Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã trao đổi với đại diện đơn vị đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ và khẳng định nguồn gốc giống lúa ST25 do nhóm các nhà khoa học Việt Nam sáng chế. Thương vụ phản đối việc 5 doanh nghiệp đăng kỹ bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu.
USPTO đã có hướng dẫn quy trình phản đối việc doanh nghiệp khác đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Mỹ
Liên quan đến việc 5 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (chứa tên gạo ST25) tại thị trường Mỹ, theo Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ (USPTO) các hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra", tuy nhiên, có một hồ sơ sắp được chấp thuận bảo hộ thương hiệu ST25.
Trong 5 đơn đề nghị được bảo hộ nhãn hiệu (chứa tên gạo ST25) tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ, nhãn ST25 cho gạo của Công ty I&T Enterprise, Inc đã được thông qua bước đầu. Theo website của Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ, họ sẽ chuẩn bị công bố việc chấp thuận này vào ngày 4.5.
Đây là đơn vị duy nhất trong 4 doanh nghiệp Mỹ khi thẩm tra đạt được các yêu cầu cơ bản của USPTO. Còn lại đang bị yêu cầu bổ sung thông tin hoặc từ chối.
Về vấn đề này, ông Bùi Huy Sơn - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Thương vụ đã trao đổi với đại diện USPTO và khẳng định nguồn gốc giống lúa ST25 do nhóm các nhà khoa học Việt Nam sáng chế. Giống lúa này đã đạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại Philippines và giải nhì năm 2020 tại Mỹ.
Ngay sau đó, phía USPTO đã có hướng dẫn quy trình phản đối việc doanh nghiệp khác đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Mỹ, kể cả trước khi cơ quan này công bố thông tin về hồ sơ của I&T Enterprise, Inc vào ngày 4.5.
Theo ông Sơn, việc nhanh chóng hướng dẫn thủ tục phản đối cho thấy họ đã nắm rõ quan ngại của phía Việt Nam. Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ sẽ theo dõi sát sao diễn biến sự việc này, đồng thời sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong vụ việc này.
Có lo ngại gạo ST25 bị mất thương hiệu?
Trước câu hỏi có lo ngại khi thương hiệu gạo ngon bị mất không, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, ST25 là tên một giống lúa đã được doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đăng ký bảo hộ giống cây trồng và sử dụng tên ST25 làm tên cho giống cây trồng được bảo hộ.
"ST25 là tên của giống lúa được bảo hộ và khi đã được bảo hộ thì chủ văn bằng bảo hộ giống lúa đó có quyền đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hay một số hành vi khác đối với vật liệu nhân giống.
Cho nên, chủ doanh nghiệp này có quyền cho phép người khác sản xuất, kinh doanh lúa giống đó, trên cơ sở lúa giống đó và bà con có quyền gieo trồng lúa đó, tạo ra sản phẩm thu hoạch là thóc và chế biến thành gạo.
"Đặt câu hỏi liệu có mất thương hiệu cho sản phẩm gạo ST25 không, thì chúng ta phải hiểu rõ khái niệm: Gạo ST25 khác với sản phẩm lúa giống ST25. Trên thị trường có rất nhiều loại gạo khác nhau được thu hoạch từ giống lúa khác nhau. Ví dụ như gạo Bắc Hương từ giống lúa Bắc Hương, tám Hải Hậu được thu từ giống lúa tám Hải Hậu...
Với việc là tên gọi chung của sản phẩm, theo quy định của pháp luật, thì ST25 không được đăng ký độc quyền làm nhãn hiệu của bất cứ ai cả. Bởi vì khi đưa sản phẩm đó ra thị trường thì mọi người đều phải gọi nó là gạo ST25.
Ở thị trường Hoa Kỳ, đúng là có 5 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu có tên ST25 đang trong quá trình xử lý, nhưng theo pháp luật Hoa Kỳ, tên ST25 sẽ không được đăng ký độc quyền bảo hộ nhãn hiệu. Chính vì vậy, không có chuyện doanh nghiệp Việt bị mất thương hiệu ở đây", ông Bảy cho hay.
Xem thêm: odl.779309-gneit-nel-ym-iat-man-teiv-uv-gnouht-52ts-oag-ueih-nahn-yk-gnad-ym-nd/et-hnik/nv.gnodoal