Các biện pháp đã được thảo luận tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) vào ngày 2-5.
Thế nhưng, việc này đang bị trì hoãn vì sự phản đối từ Hungary và Slovakia. Thậm chí Hungary đe dọa sẽ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn gói trừng phạt này.
Do đó, hãng tin Reuters cho rằng có thể sẽ cần một giải pháp thỏa hiệp. Báo The Washington Post dẫn lời một số nguồn tin ngoại giao cho biết EU có thể sẽ cho Hungary và Slovakia được hưởng ngoại lệ.
Hungary và Slovakia phụ thuộc lớn vào dầu mỏ từ Nga. Ảnh: Reuters
Về phần Ba Lan, nước này muốn EU đưa ra một thời điểm cụ thể về việc các nước thành viên phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga, đồng thời bày tỏ hy vọng lệnh cấm vận có thể có hiệu lực trước cuối năm nay.
Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa nói hôm 2-5: "Chúng tôi muốn gói trừng phạt này bao gồm ngày tháng năm và yêu cầu cụ thể, rõ ràng đối với tất cả các nước thành viên để trở thành một gói trừng phạt hoàn chỉnh không có bất kỳ kẽ hở nào".
Ba Lan, cũng như Bulgaria, đã chứng kiến nguồn cung cấp khí đốt từ Nga ngừng hoạt động do họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Trong khi đó, hai bộ trưởng Đức cho biết nước này sẵn sàng ủng hộ EU áp lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga ngay lập tức.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với báo giới trước khi tham dự một cuộc họp với các quan chức EU hôm 2-5: "Đức không chống lại lệnh cấm dầu Nga. Tất nhiên đó là một gánh nặng phải đối mặt nhưng chúng tôi sẽ sẵn sàng thực hiện". Ông Habeck cho biết thêm Đức sẽ ủng hộ lệnh cấm của EU, bất kể lệnh cấm diễn ra ngay lập tức hay vào cuối năm.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Đức sẽ ủng hộ lệnh cấm của EU, bất kể thực hiện ngay lập tức hay vào cuối năm. Ảnh: Reuters
Ông Habeck tin tưởng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ có thể vượt qua nếu dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, mặc dù quyết định đó chắc chắn dẫn đến tình trạng thiếu hụt.
Nếu lệnh cấm dầu Nga thực thi ngay lập tức, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner khẳng định Đức hoàn toàn có thể chịu được. Ông Lindner nói: "Giờ đây, chúng ta có thể từ bỏ than và dầu nhập từ Nga. Không loại trừ khả năng giá nhiên liệu sẽ tăng".
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình ZDF: "Các lệnh trừng phạt chống Nga được áp đặt sau chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine sẽ không được dỡ bỏ mà không có thỏa thuận đạt được giữa Kiev và Moscow".
Ông Scholz cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nên "tiến tới các thỏa thuận với Ukraine". Thủ tướng Đức cũng lưu ý đây không nên là thỏa thuận "hòa bình áp đặt" chỉ phục vụ cho những điều khoản của Nga. Thủ tướng Đức cũng nhắc lại việc nước này không công nhận Crimea thuộc Nga sau cuộc sáp nhập năm 2014.
Thủ tướng Đức nói thêm rằng ông không có kế hoạch đến thăm Kiev sau khi chuyến đi dự kiến của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier bị hủy bỏ do sự phản đối của Ukraine.
Xem thêm: nhc.62360928030502202-teyuq-uhp-aod-yragnuh-agn-om-uad-tahp-gnurt-noum-ue/nv.fefac