Cả thời niên thiếu sống trong chiến tranh, trưởng thành trong hòa bình, những suy ngẫm về hòa bình trở đi trở lại cho đến hôm nay đã được ông Hải chuẩn bị viết ra thành một cuốn sách, mong được cống hiến cho một thế giới đầy biến động.
Một sáng kiến mang tên Việt Nam?
* Hòa bình có ý nghĩa gì với ông?
- Là tên công ty, đứa con tinh thần - vật chất - tim óc của tôi. Nhưng trước khi trở thành tên của đứa con ấy, hòa bình đã là tất cả những gì gia đình chúng tôi mong ước cho mình và cho mọi người, vì chúng tôi là một gia đình đã phải sống trong thời chiến tranh, hiểu được cái giá quá đắt của chiến tranh.
* Tuy nhiên, gia đình ông được cho là đã gặp may mắn trong chiến tranh?
- Chiến tranh không biết thế nào mà lường phúc - họa. Gia đình chúng tôi là một gia đình rặt Huế, ảnh hưởng Nho giáo. Ba cưới mẹ tôi, sinh một lèo sáu chị gái.
Bà nội bắt ba tôi phải lấy vợ hai để sinh con trai. Ba không đồng ý, nhưng rồi sau đó mẹ tôi lại sinh một lèo bốn anh em trai. May mắn ấy không chỉ cứu ba không phải lấy vợ hai, mà hơn nữa là cứu mấy anh em trai không ai phải đi lính vì còn đi học, vì chưa đến tuổi...
Năm 1967, ba tôi tham gia phong trào Phật tử chống liên minh Thiệu - Kỳ - Khiêm, bị bắt, bị o ép việc dạy học tại Trường Bồ Đề.
Ba mẹ phải bỏ nhà, dẫn mười anh chị em vào Sài Gòn tìm sinh kế. Tưởng là họa, nhưng rồi lại là may mắn vì dịp Tết Mậu Thân 1968, căn nhà của chúng tôi ở Huế trúng một loạt đạn pháo. Nếu không vào Sài Gòn trước đó, chắc gì đã có ngày hôm nay.
Hòa bình đến năm tôi 17 tuổi, gia đình toàn vẹn, được sống tuổi trưởng thành trong hòa bình, chúng tôi không mong muốn gì hơn nữa. Những khó khăn về kinh tế rồi cũng qua nhanh.
Tốt nghiệp đại học kiến trúc, đi làm, lập một văn phòng tư vấn xây dựng nhỏ rồi từ đó phát triển thành công ty, thành tập đoàn, tôi đặt cho sự nghiệp của mình cái tên Hòa Bình. Đó là mơ ước của tất cả thế hệ ông bà, cha mẹ tôi, thế hệ chúng tôi.
Đó là điều kiện tất yếu cho nghề nghiệp mà tôi đã chọn: hòa bình thì cần phải xây dựng, có hòa bình thì các công trình xây dựng mới vững bền. Hòa bình nằm trong mỗi giá trị của chúng tôi.
* Tôi được biết ông còn quan tâm đến vấn đề hòa bình hơn như vậy nữa.
- Vâng, tôi cho rằng mình là người Việt Nam, nhưng không chỉ riêng Việt Nam có hòa bình, ổn định là đủ. Việt Nam có sứ mệnh phải đưa ra sáng kiến - giải pháp hòa bình cho thế giới hiện giờ vẫn đang âm ỉ nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở nhiều nơi.
Tại sao là Việt Nam? Vì đâu có nước nào đã phải trải qua bốn cuộc chiến tranh đẫm máu liên tiếp trong vài chục năm, nỗi đau hậu chiến mất mát, chia rẽ kéo dài qua nhiều thế hệ như Việt Nam. Việt Nam là đất nước hiểu rõ nhất nỗi đau chiến tranh và giá trị hòa bình.
Hiện nay, nguy cơ chiến tranh vẫn vần vũ trên thế giới, ở những nước kề cận chúng ta, ngay trên Biển Đông của chúng ta. Tôi cho rằng Việt Nam có nghĩa vụ, và bản thân mình cũng có nhiệm vụ, có trách nhiệm với hòa bình chung của thế giới.
