Tại tờ trình số 154/TT - CP, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 bằng nguồn vốn đầu tư công. Dự án có điểm đầu tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và kết thúc tại TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chiều dài khoảng 53,7 km.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 17.837 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2025 khoảng 14.270 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 3.567 tỷ đồng. Dự án được đề xuất đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe, giải phóng mặt bằng 6 - 8 làn xe theo quy mô quy hoạch.
Về nguồn vốn, Chính phủ kiến nghị trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, Dự án sẽ được bố trí từ nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021. Nguồn vốn cho giai đoạn năm 2026 sẽ được trích từ nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ được tiến hành chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.
Cũng tại Tờ trình số 154, Chính phủ kiến nghị phân chia Dự án thành 3 dự án thành phần. Thành phần 1 (từ Km0 - Km16) trên địa bản tỉnh Đồng Nai với chiều dài khoảng 16km có tổng mức đầu tư khoảng 6.240 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 (Km16 - Km34+200, trong đó đoạn Km16+800 Km29+400 đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông) với chiều dài khoảng 18,2 km nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng mức đầu tư khoảng 6.407 tỷ đồng. Và Dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 5.190 tỷ đồng.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 để đảm bảo Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Trong đó có 3 cơ chế chính sách liên quan đến chỉ định thầu, vật liệu xây dựng thông thường và phân cấp đầu tư dự án, áp dụng trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần tương tự dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2011 - 2025 đã được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 44/2002/QH15, cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án.
Tờ trình 154 ghi rõ: "Giao Chính phủ: tổ chức triển khai thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương".
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức PPP để rút ngắn tiến độ triển khai công trình.
Sau khi đưa vào khai thác, Dự án sẽ tổ chức thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước. Hình thức này bảo đảm tiến độ dự án và vẫn phù hợp với định hướng huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng.
Được biết, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi được đưa vào khai thác sẽ đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuyến cao tốc cũng sẽ phát huy được tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng.
https://cafef.vn/de-xuat-du-an-17837-ty-dong-xay-dung-tuyen-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-20220504154941282.chnTheo Anh Ngọc
Nhịp sống kinh tế