Khi thế giới muốn trói tay công ty công nghệ
Nguyễn Vũ
(KTSG) - Sau nhiều năm dài khuyến khích các công ty công nghệ phát triển với kỳ vọng dùng thành quả công nghệ để thúc đẩy các đột phá cho nền kinh tế nói chung, nay các nước trên thế giới đang bắt đầu siết lại chính các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu này.
Theo tổng kết của tờ New York Times, ở Trung Quốc chính phủ nước này phạt tập đoàn Alibaba với mức phạt kỷ lục 2,8 tỉ đô la vì cách thức kinh doanh độc quyền. Ở châu Âu, Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị ban hành hàng loạt quy định hạn chế các công nghệ dùng nền tảng trí tuệ nhân tạo. Còn ở Mỹ thì chính quyền Biden đang xúc tiến nhiều biện pháp kềm chế các “ông lớn” công nghệ như Amazon, Facebook hay Google.
Trước đó, Úc thông qua luật buộc các công ty công nghệ như Facebook hay Google phải trả phí cho báo chí. Nước Anh thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý doanh nghiệp công nghệ. Ấn Độ thông qua các biện pháp mới nhằm kiểm soát các mạng xã hội. Nga chặn bớt lưu lượng của Twitter tại nước này... Trong lĩnh vực này, Trung Quốc có vẻ mạnh tay nhất khi đưa ra nhiều ràng buộc để kiểm soát sự lớn mạnh và độc quyền của nhiều doanh nghiệp công nghệ chứ không chỉ tập trung vào Alibaba.
Việc tập trung sự chú ý như thế vào một lĩnh vực kinh tế là chưa có tiền lệ và sự thống nhất trong quan điểm của chính phủ các nước trong ứng xử với các công ty công nghệ cũng là điều chưa từng thấy. Tuy nhiên mục đích tối hậu của các nước là khác nhau: có thể châu Âu và Mỹ trói tay công ty công nghệ vì sợ chúng ngày càng độc quyền, bóp nghẹt cạnh tranh và hủy hoại quyền riêng tư của người dân. Trong khi đó, mục đích của các nước khác có thể là tăng thẩm quyền kiểm soát xã hội mà họ sợ các công ty công nghệ đang giành mất.
Daniel Crane, một giáo sư luật ở trường Đại học Michigan chuyên về luật chống độc quyền nói với tờ New York Time: “Thật là chưa có tiền lệ khi cả thế giới tập trung vào cùng một chuyện. Đó là giải quyết câu hỏi cả thế giới đều phải tìm câu trả lời: Liệu chúng ta có thoải mái để những công ty như Google có nhiều quyền lực như hiện nay?”.
Đúng là các công ty công nghệ hiện đang có quá nhiều quyền lực. Mười công ty lớn nhất, toàn là doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát các ngành như thương mại điện tử, tài chính, giải trí, truyền thông... cộng lại có tổng giá trị vốn hóa đến 10.000 tỉ đô la, so với GDP của các nước thì chỉ riêng 10 công ty này đã bằng nền kinh tế xếp thứ ba toàn cầu.
Điểm đặc biệt là trong khi chính sách của các nước đối với các công ty công nghệ là tương đồng, họ lại chẳng bao giờ chịu phối hợp để có các biện pháp đối phó chung. Ngược lại, các nước lại có quan điểm bảo vệ doanh nghiệp mình khi đụng chuyện ở nước khác. Như Mỹ siết các doanh nghiệp công nghệ của mình là thế nhưng khi các nước đòi đánh thuế doanh nghiệp công nghệ của Mỹ thì nước này đòi trả đũa bằng thuế.
Một hệ quả có thể thấy ngay là không gian Internet sẽ bị phân mảnh, Internet nước này sẽ khác Internet nước khác. Tùy theo chính sách của từng nước mà người truy cập Internet nước đó sẽ tiếp cận nội dung, mức độ bảo vệ sự riêng tư khác nhau, không nhất thiết do sự kiểm soát của từng nước mà do các công ty công nghệ uyển chuyển thay đổi chính sách để phù hợp với yêu cầu của từng nước. Giấc mơ Internet biến thế giới thành một ngôi làng thu nhỏ càng xa vời hơn bao giờ hết.
Đó cũng là cách các công ty công nghệ lập luận để tránh né sự kiểm soát của các nước. Chẳng hạn, Nick Clegg, Phó chủ tịch Facebook phụ trách mảnh chính sách và truyền thông, cho rằng các quyết định mà nhà làm luật các nước sẽ đưa ra trong những năm tháng tới sẽ có tác động sâu sắc lên Internet, các liên minh quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. Ông nói Facebook hy vọng “các nền dân chủ công nghệ tại Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và các nơi khác sẽ cùng nhau hợp tác để duy trì và nâng cao các giá trị dân chủ là trái tim của một mạng Internet mở, ngăn ngừa không để nó phân mảnh thêm nữa”. Ông này trước đây từng là Phó thủ tướng Anh.
Đại diện cho Google, ông Kent Walker, Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu cũng kêu gọi các nước phối hợp với nhau. “Chia cắt, đưa ra các quy định không nhất quán sẽ không giúp ích gì mà còn làm mọi thứ tệ hại hơn”, ông nói. Amazon thì nói họ sẵn sàng hợp tác với các cuộc điều tra chống độc quyền nhưng cho rằng cứ giả định có thái độ chống độc quyền là sẽ dẫn đến thành công là một sai lầm.
Hiện nay các nước tập trung đối phó với các công ty công nghệ ở hai hướng: chống độc quyền và yêu cầu kiểm soát nội dung. Đây cũng chính là hai điểm yếu của các công ty công nghệ. Google, Facebook, Apple, Alibaba, Amazon đều đang chiếm lĩnh các lĩnh vực từ quảng cáo, tìm thông tin đến thương mại điện tử và chợ ứng dụng. Tất cả đều từng mang tai tiếng lạm dụng vị thế để mua đứt đối thủ cạnh tranh, giành ưu tiên cho sản phẩm của chính họ và chặn đường bất kỳ ai muốn chống lại. Các công ty này cũng từng bị săm soi vì sao để tin giả, nội dung thù hằn, các thuyết âm mưu tràn lan trên nền tảng họ cung cấp, để chúng tác động lên thế giới thật.
Ngoài ra các quan chức châu Âu còn nhắm tới những nền tảng công nghệ mới nổi như kiểu phòng ngừa từ xa. Họ đang soạn thảo các quy định ngăn ngừa các rủi ro từ công nghệ trí tuệ nhân tạo như hạn chế các công ty dùng công nghệ kiểu này để đưa ra quyết định và tác động lên các hành xử của người dùng.
Công nghệ là tốt hay xấu, các công ty công nghệ đang cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí hay đang lợi dụng toàn nhân loại là cuộc tranh cãi chưa có hồi kết. Dù sao thế giới cũng đã bước qua giai đoạn khen ngợi công nghệ hết lời để tìm một thái độ thích hợp hơn, dù đó là trí tuệ nhân tạo hay vạn vật kết nối.
Xem thêm: lmth.ehgn-gnoc-yt-gnoc-yat-iort-noum-ioig-eht-ihk/838513/nv.semitnogiaseht.www