Mới đây, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó dự kiến đề xuất điều chỉnh thuế xuất MFN đối với mặt hàng phân bón.
Theo Bộ Tài chính, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỉ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón.
Theo đó, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.
Bộ Tài chính cho biết phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính do doanh nghiệp và hải quan phải xác định tỉ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất thuế xuất khẩu với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu phân bón.
Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) nhấn mạnh rằng: Việc áp 5% thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón cần phải được tính toán cẩn trọng hơn nữa. Bởi lẽ, nếu chỉ nghĩ đơn thuần là áp thuế xuất khẩu thì có thể hạ được giá phân bón trong nước là điều không thể.
Phân bón tăng là do chi phí đầu vào rất lớn
Ông Cường nói rằng, để điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô thì Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ chính sách, trong đó có công cụ thuế. Tuy nhiên, với đề xuất điều chỉnh áp thuế xuất khẩu 5% với phân bón, ông Cường nhấn mạnh cần xem xét, đánh giá lại một cách đầy đủ ở các khía cạnh. Nhất là phải xem tác động của việc thay đổi có dẫn đến được kết quả, mục đích cuối cùng hay không.
Trong nội dung trao đổi, Chủ tịch Vinachem cho biết, đối với ngành sản xuất phân bón trong nước hiện không có một ưu đãi gì từ giá than, giá điện, các chính sách về thuế phí. Nếu lập luận việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thì sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước thì không hợp lý.
“Về bản chất, muốn hạ nhiệt giá phân bón trong nước thì phải tìm căn nguyên ở đâu khiến giá phân bón nó tăng như vậy. Đừng nghĩ đánh thuế, hạn chế việc xuất khẩu thì thị trường trong nước nó sẽ hạ giá”, ông Cường nói.
Theo phân tích của ông Cường, giá phân bón tăng thời gian qua là do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chi phí đầu vào rất lớn chiếm tỉ trọng cao. Trong số đó, giá than để sản xuất urê, kể cả than nhiệt điện lẫn than phản ứng đều tăng gấp 1,5 lần trong vòng 10 tháng nay. Điều này dẫn đến việc than chiếm 63% trong cơ cấu giá thành sản xuất urê.
Một phần nữa là chi phí thiết bị phụ tùng. Ông Cường cho biết, hằng năm, mỗi nhà máy sản xuất phân bón đều phải có thiết bị phụ tùng thay thế. Khi xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng, khi đó, thiết bị phù tùng mà doanh nghiệp đặt mua bị huỷ hợp đồng vì đối tác không thể cung cấp.
Yếu tố tiếp theo ông Cường chỉ ra là chi phí về logistics, vận chuyển tăng cao đột biến. Tuy nhiên, thực tế không chỉ mỗi ngành hàng phân bón bị tác động mà tất cả ngành hàng khác đều bị tác động bởi chi phí logistics trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch Vinachem, các nguyên liệu của các nhóm phân bón khác như kali trong vòng một năm qua tăng 2,5 lần; lưu huỳnh, amoniac tăng gấp đôi. “Nhất là khi Việt Nam không thể sản xuất được kali, lưu huỳnh vì rất khó sản xuất, việc nhập khẩu mặt hàng này là 100%. Khi nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ dẫn đến các chi phí khác đều tăng cao. Vì vậy, giá bán cũng phải đẩy lên để bù lại chi phí”, Chủ tịch Vinachem nói.
Ngoài ra, một yếu tố khác tưởng như nhỏ nhưng thực ra không nhỏ đó là tác động của Covid-19 đối với lực lượng lao động.
Lấy ví dụ tại Đạm Hà Bắc với nhân lực lao động là 1.275 người, Đạm Ninh Bình là 1.000 người, ông Cường nói rằng, việc giải quyết câu chuyện đảm bảo an toàn chống dịch cho lực lượng lao động cũng góp phần đẩy chi phí lên, khiến giá thành mặt hàng tăng cao.
Yếu tố nữa là mùa vụ. Theo ông Cường, cây trồng sử dụng phân bón theo mùa vụ, từng thời điểm trong năm chứ không phải dùng hàng ngày, yếu tố này dẫn đến thừa cục bộ ở một số thời điểm. Do đó, chi phí tài chính về hàng lưu kho cho các doanh nghiệp cũng tăng cao, việc bảo quản hao hụt cũng rất lớn.
