Cây xanh quanh tháp Eiffel ở Paris - Ảnh: AFP
Tất cả diễn ra trong thời gian ngắn. Ngay sau khi Tòa thị chính Paris công bố kế hoạch làm mới khu vực xung quanh tháp Eiffel với việc phải đốn hạ 42 cây xanh, trong đó có hai cây cổ thụ trăm tuổi, thì dự án bị dư luận phản ứng mạnh mẽ.
Cuối cùng Tòa thị chính Paris phải quyết định đình lại kế hoạch đốn hạ cây xanh trên quảng trường Champ-de-Mars gần tháp Eiffel lừng danh với lời hứa "sẽ không đốn hạ cây xanh nào".
Tiếng nói của nhà báo trẻ
Theo báo Télé-Loisirs, tất cả bắt đầu từ việc chính quyền công bố dự án mang tên OnE I, cải tạo khu vực quanh tháp Eiffel để chuẩn bị cho việc thiết lập công trình chào đón Olympic Paris 2024. Ngày 28-4, nhà báo trẻ Hugo Clément chuyên mảng môi trường lập tức vào cuộc thông qua bản kiến nghị trên mạng của Tổ chức Môi trường thiên nhiên Pháp mang tên "Tháp Eiffel: Nói KHÔNG với đốn hạ cây xanh, nói KHÔNG với bêtông hóa những khoảng xanh đã được xếp hạng di tích".
Trên mạng xã hội Instagram, nhà báo Hugo Clément kêu gọi người dân cùng ký tên vào kiến nghị: "Đốn hạ cổ thụ để xây dựng các tòa nhà làm văn phòng và cho du khách? Không thể chấp nhận được. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng cứu lấy cây xanh của tháp Eiffel! Chúng ta hãy yêu cầu Anne Hidalgo (bà thị trưởng Paris) và chính quyền thành phố Paris từ bỏ dự án đốn cây này".
Bản kiến nghị được nhiều nhân vật có tiếng ở Paris và Pháp chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của mình cũng như lên tiếng ủng hộ thông qua các kênh truyền thông. Chỉ trong vài ngày, bản kiến nghị đã lấy được hơn 30.000 chữ ký khiến Tòa thị chính Paris buộc phải nhượng bộ.
Ngày 30-4, ông Emmanuel Grégoire, phó thị trưởng thứ nhất của Paris, phải giải thích với công chúng thông qua tài khoản trên Twitter: "Chúng tôi hứa sẽ không chặt cây cổ thụ nào. Dự án cải thiện quang cảnh xung quanh tháp Eiffel đã có những tiến triển từ năm 2019. Sắp tới chúng tôi sẽ công bố chi tiết cho công chúng".
Nhà báo Hugo Clément lập tức viết tiếp: "Đây chỉ mới là bước đi đầu tiên, cần phải không đốn bỏ cả những cây xanh dưới trăm tuổi! Quan trọng là tránh việc đốn hạ cây và bêtông hóa. Điểm cất hành lý cho du khách và văn phòng làm việc không quá cần thiết. Cây xanh và không gian xanh mới cần thiết".
"Trồng cây thì tốt, không đốn hạ còn tốt hơn"
Ông Emmanuel Grégoire từng cố gắng giải thích cho dự án của chính quyền thủ đô nước Pháp: "Dự án này sẽ cải thiện môi trường làm việc cho các nhân viên bộ phận tiếp đón khách tham quan tháp Eiffel và các khu vườn xung quanh". Nhân vật được xem là cánh tay phải của nữ thị trưởng Anne Hidalgo cũng nói rõ hơn về việc đốn hạ và trồng cây mới: "Chúng tôi đang nghiên cứu cách thức tránh đốn hạ 42 cây xanh như công bố và còn trồng thêm 222 ở khu vực này".
Chính quyền Paris biện luận cho việc "cải tạo rõ nét" cảnh quan quanh điểm du lịch nổi tiếng nhất nước Pháp không chỉ bằng việc "làm mới Paris" cho sự kiện Olympic mà còn nhằm giữ chân và thu hút du khách đến thăm Paris vốn lên đến 7 triệu lượt người mỗi năm. Dự án của chính quyền được giải thích là nhằm tạo ra thêm nhiều không gian cho người đi bộ, cũng như phương tiện xe điện và cả "phát triển không gian thiên nhiên".
Lợi ích kinh tế và công ăn việc làm tạo thêm tuy vậy không thuyết phục được số đông bảo vệ môi trường tự nhiên. Chính quyền nói dự án trồng thêm cây thật ra tạo ra thêm hơn 16.000m2 không gian xanh với những cây trồng mới. Nhưng nhà báo Hugo Clément liền đáp trả: "Trồng mới thì tốt rồi. Không đốn hạ còn tốt hơn".
Truyền thông Pháp cũng nhắc lại rằng cách đây không lâu, chính quyền thành phố Paris từng bị Tổ chức Môi trường thiên nhiên Pháp chất vấn dữ dội liên quan việc đốn hạ 77 cây xanh ở khu vực cửa ngõ Montreuil. Chính quyền giải thích họ cần cải tạo khu vực đó và đã cho trồng mới 20.000 cây xanh trong vòng 5 tháng. Chưa kể việc chính quyền có dự án mang tên Kế hoạch trồng cây, theo đó sẽ trồng mới đến 170.000 cây xanh ở thủ đô Paris cho đến năm 2026 nhằm tạo ra "5 khu rừng nội đô" và "4 công viên cây xanh" mới.
Nhưng bất kể những biện minh, người dân chỉ yêu cầu trồng thêm chứ không được đốn hạ.
Nhà báo trẻ Hugo Clément, 32 tuổi, từng tốt nghiệp Trường Báo chí Lille (Pháp), hiện là nhà báo chuyên lĩnh vực khí hậu, môi trường. Từng trải qua công việc ở các đài truyền hình France 2, Canal+, TMC, với mảng lĩnh vực thời sự chính trị và thời sự quốc tế, đến cuối năm 2017, Hugo mở kênh Konbini News trên mạng xã hội chuyên cho đối tượng trẻ với nhiều bài điều tra của anh về khủng hoảng khí hậu.
Hiện anh trở lại Đài France TV chuyên làm phóng sự về môi trường và là nhà báo môi trường nổi tiếng nhất ở Pháp với 2,5 triệu người theo dõi trên các tài khoản mạng xã hội của anh. Vào tháng 2-2019, anh từng ra mắt cuốn sách Tôi đã dừng ăn thịt động vật như thế nào.
TTO - Sau hơn 2 năm bị "trói chân" không thể bay quốc tế do đại dịch COVID-19, tôi có dịp đi công tác đến thủ đô Paris của Pháp trong thời điểm biến thể Omicron vẫn đang thống trị ở châu Âu.