Ông Phan Đức Tú, chủ tịch BIDV, phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của ngân hàng - Ảnh: BIDV
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của BIDV vừa diễn ra hôm 29-4, lãnh đạo BIDV đã thông tin về kết quả kinh doanh quý 1.
Theo đó, tổng tài sản đạt trên 1,85 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 5% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 1,43 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 4,7%. Huy động vốn đạt 1,53 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 1,3%. Tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, chỉ 0,8%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 277%.
Về kế hoạch kinh doanh của cả năm, BIDV xác định phương châm hành động "Kỷ cương - Hiệu quả - Chuyển đổi số". Ngân hàng này đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 với dư nợ tín dụng tăng trưởng tuân thủ giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Lợi nhuận trước thuế riêng khối ngân hàng thương mại đạt 20.000 tỉ đồng, hợp nhất 20.600 tỉ đồng.
Đồng thời, BIDV cũng tiếp tục nâng cao năng lực tài chính; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; đảm bảo hợp lý cơ cấu tài sản nợ - tài sản có; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số toàn diện; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng;…
Tại đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo BIDV cho hay các chỉ tiêu quan trọng của ngân hàng này tăng bằng lần so với cách đây 5 năm. Cụ thể tổng tài sản tăng trưởng ổn định qua các năm, đến cuối năm 2021 đạt 1,76 triệu tỉ đồng, gấp 1,75 lần so với thời điểm cuối năm 2016. Mức tăng trưởng bình quân là 11,85%/năm, là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam.
Huy động vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,6 triệu tỉ đồng, gấp 1,75 lần so với thời điểm cuối năm 2016, chiếm bình quân trên 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng khá, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Đến cuối năm ngoái, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,677 triệu tỉ đồng.
Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỉ lệ nợ xấu thời điểm 31-12-2021 ở mức 0,82%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng bình quân 11,9%/năm, năm 2021 đạt 13.548 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2020 và gấp 1,76 lần so với năm 2016.
BIDV luôn tuân thủ đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, như trong giai đoạn 2017-2021, ngân hàng này đã nộp hơn 28.000 tỉ đồng.
Vốn Nhà nước tại BIDV được bảo toàn và phát triển đến cuối năm 2021, đạt 69.918 tỉ đồng. Năm nay, BIDV dự định tăng vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phát hành thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Trong giai đoạn 2017-2021, hội đồng quản trị của ngân hàng đã chỉ đạo sát sao triển khai các biện pháp tăng vốn với những kết quả quan trọng. Như năm 2019, BIDV phát hành thành công cổ phần cho đối tác chiến lược Hana Bank, nâng vốn điều lệ BIDV từ 34.187 tỉ đồng lên 40.220 tỉ đồng...
Về đảm bảo quyền lợi của cổ đông, trong 5 năm qua, BIDV chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông với tổng giá trị hơn 11.200 tỉ đồng.
Nhờ dẫn đầu về quy mô khách hàng và tiên phong trong cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa được trao tặng giải thưởng ‘Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam’.
Xem thêm: mth.2324013140502202-gnod-it-000-02-noh-tad-man-ac-nauhn-iol-ueit-cum-tad-vdib/nv.ertiout