vĐồng tin tức tài chính 365

Bài 1: Những "ông kẹ” trên thị trường

2022-05-05 14:43

Trong hàng loạt diễn biến về thị trường chứng khoán, việc khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Hùng (SN 1967, ngụ phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) - Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) để điều tra về hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác là vụ án nổi cộm.

Thao túng để thu lợi bất chính

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Hùng, tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Hàng loạt cá nhân là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ bị xem xét kỷ luật, như: ông Vũ Bằng - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trần Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long - Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Lê Hải Trà - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị; Nguyễn Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Cơ quan điều tra khám xét trụ sở Công ty Trí Việt

Những vụ án gây chấn động dư luận thời gian qua như vụ FLC, Tân Hoàng Minh, hay vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Trí Việt và Louis Holding. Tất cả đều được Bộ Công an đã và đang thông tin nhanh chóng, cởi mở trong điều kiện cho phép để đáp ứng nhu cầu của người dân nhanh chóng nắm bắt thông tin về vụ việc.

Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập có căn cứ xác định: Từ ngày 4-1-2021 đến 6-10-2021, ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land thông đồng với Đỗ Đức Nam - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt và các đối tượng khác, sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua - bán và lôi kéo người khác mua - bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Louis Capital (mã TGG), Công ty Cổ phần Louis Land (mã BII) và các mã chứng khoán khác, trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Ngay sau khi thu thập toàn bộ chứng cứ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán, ngày 20-4-2022 xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land và các đơn vị liên quan. Đồng thời, Cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bị can, lệnh khám xét đối với 4 cá nhân về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Các bị can trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại Công ty Trí Việt và Louis Holding

Những "ông kẹ” sa lưới, gồm: Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land. Trịnh Thị Thúy Linh - Giám đốc Hành chính Công ty Cổ phần Louis Holding. Đỗ Đức Nam - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt và Lê Thị Thùy Liên - nhân viên Dịch vụ tài chính Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt.

Sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn các quyết định, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tổ chức thi hành các quyết định và thi hành Lệnh tố tụng đối với các bị can đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung lực lượng để củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra, truy tìm và thu hồi triệt để tài sản cho các nhà đầu tư là bị hại trong vụ án.

"Chiêu trò ảo thuật"

Theo điều tra ban đầu, từ cuối tháng 1-2022, Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVB) do bị can Đỗ Đức Nam làm Tổng giám đốc đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định phạt tổng cộng 310 triệu đồng với hành vi vi phạm nhiều lỗi. Trong đó, công ty này bị phạt 250 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng nhưng không báo cáo và không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Số tiền còn lại do công ty bị phạt vì bố trí nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ chứng khoán.

Ngoài ra, Công ty Chứng khoán Trí Việt còn bị phạt bổ sung là "đình chỉ dịch vụ” ứng trước tiền bán trong hai tháng. Đến giữa tháng 3-2022, Công ty Cổ phần Louis Holdings bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng vì "mua chui" cổ phiếu công ty con. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty Louis Holdings hơn 161 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là "đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán" trong 2 tháng.

Cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc của Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC

Với các chiêu trò là doanh nghiệp này đã giao dịch cổ phiếu TGG của Công ty Cổ phần Louis Capital vượt quá giá trị đăng ký. Ngày 11-11-2021, Công ty Louis Holdings do Đỗ Thành Nhân điều hành đã đăng ký giao dịch mua 3,6 triệu cổ phiếu TGG. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã mua hơn 4,6 triệu cổ phiếu, vượt hơn 1 triệu cổ phiếu so với đăng ký. Chưa hết, từ đầu năm 2022, Louis Capital thuộc "họ Louis" cũng đã bị phạt hơn 232 triệu đồng, với nhiều lỗi như vi phạm công bố thông tin không đảm bảo cơ cấu và số thành viên hội đồng quản trị độc lập, không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty theo quy định...

Năm 2021, trên thị trường chứng khoán có Công ty Cổ phần Louis Holdings thâu tóm nhiều doanh nghiệp đa ngành, tạo dựng hệ sinh thái gọi là "họ Louis". Chỉ trong một năm, doanh nghiệp của Đỗ Thành Nhân trở thành cổ đông lớn của 5 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần Louis Capital (TGG), Công ty Cổ phần Louis Land (BII), Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar - LDP), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - AGM) và Công ty Cổ phần Sametel (SMT).

Nhằm phục vụ công tác điều tra truy xét, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra thông báo cho các nhà đầu tư là bị hại đã mua 60,1 triệu cổ phiếu của FLC ngày 10-1-2022. Các nhà đầu tư cần liên hệ với Cơ quan CSĐT (Phòng 4/C01) Bộ Công an để giải quyết theo quy định của pháp luật. Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đang tiến hành điều tra vụ thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập toàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT ngày 29-3-2022 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Quá trình điều tra xác định: Từ ngày 1-12-2021 đến 10-1-2022, Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC chỉ đạo Trịnh Thị Thủy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Quỳnh Anh và các đối tượng có liên quan, cho mượn, sử dụng các tài khoản đã mở để mua - bán chứng khoán, thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu FLC lên "giá trần" 15.500 đồng/cổ phiếu.

Riêng ngày 10-1-2022, đặt bán 76.769.900 cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu cổ phiếu FLC giá trung bình 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch, với số tiền hơn 1.689 tỷ đồng (chiếm 55,42% khối lượng khớp toàn thị trường, chiếm 10,54% tổng khối lượng lưu hành cổ phiếu FLC), làm cho giá cổ phiếu FLC giảm sàn 8 phiên giao dịch liên tiếp, bước đầu xác định gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC trên sàn chứng khoán ngày 10-1-2022, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 5 bị can, ra lệnh bắt 5 bị can để tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán đối với: Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch HĐQT; Trịnh Thị Minh Huế - nguyên nhân viên Kế toán tổng hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; Hương Trần Kiều Dung - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS kiêm Phó chủ tịch Thường trực Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Thúy Nga - nguyên Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc và Nguyễn Quỳnh Anh - nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS. Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT cũng đang tiếp tục củng cố và làm rõ các đối tượng đồng phạm khác.

Các bộ, ngành tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng cao hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm trên lĩnh vực ngân hàng, tài chính chủ động phát hiện rủi ro tiềm ẩn, kịp thời có biện pháp phòng ngừa, khắc phục lỗ hổng; tăng cường công tác truyền thông trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là việc phổ biến chính sách chào bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường, khuyến nghị những vấn đề rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình phát hành để đảm bảo minh bạch thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

(Còn tiếp...)

Nhóm PV

Xem thêm: lmth.046031_naohk-gnuhc-mahp-iot/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Bài 1: Những "ông kẹ” trên thị trường”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools