Động thái này nhằm đưa lạm phát quay trở lại ngưỡng mục tiêu 2-3%. Đây là lần đầu tiên ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất sau hơn một thập niên.
Hôm 3/5, Thống đốc RBA Philip Lowe giải thích, quyết định nâng lãi suất là điều cần thiết để đảm bảo lạm phát trở lại ngưỡng mục tiêu và cũng không bỏ qua khả năng sẽ có thêm đợt tăng lãi suất mới trong thời gian tới.
Ông Lowe dự báo lạm phát cơ bản vào khoảng 4,75% trong năm nay, chỉ số CPI khoảng 6%. RBA dự kiến với các biện pháp đưa ra, lạm phát sẽ trở lại mức 3% vào giữa năm 2024.
Hơn một tháng trước, RBA vẫn tỏ ra kiên nhẫn và khẳng định giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục 0,1%, dù nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên trước xu hướng giá cả ngày một leo thang, RBA cũng không thể ngồi yên.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có nhiều đợt tăng lãi suất nhanh chóng khi giá cả đang leo thang với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên. Ngân hàng Trung ương Canada gần đây đã nâng mục tiêu lãi suất chủ chốt từ 0,5% lên 1% - là mức tăng mạnh nhất trong hai thập niên. Ngân hàng Dự trữ New Zealand vào giữa tháng 4 cũng nâng tỷ lệ lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản, lên 1,5%...
Thực tế ở Australia cho thấy lạm phát cũng đang trở thành vấn đề lớn ngay cả với một nền kinh tế được hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng năng lượng, nhờ các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như quặng sắt, than.
Trong quý đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản cũng tăng vọt trên mục tiêu 3,7% cả năm của RBA.
Các doanh nghiệp Australia đang gặp khó khăn khi đối mặt với tác động của lạm phát gia tăng, trong khi các cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Lần gần nhất RBA tăng lãi suất vào tháng 11/2010. Khoảng một triệu chủ nhà vay thế chấp tại quốc gia này chưa bao giờ trải qua thời điểm lãi suất tăng trong suốt chục năm nay. Chi phí đi vay cao hơn cũng sẽ kiểm tra sự ổn định của thị trường nhà ở của Australia - một trong những thị trường vay nợ nhiều nhất ở các nước phát triển.
Quỳnh Trang (theo WSJ)