vĐồng tin tức tài chính 365

Văn học bắc nhịp cầu bước qua thù hận

2021-04-30 11:59
Văn học bắc nhịp cầu bước qua thù hận - Ảnh 1.

Đón Phó thủ tướng (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc tại Trung tâm William Joiner - Ảnh: Dịch giả Nguyễn Bá Chung cung cấp

Nghe nói bên đó, họ gọi ông là "Chung mũ cối"?". Từ màn hình FaceTime bên kia địa cầu, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung cười lớn: "Đúng. Từ lúc đồng hành cùng Viện Nghiên cứu chiến tranh và hậu quả xã hội William Joiner, dịch các tác phẩm văn học Việt để giới thiệu tại Mỹ, tôi bị gắn mác "tuyên truyền cho Cộng sản". Họ ghét bỏ, kỳ thị, bôi nhọ, chẳng thiếu thứ gì". "Họ là ai?". Một bộ phận người Mỹ gốc Việt. Một bộ phận người Mỹ bảo thủ. Họ còn là một ai đó khác nữa.

Ông Chung nói số phận của ông cũng giống Viện William Joiner trong suốt hơn 30 năm qua. Đó là một quá trình cảm nghiệm khi "đọc lại" (thứ mà người Mỹ thường gọi là) "Vietnam war", hay "chiến tranh Việt Nam".

Được đặt theo tên một cựu binh Mỹ trở về từ chiến tranh Việt Nam, Viện William Joiner (tên cũ là Trung tâm William Joiner) là trung tâm nghiên cứu có một không hai trên thế giới: trực thuộc một đại học công (Đại học Massachusetts Boston), nhận tiền tài trợ của ngân quỹ tiểu bang nhưng lại mang màu sắc phản chiến.

Bằng các hoạt động kiên trì của mình, nó là cầu nối duy nhất giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ trong thời kỳ cấm vận.

Việt Nam từ xa Tổ quốc

Nguyễn Bá Chung theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam năm 1955 lúc 6 tuổi. Lớn lên trong bối cảnh trường học cũng như các cuộc thảo luận công khai ở miền Nam thời đó, giống nhiều người khác, ông cũng tin tưởng vào cuộc đấu tranh tự do dân chủ mà chính quyền miền Nam trước năm 1975 đưa ra để chống lại Bắc Việt.

Nhưng rồi phong trào Phật giáo diễn ra năm 1963 đã dấy lên "sự xét lại" đầu tiên trong tâm trí của ông về chính quyền miền Nam Việt Nam.

Là con một, Nguyễn Bá Chung được miễn quân dịch. Cuối năm 1971, ông rời Việt Nam sang Mỹ theo một học bổng văn chương tại Đại học Brandeis ở Massachusetts. Tại đây, ông bắt đầu được tiếp cận những cuốn sách do người Tây phương viết về cuộc chiến ở Việt Nam.

Ông nói: "Tôi bắt đầu nhìn cuộc chiến với một góc nhìn khác. Cùng những người Mỹ tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, phong trào phản chiến dâng cao tại Mỹ trong thập niên 1960, 1970, tôi cũng tham gia những hoạt động đòi lính Mỹ rút khỏi Việt Nam khi đó".

Ngày 30-4-1975, chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tiếng súng không còn nhưng Chính phủ Mỹ áp dụng lệnh cấm vận đối với Việt Nam.

"Giống như đa số các cựu binh, chiến tranh súng đạn đã chấm dứt từ năm 1975, hoặc sớm hơn tùy mỗi cá nhân, nhưng cuộc chiến tranh không súng đạn vẫn tiếp tục kéo dài", dịch giả Nguyễn Bá Chung mường tượng.

Văn học bắc nhịp cầu bước qua thù hận - Ảnh 3.

