Trong Talkshow "Kiến tạo giá trị trong kỷ nguyên thay đổi bước ngoặt", PGS.TS Vũ Minh Khương đã có rất nhiều chia sẻ bổ ích cho các chủ doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông, có rất nhiều lý do để chúng ta phải kiến tạo giá trị trong cuộc sống. Giá trị bao gồm hiệu quả, hiệu lực và hiệu năng thích ứng với tương lai. Hiệu quả là làm sao để doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận cao hơn chi phí cần phải bỏ ra. Hiệu lực là nền móng, là lòng tin của mọi người, là sự cộng hưởng của niềm tin để chúng ta bước lên phía trước. Hiệu năng thích ứng là để sẵn sàng với sự thay đổi, tiếp thu những cái mới để phát triển, không cứng nhắc quy cũ.
Vậy nên, khi hoạt động kinh doanh, doanh chủ nên nghĩ đến 3 khía cạnh kiến tạo giá trị thay vì chỉ nhìn trên góc độ lợi nhuận. Chúng ta cần hiểu được cấu trúc tổng thể của giá trị. Và có được tư duy kiến tạo giá trị thì của cải, tiền tài sẽ được tạo ra.
Giá trị kiến tạo được không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà còn tạo ra được sự linh hoạt. Đặc biệt là trong thế giới đang thay đổi và những đổi thay về mặt công nghệ tạo nên cơ hội để các doanh chủ - doanh nghiệp kiến tạo giá trị rất cao. Đối với một nước có tính năng động cao như Việt Nam, nếu có ý thức kiến tạo giá trị cao thì đất nước sẽ phát triển rất nhanh.
Mà muốn được thế, điều đầu tiên khi thành lập một doanh nghiệp hoặc dự án nào, doanh chủ cần phải định vị chiến lược đúng và phải sửa sai ngay lập tức khi ta ở trong ‘điểm mù’ chiến lược.
Bài học nào trong thời gian ông học ở Harvard còn giá trị đối với những doanh nhân Việt Nam trong thời điểm hiện nay?
Bài học đầu tiên là về tiêu chuẩn đạo đức. Đạo đức đã cho thấy sự đặc biệt quan trọng của mình ngay cả trong khủng hoảng, nó tỏa sáng như ngọn hải đăng dẫn dắt doanh nhân đi theo con đường đúng.
Bài học thứ 2 là định vị chiến lược. Thay vì tích lũy nguồn lực, ta hãy triển khai và định vị như thế nào để doanh nghiệp có thể kiến tạo giá trị là điều rất quan trọng. Khi đứng trước bất kỳ cơ hội nào, cần phải nhìn lại để xem mình sẽ tạo ra giá trị gì cao nhất với những nguồn lực mà mình có, đầu tiên.
Bài học cuối cùng là thách thức mang tính kỹ thuật. Sự nghèo khó - thiếu kiến thức không đáng sợ bằng thách thức bị rơi vào điểm mù chiến lược. Con người chúng ta luôn tự cho rằng bản thân mình đúng, cố chấp theo những lối đi mòn cũ. Rồi chúng ta Kkhông chịu thay đổi tư duy, nắm bắt xu hướng để rồi chết ngay trên chính những thế mạnh của bản thân mình.
Chúng ta thường nói về đối tác chiến lược, niềm tin chiến lược? Vậy làm thế nào để chúng ta có những niềm tin chiến lược này?
Khác với niềm tin thông thường chúng ta thường nói tới, niềm tin chiến lược mang đến một tầm nhìn ý nghĩa trong tương lai. Đó cũng chính là bài toán khi doanh nhân tìm kiếm đối tác, cần giải quyết.
Tuy nhiên, dù có niềm tin chiếc lược phù hợp nhưng năng lực không đủ thì cũng thể chung bước. Ngoài ra, chúng ta còn phải có ý thức thích ứng với đổi thay để tồn tại được trong xã hội biến đổi hiện nay. Vì niềm tin chiến lược không phải lúc nào cũng cứng nhắc, mà phải cùng nhau nhận thức để cùng giúp đỡ nhau phát triển.
