Vừa tốt nghiệp ĐH Nam California, Kayla Richardson (giữa) hứa hẹn là ứng viên vô địch đường đua tốc độ ở SEA Games 31 - Ảnh: WORDPRESS
Ở khu vực Đông Nam Á, "sinh viên Mỹ" quen thuộc nhất là Joseph Schooling.
Cảm hứng từ Joseph Schooling
Kình ngư người Singapore sang Mỹ du học năm 14 tuổi, và sự nghiệp bơi lội của anh được đặt nền tảng từ đó. 5 năm sau, Schooling gia nhập Đại học Texas - nơi các sinh viên từng đoạt hơn 100 huy chương Olympic cũng như một đội bơi mạnh mẽ. Đó cũng là thời điểm tầm cỡ của Schooling bắt đầu vượt khỏi khuôn khổ SEA Games.
Rất khó để SEA Games lại có một "sinh viên Mỹ" tầm cỡ như Schooling. Nhưng câu chuyện thành công của Schooling đã truyền một luồng gió cảm hứng đến với thể thao khu vực Đông Nam Á. Trong vài năm trở lại đây, các VĐV xuất thân từ NCAA ngày càng xuất hiện nhiều ở đấu trường SEA Games.
Áp lực từ Phillippines và Thái Lan
Phillippines là quốc gia đi đầu trong việc mang về những "sinh viên Mỹ" bằng chính sách nhập tịch. Ở SEA Games 2015, VĐV Kayla Richardson khoác áo Phillippines dự giải khi vẫn đang là một học sinh trung học (năm đó cô mới 17 tuổi). Dù vậy, cô vẫn giành được HCV cự ly 100m nữ một cách ngoạn mục.
Đến SEA Games 2019, trên sân nhà, Phillippines lại giới thiệu một gương mặt khác đến từ NCAA là Kristina Knott (ĐH Miami). Đội điền kinh của ĐH Miami tuy không quá mạnh nhưng từng sản sinh ra Lauryn Williams - nữ VĐV da màu từng vô địch thế giới nội dung 100m nữ.
Dù Knott chưa từng giành chiến thắng ở bất kỳ một giải đấu nào thuộc hệ thống NCAA, nhưng ngay khi đến SEA Games, Knott lập tức giành HCV 200m cá nhân. Ở SEA Games 31, Knott theo chân Tú Chinh phải vắng mặt vì chấn thương. Nhưng sự trở lại của Richardson (vừa tốt nghiệp ĐH Nam California) hứa hẹn sẽ giúp điền kinh Phillippines tiếp tục tung hoành ở các cự ly tốc độ.
Không chỉ Phillippines, Thái Lan cũng sở hữu một VĐV điền kinh tài năng xuất thân từ NCAA là Kieran Tuntivate - người giành cú đúp HCV 5.000m và 10.000m ở SEA Games 2019. Khi dự SEA Games 2019, Tuntivate vẫn đang là sinh viên chuyên ngành kinh tế của ĐH Harvard.
VĐV có cha người Mỹ, mẹ người Thái này chỉ mới chuyển sang thi đấu cho CLB chuyên nghiệp trong khoảng thời gian gần đây. Nhưng SEA Games 31 có lẽ chỉ là bàn đạp để Tuntivate hướng đến kỳ Asiad 2022 diễn ra vào tháng 9 tới. Ở Asiad 2018, Tuntivate từng đoạt HCĐ cự ly 10.000m và hiện được xếp hạng 4 châu Á ở nội dung này.
Làn sóng thú vị cho đường đua xanh SEA Games
Trong khi đó, Letitia Sim là hậu bối của Schooling ở đội bơi Singapore. Cô gái 19 tuổi này hiện đang học ở ĐH Michigan - một trong những trường đại học có thành tích thể thao ấn tượng nhất nước Mỹ. Các sinh viên của ĐH này từng giành đến 185 huy chương tại các kỳ Olympic và người nổi tiếng nhất chính là Michael Phelps.
Sự nghiệp của Sim tuy chỉ mới quanh quẩn ở các giải đấu sinh viên Mỹ, nhưng việc cô xuất thân từ lò đào tạo của ĐH Michigan đã đủ để hứa hẹn mang đến một làn sóng thú vị cho đường đua xanh SEA Games.
Và cũng không thể bỏ qua Paul Nguyễn - kình ngư Việt kiều hiện đã lấy bằng thạc sĩ ngành kinh tế ở ĐH Missouri. Xuyên suốt sự nghiệp bơi lội, Paul hầu như chỉ gắn bó với đội bơi của các trường học.
Và có thể sẽ còn nhiều "sinh viên Mỹ"nữa hứa hẹn tỏa sáng tại SEA Games 31. Đa phần họ khi lần đầu tham gia đấu trường SEA Games đều chưa có mấy tên tuổi. Chính vì vậy, các VĐV đặc biệt này sẽ mang đến một luồng gió thú vị cho kỳ tranh tài của thể thao Đông Nam Á.
TTO - Dù Đông Nam Á thường bị xem là vùng trũng của thể thao thế giới, gần đây ngày càng có nhiều môn thể thao mà các VĐV khu vực này chứng tỏ được đẳng cấp hàng đầu thế giới.
Xem thêm: mth.71681242240502202-semag-aes-gnod-yauhk-ym-neiv-hnis-gnuhn/nv.ertiout