Công trình cầu Hoàng Văn Thụ là một trong những điểm nhấn hạ tầng đô thị của Hải Phòng, kết nối trung tâm thành phố với khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, huyện Thủy Nguyên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân chính là một trong những đích đến được lãnh đạo Hải Phòng quán triệt nhằm sớm đưa thành phố cảng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững.
Chú trọng những lợi ích "sát sườn" của dân
Những ngày giữa tháng 4-2021, tại một góc phố thuộc phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh - nhóm người đàn ông lớn tuổi đang luận bàn về việc Hải Phòng chuẩn bị những hoạt động kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng thành phố.
Trong cuộc trò chuyện, mọi người đều hào hứng khi nói đến những đổi thay trông thấy từng ngày tại thành phố cảng không chỉ về các con số tăng trưởng kinh tế với số thu ngân sách cả trăm ngàn tỉ đồng, mà những lợi ích sát sườn của người dân đang được thụ hưởng từ hàng loạt chính sách an sinh xã hội.
"Năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 như vậy, tôi nghĩ thế nào quà tặng dịp Tết Tân Sửu cũng sẽ bị cắt giảm, vậy mà thành phố vẫn tặng quà cùng tiền mặt còn tăng cao hơn năm trước, từ 4 triệu đồng lên mức 4,5 triệu đồng" - ông Trần Văn Chọn, 67 tuổi - một cựu chiến binh nói về việc chăm lo người có công của Hải Phòng những năm gần đây.
Nói thêm về vấn đề chính sách an sinh xã hội, ông Chọn cho rằng chưa phải thành công nếu kinh tế tăng trưởng phát triển mà đời sống của người dân thực tế không đi lên, không thay đổi tích cực hơn.
"Giờ tôi không quan tâm nhiều đến việc thành phố đạt mức tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, điều tôi quan tâm chính là tiền trợ cấp hằng tháng, quà tặng dịp lễ và cuối năm của thành phố dành cho tôi "tăng trưởng" như thế nào, môi trường và các điều kiện sống được cải thiện ra sao" - ông Chọn nêu.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Chíu (69 tuổi, trú tại phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh) đánh giá, những năm gần đây, Hải Phòng thật sự có nhiều chính sách phục vụ lợi ích "sát sườn", đáp ứng mong mỏi của đa số người dân trên địa bàn.
"Công tác an sinh xã hội của Hải Phòng mấy năm gần đây đổi thay ra sao, báo chí đã nêu nhiều, từ chuyện miễn học phí, thưởng cho học sinh giỏi, vận động viên xuất sắc, chăm lo người có công cho đến người có hoàn cảnh khó khăn và cả việc xây dựng chung cư cũ...
Những việc này Hải Phòng làm rất tốt, chỉ mong thành phố luôn có sự quan tâm như vậy đến người dân" - ông Chíu bày tỏ.
Chỉ tay vào con đường nhựa đen bóng rộng hơn 6m, ông Nguyễn Văn Lựa (47 tuổi, trú tại Phúc Lộc, Hưng Đạo, Dương Kinh) cho biết đổi thay chẳng ở đâu xa, mấy năm trước con đường này chỉ là đường đất trải đá rộng chưa đầy 3m, hai xe tránh nhau còn khó, giờ được thảm nhựa đen bóng, đi lại thông thoáng giúp giá trị đất ở của người dân cũng tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng - nhấn mạnh tập thể lãnh đạo thành phố xác định rõ chủ trương "đầu tư cho an sinh xã hội phải đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế", cho nên những năm gần đây luôn dành nguồn lực để hiện thực hóa nhiệm vụ nói trên.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, Hải Phòng đã chi 1.438 tỉ đồng tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo vào các dịp lễ, tết (mức quà tặng năm 2020 đạt 4 triệu đồng cho mỗi gia đình người có công, tăng gấp 5,6 lần năm 2015). Tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 3,86% năm 2015 xuống còn 0,22% năm 2020.
Theo ông Tùng, trong giai đoạn 2020 - 2025, Hải Phòng dự kiến sẽ thực hiện hỗ trợ cho 3.889 hộ nghèo, hộ cận nghèo cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà ở. Cụ thể, thành phố chi hơn 110 tỉ đồng từ ngân sách thành phố và xi măng, gạch với trị giá khoảng 89 tỉ đồng để thực hiện công tác trên.
Các chính sách về an sinh xã hội của thành phố trong những năm qua đã góp phần quan trọng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng chính là nền tảng và động lực để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong giai đoạn tới".
Ông Nguyễn Văn Tùng (chủ tịch UBND TP Hải Phòng)
Đẩy mạnh chỉnh trang không gian đô thị
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, việc chỉnh trang hiện đại hóa đô thị trung tâm và mở rộng không gian đô thị là yêu cầu được đặt ra đối với Hải Phòng để xứng tầm đô thị loại I và tiến tới đô thị loại đặc biệt cấp quốc gia, trực tiếp giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân trên địa bàn.
Từng sống trong cảnh chật chội, xập xệ tại khu tập thể Ðồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền - bà Đàm Thị Thu Hương (58 tuổi) đến giờ vẫn còn có cảm giác như trong mơ khi được dọn về căn hộ mới khang trang tại tầng 15, khu nhà cao tầng mới xây HH3 - HH4 mà không phải bỏ thêm tiền.
Những người dân trong khu vực của bà còn hạnh phúc hơn khi biết rằng trên nền những dãy nhà tập thể cũ sẽ là diện tích dành cho vườn hoa, công viên cây xanh, công trình giao thông...
Chị Trần Thị Huệ (quê huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) - giáo viên một trường THPT tại huyện An Dương - cho biết bản thân chị thật sự ấn tượng với những đổi thay mạnh mẽ trên nhiều phương diện của Hải Phòng những năm gần đây. "Tôi đến Hải Phòng từ năm 2013 và giờ có thể cảm nhận được cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày" - chị Huệ chia sẻ.
Anh Phạm Minh Tiệp (32 tuổi, chủ một doanh nghiệp hoạt động tại Hải Phòng) thẳng thắn đánh giá, nếu so Hải Phòng với Hà Nội hay TP.HCM thì thua xa về sự "tấp nập" cũng như không gian đô thị với các tòa cao ốc, nhưng không gian đô thị Hải Phòng lại có nét thanh bình rất riêng.
"Tôi rất ấn tượng khi khu vực sông Tam Bạc đoạn từ chợ Sắt đến cầu Lạc Long một thời nước lúc nào cũng ngầu đục, ngập trong mùi xú uế bởi rác thải chất đống, giờ đã chuyển mình thành một con sông sạch đẹp với bờ kè hai bên, thiên nga bơi lội thư thái dưới nước, còn ở hai bên bờ là tuyến phố đi bộ đẹp bậc nhất Hải Phòng" - anh Tiệp tự hào.
Nhóm bạn trẻ vui chơi tại khu vực vườn hoa, tượng đài nữ tướng Lê Chân, Hải Phòng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nói về những đổi thay này, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết sau khi nhìn nhận thẳng thắn về những điểm còn hạn chế trong xây dựng không gian đô thị như: đất cây xanh đô thị, tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch… còn thấp, thành phố quyết định tập trung đầu tư, cải tạo cảnh quan đô thị, cải thiện không gian sống cho người dân.
Hiện nay nhiệm vụ chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị chính là mục tiêu trọng tâm được xác định chủ đề năm 2021 của Hải Phòng. Trong 5 năm gần đây, thành phố đã tập trung chỉ đạo tăng quỹ đất công viên cây xanh khu vực nội đô.
Thành phố đẩy mạnh di dời nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, các khu lấn chiếm, xuống cấp, chung cư cũ đến khu vực mới để dành quỹ đất xây dựng công viên cây xanh, vườn hoa như: công viên Tam Bạc, An Biên; các vườn hoa: Tố Hữu, Kim Ðồng và trong khuôn viên chung cư HH3-HH4 Ðồng Quốc Bình, Cung Văn hóa Thanh niên, Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Tiệp, Cung Văn hóa Thiếu nhi...
Cùng với đó, nhiều dự án đô thị mới theo hướng sinh thái được triển khai, góp phần tăng mảng xanh cho đô thị trung tâm thành phố.
Ông Phùng Văn Thanh - giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng - cho biết tính đến cuối năm 2020, tại 7 quận của thành phố mới chỉ có hơn 1.200ha đất cây xanh công viên được thực hiện theo quy hoạch, đạt tỉ lệ 5,5 m²/người, thấp so với tiêu chí đô thị loại I và đô thị loại đặc biệt. Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu các quận, tổng diện tích đất cây xanh đô thị là 5.128,8ha.
Trong đề án chỉnh trang đô thị giai đoạn 2021 - 2025 được Sở Xây dựng đề xuất triển khai, sẽ xây dựng thí điểm 7 công viên có quy mô khoảng 1 ha/công viên tại 7 quận và 10 công viên tại các thị trấn trong năm 2021. Đến năm 2025 sẽ bổ sung khoảng 1.673 ha đất công viên cây xanh trên địa bàn thành phố.
Theo giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, khó khăn nhất vẫn là mặt bằng xây dựng công viên, cây xanh. Sở đã đề xuất giải pháp trước mắt là đẩy nhanh việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, di dời cảng, nhà máy, kho tàng, bến bãi, cơ sở sản xuất ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch, mặt bằng các chung cư cũ, ưu tiên đất cho giao thông, cây xanh và công trình phúc lợi công cộng.
Bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất công viên, cây xanh, mặt nước hiện có và quyết không điều chỉnh, sử dụng quỹ đất quy hoạch cây xanh vào mục đích khác. Ðồng thời, tại các khu đô thị mới, các khu vực cải tạo chung cư cũ sẽ khuyến khích xây dựng nhà cao tầng, nhằm tăng diện tích đất công viên cây xanh và đất xây dựng giao thông…
Với những quyết sách đúng đắn, Hải Phòng đang có những bước tiến dài trong lộ trình trở thành thành phố văn minh, hiện đại, hướng tới cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thành phố cảng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Phấn khởi nhất là mấy đứa cháu tôi đi học đều được miễn học phí, giúp bố mẹ chúng nó tiết kiệm được một khoản kha khá. Dù số tiền được miễn không nhiều, nhưng đây là sự quan tâm của thành phố cho sự nghiệp giáo dục".
Ông Nguyễn Văn Lựa (trú tại Phúc Lộc, Hưng Đạo, Dương Kinh)
3 năm trở lại đây đô thị Hải Phòng có sự lột xác, hàng loạt khách sạn 5 sao mọc lên, trung tâm thương mại với đủ các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân. Hải Phòng hiện giờ thật sự trở thành một trong những nơi đáng sống và tôi đã quyết định gắn bó lâu dài với nơi này".
Chị Trần Thị Huệ (giáo viên một trường THPT tại huyện An Dương, TP Hải Phòng)
TTO - Người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền TP Hải Phòng Lê Văn Thành trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, lý giải vì sao TP cảng với 2 triệu dân đã phát triển ngoạn mục trong giai đoạn vừa qua.
Xem thêm: mth.7240630182401202-nad-iougn-cuhp-hnah-iv-cul-on-gnohp-iah/nv.ertiout