Và trong chiến lược thì chúng ta cần chú trọng đến 3 yếu tố:
Emotion (Xúc cảm): Chúng ta cần lựa chọn cho mình lĩnh vực mà mình đam mê, có nhiều trăn trở nhất. Để khi bắt tay vào làm, nó sẽ cho ta một ngọn lửa nhiệt huyết để lớn để duy trì và phát triển theo chiến lược đề ra. Xúc cảm chính là nguồn động lực, năng lượng để duy trì ‘sự sống’ cho sự nghiệp kinh doanh của chúng ta.
Enlightenment (Khai sáng): Phải thấu hiểu xu thế thời đại và tinh hoa toàn cầu. Chúng ta có thể lựa chọn cách đứng trên vai người khổng lồ để hiểu rõ hơn thách thức, cơ hội, thị trường và khách hàng.
Engineering (Kiến tạo): Xác định được cách đi trong hoàn cảnh cụ thể; chú ý xây nền tảng và kiến thiết bước đi tạo đà.
Làm sao để nhận thức được khi nào chúng ta đang ở trong ‘điểm mù’ chiến lược?
Khi chúng ta đang ở trong điểm mù chiến lược, ba dấu hiệu sau thường xuất hiện.
Thứ nhất, sẽ có những ý kiến phê phán, góp ý – có thể là chân tình hay gay gắt, nhưng đều làm ta ức chế và không muốn nghe vì ta tin là ta đúng tuyệt đối.
Thứ hai, một số cộng sự tốt - từng rất tâm huyết với ta, bỏ đi, khi xuất hiện mâu thuẫn trong đội ngũ quản lý.
Thứ ba, đó là tình thế có dấu hiệu xấu đi một cách có hệ thống, dù tin tốt có thể vẫn có từ đâu đó.
Đó là những dấu hiệu rằng bản thân ta đã nằm trong điểm mù chiến lược mà không hề hay biết.
Chân dung của một doanh nhân trong kỷ nguyên số khác gì so với các thế hệ đi trước?
Bức tranh doanh nhân hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với các thời đại trước. Khi mà con người ngày càng trở nên độc lập với nhau hơn, nhưng sự kết nối lại ở mức rất cao, đặc biệt trong môi trường ảo. Cùng với khả năng nắm công nghệ nhanh nhạy. Và hiện nay ý thức về xã hội, phát triển bền vững được đề cao.
Tuy nhiên để có thể thành công trong kỷ nguyên số với nhiều thay đổi bước ngoặt, mỗi doanh nhân cần chú trọng ba ưu tiên chiến lược bắt đầu với chữ R sau.
Đầu tiên, đó là Review: luôn tự xem lại chính mình, hiểu rõ mình đang ở đâu trong dòng chảy thời đại; mình đang lớn lên hay nhỏ đi khi cuộc sống thay đổi không ngừng. Như người xưa từng nói: hiểu được thế giới là khai sáng, hiểu được chính mình là thông tuệ. Khai sáng và thông tuệ là những điều kiện cần để mỗi doanh nhân có thể thành công trong theo đuổi đam mê của mình.
Thứ hai, đó là Revise; điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và không ngừng hoàn thiện mình. Revise không chỉ là động lực quan trọng để thành công mà còn tránh được những tổn thất do xem nhẹ nỗ lực chỉnh sửa, hoàn thiện.
Cuối cùng là Reform: ý thức cải cách cần luôn mạnh mẽ vì nó là nền tảng đảm bảo sự sống còn của doanh nghiệp trong kỷ nguyên đổi thay bước ngoặt.
Phải chăng, cách tuyển dụng thời nay cũng rất khác thời xưa, khi có rất nhiều nhân sự từ Gen Z và Y?
Giới trẻ luôn rất tự tin. Đây vừa là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu. Tuy nhiên, con người rất hay ngộ nhận về bản thân!
Khi tuyển chọn con người, dù là ở thế hệ nào, doanh chủ cũng cần sử dụng "DNA" với sự tin cậy (Dependability), tính cao thượng (Nobility), sự trân quý (Appreciation). Ngay từ đầu, khi tuyển đầu vào, doanh chủ cần kiểm tra "DNA" của nhân viên để xem "DNA" của nhân viên ở mức độ nào.
Bên cạnh đó, bài toán quan trọng là tình người, tính cách quan trọng hơn kỹ năng. Chọn người cần quan trọng phẩm cách hơn. Kỹ năng là thứ có thể đào tạo được còn phẩm cách thì không.
Cảm ơn ông rất nhiều!
http://tintuc.vdong.vn/05/1335439.htmQuỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế