Có thể hiểu là cái tên ST25 chỉ được bảo hộ ở Việt Nam và không tồn tại trong các nguồn bằng chứng nói trên, vì thế đơn đăng ký nhãn hiệu ST25 đã được người xét duyệt đơn chấp thuận là hợp lệ. Hơn nữa, đơn đăng ký này đã được sửa đổi để đưa vào tuyên bố rằng “ST25 hay ST 25 không có nghĩa trong tiếng nước ngoài và không có nghĩa khi được áp dụng cho sản phẩm liên quan”. Có lẽ, thông tin thiếu trung thực này đã góp phần làm cho đơn số 90009521 được thông qua.
Xin nhấn mạnh rằng, đăng ký này nhắm vào việc bảo hộ nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn (standard character mark), vì thế nếu được cấp bằng, nó sẽ mang lại mức độ bảo hộ rộng. |
Ngược lại, đơn đăng ký nhãn hiệu NO. 1 VIETNAM’S ST25 RICE THE WORLD’S BEST RICE thì lại bị từ chối trên cơ sở ST25 là tên một giống lúa ở Việt Nam, và vì thế theo nhà thẩm định đơn này, NO. 1 VIETNAM’S ST25 RICE THE WORLD’S BEST RICE chỉ đơn thuần là miêu tả nguồn gốc địa lý của sản phẩm gạo, không đáp ứng đủ điều kiện khác biệt của nhãn hiệu.
Hiện nay, đối với đơn đăng ký nhãn hiệu ST25 mang số 90009521, theo quy định của luật về nhãn hiệu của Mỹ, trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố (ngày 4-5-2021), nếu không có đơn phản đối cấp bằng bảo hộ (notice of opposition) hay đơn xin kéo dài thời hạn phản đối được nộp, thì nhãn hiệu này sẽ được cấp bằng bảo hộ và chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ có quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu ST25 trên sản phẩm gạo của mình. Như thế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện có khoảng hơn một tháng để nộp đơn phản đối việc cấp bằng bảo hộ cho nhãn hiệu ST25.
Trước mắt, đơn phản đối việc cấp bằng bảo hộ cho nhãn hiệu ST25 có thể dựa trên một số điểm mấu chốt như ST25 là tên một giống lúa đã được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam và được người tiêu dùng sản phẩm gạo trên toàn thế giới biết đến, trong đó có người tiêu dùng ở Mỹ; ST25 có nghĩa trong ngôn ngữ tiếng Việt, trái với tuyên bố trong đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; cũng như có thể dựa trên quy định của luật về nhãn hiệu liên quan tới hành vi thiếu trung thực trong đăng ký nhãn hiệu, cụ thể là đăng ký nhãn hiệu với mục đích lợi dụng tên tuổi của một sản phẩm đã có tiếng từ trước.
Rõ ràng là phía Việt Nam cần nhanh chóng hành động để nhãn hiệu ST25 không được cấp cho doanh nghiệp ngoại “nhanh mắt, nhanh tay” này, nhất là khi thủ tục phản đối cấp bằng bảo hộ ít phức tạp và đỡ tốn kém hơn thủ tục xin hủy nhãn hiệu đã được cấp. Xin nhắc lại là các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố để thực hiện thủ tục này, trước khi mất trắng nhãn hiệu ST25 vào tay doanh nghiệp ngoại.
Bốn đăng ký nhãn hiệu đã bị đình chỉ, từ chối hoặc đang ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của USPTO: Đăng ký số 90103840 cho nhãn hiệu “ST25“ cho sản phẩm gạo, bánh đa nem, bún, phở nộp vào ngày 10-8-2020. Hiện đơn đăng ký này đang bị đình chỉ, vì lý do nhãn hiệu trùng hợp với đơn số 90009521 nói trên. Đăng ký số 90085988 cho nhãn hiệu thiết kế (hình hai bông lúa) với chữ NO. 1 VIETNAM’S ST25 RICE THE WORLD’S BEST RICE được nộp ngày 31-7-2020 cho sản phẩm gạo. Hiện nay, đơn đăng ký này đang nhận được yêu cầu sửa đổi và hoàn chỉnh hồ sơ, vì lý do dấu hiệu chữ không đạt yêu cầu về nhãn hiệu (dấu hiệu chữ chỉ là miêu tả thuần túy nguồn gốc địa lý của sản phẩm). Theo gợi ý của USPTO, nhãn hiệu có thể được cấp cho phần thiết kế, chứ không ai có thể độc quyền dòng chữ NO. 1 VIETNAM’S ST25 RICE THE WORLD’S BEST RICE trên sản phẩm gạo. Đăng ký số 90151727 cho nhãn hiệu chữ VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG được nộp ngày 1-9-2020. Hiện đơn đăng ký này đang bị từ chối vì dấu hiệu chữ không đạt yêu cầu về nhãn hiệu (nhãn hiệu chỉ là miêu tả nguồn gốc địa lý của sản phẩm). Đăng ký số 90270383 cho nhãn hiệu hình ảnh kèm dòng chữ THE WORLD’S BEST RICE GAO THOM ST25 DAC SAN SOC TRANG NGON NHAT THE GIOI 100% TU NHIEN KHONG BEO PHI - KHONG TIEU DUONG NEW CROP 2020 NET WT. 25LBS (11.3 KG) được nộp ngày 22-10-2020. Hiện đăng ký này đang được yêu cầu sửa đổi và bổ sung, do dấu hiệu chữ không được chấp nhận (đơn thuần là miêu tả nguồn gốc địa lý của sản phẩm, không có khả năng phân biệt). |
(1) https://tmog.uspto.gov/
Xem thêm: lmth.-52ts-ueih-uad-oh-oab-nix-oh-ohc-o-ed-nav/208513/nv.semitnogiaseht.www