Hàng trăm cuộc gặp gỡ giữa nhà văn hai nước Việt - Mỹ được tổ chức trong 30 năm qua - Ảnh: Nhà thơ Trần Anh Thái cung cấp

Nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen, nguyên giám đốc Trung tâm William Joiner, trong một bài viết kể lại đã có những nỗ lực trong việc thành lập một trung tâm mang tên William Joiner để tiếp tục công việc bảo vệ những người lính giải ngũ - còn nhiều dang dở (vì William Joiner qua đời năm 1981), đồng thời phát triển các nghiên cứu và tài liệu giáo trình để giúp cho nước Mỹ hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam và những hậu quả của nó, song không hề dễ dàng.

Rồi Trung tâm William Joiner được thành lập vào tháng 10-1982, bắt đầu những hoạt động đầu tiên, một trong số đó là tổ chức một hội nghị quốc tế về chất độc da cam và tổ chức một chuyến sang Việt Nam sau lễ Giáng sinh năm 1985.

Theo lời miêu tả của Kevin Bowen, chuyến đi trở lại Việt Nam lần thứ 2 năm 1986 đã biến đổi ông một lần nữa.

Hồi còn trẻ, Kevin Bowen có làm thơ nhưng từ chiến trường trở về, ông không viết được nữa. Ông gọi mình là "một nhà thơ bị ngắt quãng".

Kevin muốn làm một điều gì đó để hàn gắn vết thương giữa hai quốc gia, giữa những người lính ở hai chiến tuyến. Là nhà thơ, ông nghĩ ngay tới văn chương.

Sau cuộc gặp với nhà văn Lê Lựu và đạo diễn Hồ Quang Minh trong chuyến trở lại Việt Nam đó, Kevin bày tỏ ý định gây quỹ mời nhà văn Việt sang Mỹ giao lưu. Năm 1988, nhà văn Lê Lựu và Ngụy Ngữ là hai nhà văn Việt Nam đầu tiên sang Mỹ trong thời gian cấm vận đó.

Phong trào phản chiến ở Mỹ khi đó vẫn đang phát triển, ý tưởng của Kevin Bowen nhanh chóng được một số người ủng hộ. Các cuộc giao lưu văn học diễn ra ngày càng mạnh.

Kevin nghĩ đã đến lúc phải dịch và xuất bản rộng hơn. Trung tâm William Joiner cần tìm một người thông dịch mà cả nước Mỹ khó có thể "bói" ra một người như vậy. Nguyễn Bá Chung đồng ý, dù lúc đó công việc điện toán cũng rất bận.

"Lý do tôi nhận lời, thực ra cũng chẳng phải bắt nguồn từ một điều gì to tát. Chỉ là công việc đó giúp tôi giải quyết nhu cầu của bản thân: sự tò mò về chiến tranh Việt Nam. Cho tới lúc đó, tôi vẫn không thể hiểu vì sao nước Mỹ lại thua trận.

Cá nhân tôi muốn gặp những nhà văn Việt Nam, đọc và dịch tác phẩm của họ, xem thử có câu trả lời nào ở đó không" - dịch giả Nguyễn Bá Chung cho biết. Bên cạnh đó, cách đối xử nồng hậu của Kevin Bowen với nhà văn Việt khiến ông xúc động.

Một con người có lòng với đất nước mình như vậy, sao ông lại không đồng hành? Để rồi nối tiếp hơn 10 năm làm thông dịch thiện nguyện, ông Chung nghỉ hẳn công việc điện toán lương cao làm chính thức cho trung tâm. Tới nay cũng hơn ba mươi năm có lẻ.

Văn học bắc nhịp cầu bước qua thù hận - Ảnh 4.

Chân dung một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam do nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen vẽ. Từ trái qua, trên xuống: nhà thơ Chính Hữu, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Phan Thị Vàng Anh, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà văn Đỗ Chu, GS Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Lê Văn Thảo

Văn học khai mở

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - kể lại hành trình các nhà văn ở cả hai phía trong chặng đường "đi qua biển" để tìm kiếm sự thấu hiểu và chia sẻ. Sau chiến tranh, những cựu binh Mỹ tìm đến Việt Nam trước khi các nhà văn Việt tìm đến Mỹ. Họ muốn đi tới hòa bình thực sự và ý nghĩa.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn căng thẳng, các nhà chính trị của hai đất nước chưa thể đến với nhau, các thương gia cũng chưa thể đến với nhau, các nhà văn đã bắc những nhịp cầu. Văn học chỉ ra rằng cái Đẹp (văn chương) sẽ xóa đi mọi giới hạn, chia cắt và biên giới.

Năm 1991, cuộc gặp gỡ chính thức giữa các nhà văn ở hai chiến tuyến được diễn ra tại Hà Nội. Trong cuộc gặp các nhà văn cựu binh Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười và nói: "Các bạn ăn trái cây đi, những trái cây này không nhiễm chất độc da cam". Những nhà văn cựu binh Mỹ đã cười trong nước mắt.

Qua lời kể của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những chuyến đi mở đầu đó thực sự quá nhiều khó khăn. Khi các nhà văn Việt tiếp đón các nhà văn cựu binh Mỹ, không ít người Việt, kể cả nhà văn, không chấp nhận sự tiếp đón nồng ấm ấy.

Có những chuyến đi đến Mỹ, các nhà văn Việt Nam bị biểu tình, tấn công. "Nhưng quả thực, khi những giọng nói của văn học vang lên thì sự nghi ngờ tan biến" - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhớ lại.

Văn học bắc nhịp cầu bước qua thù hận - Ảnh 5.

Nhà thơ Kevin Bowen (trái) và dịch giả Nguyễn Bá Chung

Năm 1994, Nhà xuất bản của Đại học Massachusetts Boston cho ra mắt tập thơ Việt đầu tiên: Thơ từ tài liệu chiến trường - Poems from the captured doccument do nhà thơ Bruce Weigl và tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh dịch.

Tác giả là những người lính giải phóng Việt Nam. Các nhà văn Mỹ và bạn đọc Mỹ đã vô cùng bất ngờ. Đây là những bài thơ nằm trong tài liệu mà Bộ Quốc phòng Mỹ thu được trong chiến tranh. Khi các nhà văn của Trung tâm William Joiner đọc các trang tài liệu đó đã phát hiện rất nhiều các bài thơ chép tay của những người lính.

"Họ nhận ra trong tâm hồn những người lính Việt chứa đựng giấc mơ gì khi bước vào cuộc chiến. Đó là được trở về quê sau chiến tranh để chăm sóc cha mẹ, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, cày cấy và gieo gặt".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: "Những tác phẩm văn chương của cả hai phía là chiếc chìa khóa vàng mở tung cánh cửa hai nền văn hóa trong suốt cuộc chiến tranh. Để rồi con đường mà các nhà văn cựu binh Mỹ và nhà văn người lính Việt đã khai mở và dấn bước là con đường không thể khác giữa các dân tộc, nhất là các dân tộc từng là kẻ thù của nhau".

Tôi nhớ mãi chuyến đi tới Mỹ lần đầu cách đây 30 năm. Khi bước vào sân nhà Kevin Bowen, cậu con trai 3 tuổi của Kevin nhoẻn cười và giơ bàn tay nhỏ xíu lên vẫy chào chúng tôi. Kevin dẫn tôi vào bếp nhà ông và chỉ cho tôi những chai nước mắm ông mua từ chợ ở phố Tàu. Ông biết người Việt không thể thiếu nước mắm trong bữa ăn. Chỉ thế thôi đã làm tôi nhận ra sự hận thù phải gác lại phía sau".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Những nhịp cầu nối tiếp

Tới nay Viện William Joiner là trung tâm duy nhất dịch những tác phẩm của những người lính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hơn 20 tác phẩm) và là chiếc cầu đưa hơn 60 nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ giao lưu. Qua những bản dịch đó, qua những cuộc qua lại đó, người Mỹ hiểu phong trào đấu tranh của Việt Nam, hiểu tâm hồn Việt Nam.

