Anh Nguyễn Minh Tú (Q.Bình Thạnh) cho biết, vợ chồng anh định mua căn hộ trả góp trị giá hơn 2 tỷ đồng. Đã có 800 triệu đồng, anh định vay ngân hàng (NH) khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhưng trước thông tin có thể các NH sẽ siết lại việc cho vay bất động sản (BĐS), anh đang rất lo lắng.
Cùng nỗi lo, chị Phạm Thùy Giang (Q.3) cho biết, “Hầu hết những người có thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng như chúng tôi đều phải vay NH mới có thể tiếp cận được nhà ở. Nếu NH thực sự siết cho vay BĐS thì những người có nhu cầu thực như chúng tôi không biết phải xoay xở ra sao” - chị Giang nói.
Các ngân hàng cho biết chỉ siết các khoản vay đầu tư bất động sản cao cấp, đầu cơ... |
Trước đó, NH Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, chuyển tiền thu được từ BĐS ra nước ngoài. Văn bản nêu rõ chỉ hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS. Đồng thời thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân.
Đại diện NH Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, NH vừa mới yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS cho khách hàng mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022, ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua, xây sửa BĐS để ở. Như vậy những khách hàng cá nhân có nhu cầu chính đáng vẫn được NH hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB) - giải thích thêm, không phải bây giờ NH Nhà nước Việt Nam mới yêu cầu siết cho vay BĐS mà yêu cầu này đã có từ vài năm trước. OCB đã siết cho vay BĐS từ vài năm trước. “Chúng tôi chỉ chủ trương siết cho vay với những khách hàng là doanh nghiệp kinh doanh nhà đất không tên tuổi, khách mua BĐS nhằm mục đích đầu cơ, mua đất tỉnh chờ phân lô... Riêng với những khách hàng có nhu cầu mua nhà, xây - sửa nhà để ở thì hầu hết được NH cho vay” - ông Nguyễn Đình Tùng khẳng định.
Agribank cũng cho biết không siết chặt mà chỉ hạn chế đối với người mua kinh doanh BĐS. Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số NH như Shinhan, Public Bank, Eximbank, Sacombank, OCB… thủ tục hồ sơ vay mua nhà để ở, xây - sửa nhà để ở vẫn như trước kia, hạn mức cho vay vẫn dao động từ 70 - 80% giá trị tài sản và tùy thu nhập của người mua nhà. “Nếu khách đã mua một căn nhà để ở và có nhu cầu mua tiếp một căn thứ hai thì NH vẫn đáp ứng nhu cầu. Chỉ trừ trường hợp mua đất phân lô, gom đất nông nghiệp mua bán sang tay trong ngắn và trung hạn mới siết” - một nhân viên tín dụng cho biết.
Hiện do áp lực lạm phát, lãi suất (LS) huy động có xu hướng tăng nên LS cho vay mua nhà có xu hướng tăng nhẹ lên khoảng 0,5% so với một năm trước. Tại Public Bank, LS vay trong hai năm đầu là 8,2%/năm, sau đó cộng biên độ 3,0%/năm; tại HD Bank, LS vay cố định trong sáu tháng đầu là 8,9%/năm, từ tháng thứ bảy trở đi sẽ điều chỉnh theo biên độ khoảng 3,6%/năm. Còn tại Shinhan Bank, có nhiều gói LS vay mua nhà, như gói 3,9%/năm cố định trong sáu tháng; gói LS 7,6%/năm, cố định 36 tháng; gói LS 7,9%/năm cố định 60 tháng, khách hàng được hỗ trợ vay đến 70% giá trị tài sản đảm bảo và thời hạn vay lên đến 30 năm.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - việc siết tín dụng vào BĐS vẫn có giá trị nhất định trong kiểm soát hoạt động NH, song việc siết cần phải có chọn lọc, bởi nếu bị khóa đột ngột, nhiều dự án gặp khó khăn trong thanh khoản, doanh nghiệp không trả được nợ, trong tương lai có thể làm giảm nhu cầu thị trường.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - thì cho rằng động thái siết tín dụng BĐS trong thời điểm này là hợp lý vì giá BĐS đã sốt ảo trong suốt thời gian dài, khiến người có nhu cầu thật khó tiếp cận nhà ở. Động thái này chỉ tác động mạnh đến những người đang sử dụng đòn bẫy tài chính lớn là các doanh nghiệp đầu tư lớn, những người đầu tư theo kiểu lướt sóng. Còn nhóm doanh nghiệp có dự án đang hình thành, đang bán cũng có khả năng bị ảnh hưởng do người mua nhà bị động, song sự tác động lên nhóm này là “dễ thở” hơn.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.3172641a-nas-gnod-tab-gnud-nit-teis-hnel-iob-gnouh-hna-ib-oc-ahn-aum-yav/nv.moc.enilnounuhp.www