Năng lực sản xuất dư thừa
Theo thống kê của Chủ tịch Vinachem, hiện giá phân bón trong nước rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thế giới, khi giá thế giới đang neo ở mức rất cao. Giá urê tại Việt Nam so với thế giới hiện đang chênh nhau khoảng 5 triệu đồng/tấn.
Điều đáng mừng là năng lực sản xuất urê trong nước được đảm bảo bởi doanh nghiệp có thể sản xuất 2,6 triệu tấn, thừa cho cả nhu cầu sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp lẫn công nghiệp.
Tính chung, năng lực sản xuất phân bón trong nước của các doanh nghiệp hiện nay ước tính ở mức 33 triệu tấn, trong đó tiêu thụ cho nông nghiệp chỉ 12 triệu tấn. Với khoảng 20 triệu công suất dư thừa, ông Cường nhấn mạnh rằng “tăng thuế khiến việc xuất khẩu hạn chế thì đó lại là một sự lãng phí”.
“Trong khi giá để bán cho thị trường thế giới rất tốt, thuận lợi, công suất trong nước dư thừa, nếu áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu như vậy thì phải tính toán kỹ, tính đến cả tác động tổng thể cho sự phát triển đất nước, không phải chỉ cho một doanh nghiệp, hay chỉ cho một nhóm đối tượng mà phải cân đối cân bằng cho toàn xã hội”, ông Cường nêu quan điểm.
Chính vì vậy, ông Cường cho rằng, các cơ quan tham mưu cần phải tính toán thận trọng hơn nữa để trình Chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng là có áp thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón hay không.
“Nếu nghĩ thuần tuý áp thuế sẽ hạ được giá phân bón trong nước thì tôi khẳng định không thể hạ được, khi chi phí đầu vào neo cao như vậy”, ông nhấn mạnh.
Với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước, Chủ tịch Vinachem khẳng định, việc sản xuất phân bón vẫn luôn ưu tiên việc phục vụ cho thị trường trong nước theo chỉ đạo chung. Về phần xuất khẩu, tỉ trọng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với năng lực sản xuất và so với lượng hàng hoá cung cấp cho thị trường nội địa.
Áp lực lớn cho các quý tiếp theo
Xét về tình hình kinh doanh, kết thúc quý đầu năm 2022, loạt doanh nghiệp ngành phân bón đều ghi nhận kết quả rất tích cực.
Về phía Vinachem, doanh thu quý I của Tập đoàn ước đạt 16.837 tỷ đồng, tăng 36,7% so cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận hợp nhất của toàn Tập đoàn trong tháng 3 ước lãi 1.354 tỷ đồng; lũy kế quý I ước lãi 2.243 tỷ đồng.
Trong đó, lợi nhuận của 3 đơn vị thuộc Đề án 1468 (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Vinachem) tháng 3 ước lãi 984,7 tỷ đồng, lũy kế 3 tháng đầu năm ước lãi 1.510 tỷ đồng. Các đơn vị còn lại ba tháng đầu năm ước lợi nhận 732,7 tỷ đồng, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý I, ông Cường nói đó là nhờ vào công tác dự báo, phân tích tình hình, từ đó chớp thời cơ phù hợp.
Các công ty đều lên phương án dự trữ nguyên vật liệu đầu vào từ cuối năm 2021, thời điểm giá chưa tăng cao để phục vụ cho hoạt động sản xuất trong quý I và nửa quý II. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh tốt nhờ vào tính toán, chi phí nguyên liệu đảm bảo.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết, từ nay đến cuối năm nay, sức ép chi phí sẽ còn lớn hơn nữa.
“Hiện chúng tôi đã dùng gần như hết phần nguyên liệu dự trữ từ năm ngoái cho hết quý I năm nay. Giá nguyên liệu hiện nhập về còn neo cao, chính vì vậy, giá phân bón sẽ còn đẩy cao hơn vì chi phí mà doanh nghiệp chi ra trong quý II cao hơn thời điểm cuối 2021”, ông chia sẻ và nói rằng, áp lực từ nay đến cuối năm sẽ rất lớn, hoạt động kinh doanh cũng sẽ không khả quan như quý đầu năm.