"Việc dịch văn học có một giá trị to lớn, một phần nào đó đã củng cố thêm vị thế của Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Mỹ và khó có thể phản bác được. Đó là đóng góp rất lớn của Viện William Joiner đối với công cuộc hòa giải này" - dịch giả Nguyễn Bá Chung nói.

Các nhà văn Việt Nam và Mỹ đã bước đi những bước đầu tiên trong việc dựng lên cây cầu của hòa bình và tình yêu thương con người giữa hai dân tộc. Nhưng cây cầu đó vẫn phải tiếp tục được xây thêm những nhịp cầu mới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gọi Viện William Joiner là trung tâm xây cầu bền bỉ và dũng cảm nhất trên đất Mỹ và nhà thơ Kevin Bowen là một trong những kiến trúc sư làm nên cây cầu đó. Viện William Joiner đang đứng trước nhiều thách thức để tồn tại.

Trong khi đó, những nhà văn Mỹ yêu Việt Nam như quê hương thứ hai của mình mỗi ngày một già yếu.

"Phải nói rằng khởi đầu cho việc xây dựng cây cầu "đi qua biển’’ là Viện William Joiner, đứng đầu là nhà thơ Kevin. Còn bây giờ, tôi nghĩ người chủ động xây tiếp những nhịp cầu phải là Hội Nhà văn Việt Nam.

Với tình cảm và trách nhiệm của cá nhân, tôi sẽ kêu gọi các nhà văn Việt Nam cũng như những người quan tâm làm điều đó bằng tất cả các cách mà chúng tôi có thể" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

"Trong nhiều năm, những chuyến đi của các nhà văn Việt Nam tới Mỹ mang ý nghĩa "hồi phục" cho chúng tôi rất lớn.

Nhìn thấy bạn bè, cùng nghe nhạc, nghe thơ ở sân sau, thăm đền chùa, thắp hương, nhìn thấy con của những người bạn lớn lên, bạn bè tôi trở thành ông bà.

Nói về đất nước của chúng tôi, những cái đúng và sai của họ. Những bài thơ, bộ phim, âm nhạc của họ. Việt Nam đã trở nên một nơi giống như để hành hương. Tôi không chắc là chúng tôi tìm kiếm cái gì. Có thể là sự hiểu nhau. Hòa bình. Tình yêu. Sự mở mắt".

Nhà thơ Kevin Bowen chia sẻ trong bài viết về hành trình của Trung tâm William Joiner nhân 20 năm hoạt động trao đổi nghệ thuật.

Những dự án dịch văn học Việt Nam, chủ yếu là thơ, do Viện William Joiner thực hiện trong hơn 30 năm qua gồm: tuyển tập song ngữ - Thơ từ tài liệu chiến trường (Poems from captured documents, 1994), Người đàn bà gánh nước sông - thơ Nguyễn Quang Thiều (The women carry river water, 1997), Sông núi - Thơ Việt Nam qua những cuộc chiến 1948 - 1993 (Mountain river: Vietnamese poetry from the wars 1948 - 1993, 1998), Đường xa - thơ Nguyễn Duy (Distant road - Selected poems of Nguyen Duy, 1999), Thơ thiền Lý Trần (Early Zen Poems from Vietnam, 2005), Từ góc sân nhà em - thơ Trần Đăng Khoa (From the corner of my yard, 2006)… Về văn xuôi, viện có dịch tiểu thuyết Thời xa vắng (A time far past, 1997) của nhà văn Lê Lựu.

Lược sử văn học Việt Nam: Lời mời đến với văn học ViệtLược sử văn học Việt Nam: Lời mời đến với văn học Việt

TTO - Lược sử văn học Việt Nam mở ra cuộc hành trình đưa độc giả đi qua và nhìn ngắm lịch sử hơn một ngàn năm của văn chương Việt Nam - một lịch sử không dài nhưng không thiếu thành tựu và cả những trắc trở.

Xem thêm: mth.51721606162401202-nah-uht-auq-coub-uac-pihn-cab-coh-nav/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Văn học bắc nhịp cầu bước qua thù hận”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools