Bắc Ninh xử phạt các doanh nghiệp vi phạm môi trường 2,2 tỉ đồng
Vân Ly
(KTSG Online) - UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 29-4 đã ra quyết định xử phạt 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh với tổng số tiền trên 2,2 tỉ đồng, do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Lực lượng chức năng tháo dỡ đường ống lấy nước mặt trái phép tại Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN |
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị xử phạt do hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xả nước thải với các thông số vượt qua quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt như sau: công ty Trách nhiệm hữu hạn Viphaco với số tiền 695 triệu đồng; hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Du 362,5 triệu đồng; hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoàn số tiền 347,5 triệu đồng và xử phạt các hộ kinh doanh Nguyễn Bá Chứ, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Trọng Sơn cùng số tiền là 275 triệu đồng.
Quyết định xử phạt trên được đưa ra sau khi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã đi kiểm tra vi phạm nguồn xả thải gây ô nhiễm vào công trình thủy lợi tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu thành phố Bắc Ninh tập trung rà soát, chỉ đạo tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải không đúng quy định, hoàn thành chậm nhất ngày 30-4; đồng thời thường xuyên kiểm tra không để phát sinh, tái diễn các vi phạm; phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống cắt, tháo dỡ toàn bộ đường ống dẫn nước lấy nước mặt từ đập Phú Lâm (huyện Tiên Du) không có giấy phép, hoàn thành trước ngày 7-5.
Thành phố tiếp tục rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, lập hồ sơ xử phạt, đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động; các cơ sở chỉ được hoạt động trở lại khi đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.
Cùng với đó, Công an tỉnh thực hiện niêm phong các cơ sở sau khi có quyết định đình chỉ, nếu cố tình vi phạm, tự ý tháo bỏ niêm phong sẽ áp dụng xử lý ở mức cao hơn.
Đối với cơ sở bị đình chỉ nhiều lần, Công an tỉnh thành lập tổ chốt chặn các phương tiện ra, vào cơ sở; cắm biển hạn chế tải trọng theo quy định trong khu dân cư; thành lập tổ công tác thường xuyên xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường; lập chuyên án xử lý nghiêm, ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường…
Xem thêm: lmth.gnod-it-22-gnourt-iom-mahp-iv-peihgn-hnaod-cac-tahp-ux-hnin-cab/678513/nv.semitnogiaseht.www