Chưa tận dụng được nhiều ưu đãi thuế quan do vướng xuất xứ hàng hóa
Nam Bình
(KTSG Online) - Tỷ lệ áp dụng các ưu đãi mang lại nhờ có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam còn thấp, chưa như kỳ vọng.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM tại “Hội nghị thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản và tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA thế hệ mới” tổ chức ở Đồng Nai ngày 29-4.
Chưa tận dụng được nhiều ưu đãi từ các FTA
Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, tính trên kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA) đạt mức cao nhất, 67,72%, tiếp đó là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) đạt 65,13%, tiếp nữa là AANZFTA (ASEAN - Australia - New Zealand FTA) đạt 38,16%.
Thế nhưng, tổng cộng, tỷ lệ áp dụng ưu đãi xuất xứ hàng hóa từ các FTA của Việt Nam tính đến cuối năm 2019 chỉ ở mức 37,2%.
Cụ thể, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Chile đạt 940 triệu đô la Mỹ thì chỉ có 637 triệu đô la Mỹ kim ngạch được hưởng ưu đãi thuế quan nhờ C/O. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu vào khối ASEAN - Ấn Độ trong năm 2019 là hơn 6,67 tỉ đô la Mỹ nhưng chỉ có 4,347 tỉ đô la Mỹ hưởng ưu đãi C/O. Tổng kim ngạch xuất khẩu vào các nước có FTA với Việt Nam năm 2019 đạt hơn 127,8 tỉ đô la Mỹ nhưng chỉ có 47,549 tỉ đô la Mỹ sử dụng ưu đãi C/O.
“Ví dụ như EU, trong năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được gần 30 tỉ đô la Mỹ vào thị trường này, nếu tận dụng được hết các ưu đãi từ FTA mang lại, mức thuế được giảm sẽ rất lớn. Thế nhưng, với mức độ khai thác ưu đãi C/O chỉ đạt 37,2% như hiện nay, hàng hóa Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn phải chịu mức thuế rất cao. Đây là một tỷ lệ thấp so với những gì chúng ta kỳ vọng”, ông Nam nhấn mạnh.
Quy tắc xuất xứ hàng hóa là một trong những rào cản lớn nhất trong việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định ưu đãi thuế quan, đặc biệt ở những ngành hàng như may mặc, da giày, điện tử, xe đạp ... Ảnh: TTXVN. |
Theo ông Nam, xuất xứ hàng hóa và ưu đãi thuế quan luôn luôn song hành với nhau. Nếu như doanh nghiệp đáp ứng được các quy định về xuất xứ hàng hóa thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan.
Trong khi đó, quy tắc xuất xứ là một trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong việc tận dụng các ưu đãi từ EVFTA, UKVNFTA, CPTPP…, đặc biệt là các ngành hàng mà Việt Nam không có thế mạnh trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, điển hình là ngành may mặc, thiết bị điện, điện tử, xe đạp, ....
Quy tắc xuất xứ được ví như một trong những chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU, Anh Quốc, CPTPP, RCEP đầy tiềm năng.
Cũng theo ông Nam, ngoài các quy định về quy tắc xuất xứ, khi xuất khẩu hàng hóa cũng phải đạt được các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS).
Nếu không đáp ứng được TBT hoặc SPS, hàng hóa sẽ không được phép thông quan, còn nếu không đáp ứng về C/O hàng hóa vẫn có thể được phép nhập khẩu nhưng sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế quan.
Thiếu liên kết, khó tận dụng được các ưu đãi C/O cho nông sản
Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nông sản là một trong những sản phẩm có lợi thế về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhờ đó dễ dàng được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường đã có FTA với Việt Nam.
Thế nhưng, để tận dụng được những ưu đãi này, sản xuất nông nghiệp cần phải có sự liên kết tạo thành chuỗi sản xuất bền vững cũng như xây dựng được những vùng nguyên liệu đủ lớn cho xuất khẩu.
Về vấn đề này, TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá, các liên kết chuỗi nông sản bằng hợp đồng bền chặt hiện nay vẫn còn rất ít, tình trạng “bẻ kèo” vẫn thường xảy ra.
Nông sản trong đó có thủy sản, trái cây... là các mặt hàng có lợi thế về xuất xứ hàng hóa nhưng cũng chưa tận dụng được hết các ưu đãi từ FTA do hạn chế về chất lượng, nguồn cung... Ảnh: Nam Bình. |
TS Thịnh đánh giá, trên quy mô cả nước, chuỗi giá trị nông sản hiện nay còn khá nhiều hạn chế. Nhiều tỉnh thành còn chậm ban hành các văn bản để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản. Nhiều địa phương chưa phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ.
Do đó, tính tới nay, số đề án, dự án liên kết của tỉnh, thành được phê duyệt đến nay còn quá ít, cả nước mới chỉ có 321 dự án liên kết được duyệt.
Cũng theo TS. Lê Đức Thịnh, hạn chế đầu tiên khiến các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp chưa phát triển là do quy mô các chuỗi liên kết còn nhỏ, cả về quy mô sản xuất và quy mô doanh thu. Do đó, khả năng thu hút nông hộ tham gia liên kết rất hạn chế.
Không chỉ vậy, các liên kết tạo thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh còn ít, nhiều liên kết vẫn còn đứt đoạn, có khi chỉ dừng lại ở cung ứng vật tư hoặc sản xuất là dừng lại.
“Những vấn đề này ngành nông nghiệp rất trăn trở nhưng nguồn kinh phí để thực hiện chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế, cả ngân sách trung ương và địa phương”, ông Thịnh cho biết.
Tính chung cả nước hiện có gần 1.600 chuỗi nông sản an toàn với khoảng 2.362 sản phẩm, gần 3.000 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi. |