Tôi đã soạn thảo đề cương cuốn sách "Hòa bình dẫn lối hòa bình", đề xuất giải pháp hòa bình, viết sẵn thư gửi đến đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc...
Ảnh: TỰ TRUNG
Hoài bão của tôi là được trở thành một nhân tố tích cực góp phần xây dựng nền hòa bình cho đất nước và cho cả thế giới".
Ông Lê Viết Hải
Phương thức phát triển
* Ông có thể chia sẻ về giải pháp đó?
- Cốt lõi là giáo dục. Tôi mong có thể có một chương trình giáo dục công dân toàn cầu hướng đến mục tiêu: giúp con người kiểm soát tham vọng, nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha, nhận thức rõ tính man rợ, căm ghét và chống lại mọi hình thái chiến tranh, hiểu sâu sắc giá trị và bồi dưỡng lòng yêu chuộng hòa bình.
Con người có rất nhiều cái khác nhau: hình thức, trình độ văn hóa - văn minh, tài sản vật chất... nhưng lại có cùng chung số phận, có nhiều kẻ thù chung: đói nghèo, thất học, dịch bệnh, thiên tai, môi trường ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt...
Vì vậy, nên có hội đồng soạn thảo tập hợp những nhà giáo, nhà văn, nhà chính trị, ngoại giao xuất sắc về giáo dục để chúng ta có thể có một chương trình phong phú nhưng tập trung để giáo dục những giá trị nhân loại, và khẳng định: hòa bình là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nền văn minh này. Không có hòa bình, mọi nỗ lực khác đều trở nên vô nghĩa.
* Tuy nhiên, thực tế chứng minh không chỉ có hòa bình là đủ.
- Hòa bình mà tôi muốn đề cập đến không chỉ là im tiếng súng. Sau chiến tranh, năng lượng của hòa bình tích tụ rất lớn và sẽ làm nên những bước tiến nhanh, mạnh nếu được kết hợp đúng đắn với những giải pháp hòa bình trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật...
Thời trước đổi mới, chúng ta đã phải trả giá đắt về kinh tế - xã hội khi năng lượng hòa bình không được sử dụng cho phát triển mà lại được dùng chủ yếu để kìm hãm và xử lý những vấn đề quá khứ.
Chúng ta đã đổi mới 35 năm, tôi trưởng thành và xây dựng sự nghiệp của Hòa Bình chính trong khoảng thời gian này nên rất thấm thía.
Tôi mong những phương thức, giải pháp hòa bình - hài hòa quyền lợi vì sự phát triển - sẽ tiếp tục được phát huy, để kinh tế phát triển song hành với xã hội, môi trường, con người được chăm sóc đầy đủ về tinh thần, sức khỏe... thì mới được hạnh phúc. Đất nước thịnh vượng mới mạnh mẽ và gìn giữ được độc lập, hòa bình.
* Đó vẫn là những bài toán khó từ nhiều năm nay.
- Bài toán khó và đang cần cách giải hoàn thiện hơn. Chúng ta không thể phát triển khu dân cư, đô thị song hành với vấn nạn kẹt xe, ngập nước, không thể phát triển kinh tế cùng với tàn phá môi trường, gia tăng ô nhiễm, giãn xa khoảng cách giàu nghèo...
Mọi đề án quy hoạch lớn nhỏ đều cần được chi tiết từng giai đoạn: thời gian nào - triển khai đến đâu - bao lâu thì cần điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển kinh tế, dân cư, lối sống.
Tôi đã trình một số góp ý về xây dựng, quy hoạch lên các cơ quan chức năng của thành phố, mong góp chút sức mình vào sự phát triển chung.
TTO - 5 doanh nhân vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề cử ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM bày tỏ nguyện vọng với Tuổi Trẻ.
Xem thêm: mth.5073126162401202-ac-tat-ohc-pahp-iaig-al-hnib-aoh/nv.ertiout