Nhìn lại năm 2020, ngành dệt may gánh chịu nhiều khó khăn do xuất khẩu đình trệ, nguyên liệu sản xuất thiếu hụt. Thời điểm đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp dệt may cho biết đã tính đến cả phương án phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài. Trải qua 1 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, ngành dệt may trong Quý I/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá từ bộ Công Thương, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm được hướng đi phù hợp, thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.
Một số doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may của Việt Nam cũng cho biết kết quả kinh doanh trong Quý I/2021 đã có những sự thích ứng nhất định sau cơn khủng hoảng bởi dịch Covid-19.
Đơn cử như tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UpCOM: VGT) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2021 với kết quả khá khả quan.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 3.377 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ, nhờ tiết kiệm giá vốn nên lợi nhuận gộp đạt 385,7 tỷ đồng, tăng 6% so với Quý I/2020.
Mặc dù doanh thu tài chính giảm gần một nửa từ 71 tỷ đồng xuống còn hơn 36 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính cũng giảm mạnh từ 146 tỷ đồng xuống còn gần 74 tỷ đồng nên sau khi trừ các khoản chi phí Vinatex lãi sau thuế 200,4 tỷ đồng, tăng 28,5% so với Quý I/2020.
Trong đó hơn một nửa thuộc về cổ đông không kiểm soát nên lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 99 tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ.
Vinatex cho biết do sự phục hồi của ngành dệt may đã giúp hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và hầu hết các đơn vị thành viên trong Tập đoàn tăng so với cùng kỳ.
Kết thúc năm 2020, Vinatex đạt 14.843 tỷ đồng doanh thu và 593,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đều giảm so với cùng kỳ nhưng lần lượt vượt 1,4% và 55,5% kế hoạch.
Sang năm 2021, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.365 tỷ đồng và 700 tỷ đồng lợi nhuận lần lượt tăng 17% và 18% so với thực hiện năm 2020.
Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) cũng công bố báo cáo tài chính Quý I/2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.
Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 945,7 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ. Trong khi giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt 154,5 tỷ đồng tăng 36% so với Quý I/2020.
Trong kỳ, TCM có gần 14 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính trong khi chi phí tài chính giảm được gần 3 tỷ đồng, mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng TCM vẫn có lãi sau thuế hơn 62 tỷ đồng, tăng 82% so với Quý I/2020.
Năm 2021, Dệt may Thành Công đặt kế hoạch đạt 4.218 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% và 290 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 5% so với thực hiện năm 2020.
Như vậy, với kế hoạch này kết thúc Quý I/2021, TCM đã hoàn thành được 22,4% mục tiêu về doanh thu và 21,4% mục tiêu về lợi nhuận.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cho biết, doanh thu tăng mạnh trong Quý I/2021.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 911 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng cao nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 111 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ TNG lãi gộp hơn 145 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí bán hàng giảm được gần một nửa, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng thấp hơn cùng kỳ. Do lãi gộp giảm nhiều nên kết quả TNG chỉ lãi sau thuế 22 tỷ đồng giảm 34% so với Quý I/2020.
TNG cho biết, các đơn hàng sản xuất Quý IV/2020 đã xuất vào Quý I/2021 nên doanh thu Quý I tăng cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng mới ký với khách hàng trong Quý I/2021 mặc dù số lượng sản phẩm nhiều hơn nhưng đơn giá thấp hơn với cùng kỳ từ 5 - 10% trong khi các chi phí đầu vào, chi phí phải trả cho người lao động không giảm dẫn đến chi phí cho một sản phẩm tăng so với cùng kỳ.
Sự hồi phục về xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2021 đã được nhiều chuyên gia và các tổ chức dự báo. Sự hồi phục này có được một phần là những tác động từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Việt Nam cũng đã đàm phán với các nước trong EU với điều khoản cho phép các doanh nghiệp Việt Nam bổ sung xuất xứ của nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU.
Những điều này đã mở ra những tín hiệu tích cực cho Quý II/2021. Tuy nhiên, theo đánh giá của bộ Công Thương, xuất khẩu mặt hàng dệt may vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Diễn biến gia tăng của dịch Covid-19 có thể khiến vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp trở ngại.