Phiên trước đó, ngày 4/5, đồng bạc xanh giảm mạnh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói với các phóng viên rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ không mặn mà với kế hoạch tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tương lai. Phát biểu của ông được đưa ra sau khi Fed nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản đúng như thị trường dự đoán.
Tuy nhiên, USD đã lấy lại vị thế vào thứ Năm (5/5) trong khi đồng euro bị sụt giảm do dữ liệu từ Đức cho thấy số đơn đặt hàng công nghiệp trong tháng 3 bị sụt giảm nhiều nhất kể từ tháng 10 năm ngoái (so theo tháng).
Đồng bạc xanh cũng được thúc đẩy nhờ lực mua làm nơi trú ẩn an toàn khi chứng khoán toàn cầu giảm giá.
Cuộc họp của Fed hôm thứ Tư (4/5) là "lần đầu tiên trong một thời gian dài mà ông Powell và Fed tỏ thái độ ngày càng trở nên ‘diều hâu’ hơn", Erik Nelson, chiến lược gia vĩ mô thuộc Wells Fargo ở New York, cho biết.
"Tôi nghĩ rằng đó là một yếu tố làm thay đổi xu hướng tăng một chiều của đồng đô la. Tôi nghĩ rằng đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá trong vài ngày tới," ông Nelson nói, mặc dù cũng thêm rằng "những gì thực sự xảy ra bây giờ sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu."
Dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ được công bố vào thứ Tư tuần tới sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ để tìm kiếm xem có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy áp lực giá cả - đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm - đang giảm bớt hay không.
Trong tuần này, báo cáo quan trọng từ Mỹ mà thị trường chờ đợi là báo cáo việc làm tháng 4, sẽ được Chính phủ nước này công bố vào thứ Sáu (6/5).
Chỉ số Dollar index (DXY) kết thúc ngày 5/5 theo giờ Việt Nam ở mức 103,43, tăng 0,87% so với ngày trước đó. Cách đây một tuần (ngày 28/4), DXY đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2002, là 103,93.
Kỳ vọng về một Fed ‘diều hâu’ đã đè nặng lên các thị trường trong năm nay và thúc đẩy đồng USD tăng nhanh. DXY từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 7% so với rổ các loại tiền tệ chính khác, và đang trên đà đạt được mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2015.
Tuy nhiên, với việc DXY hiện đang ngất ngưởng ở mức cao 103, các nhà đầu tư đang tự hỏi liệu đồng đô la có thể tăng hơn 15% lên mức cao nhất năm 2002 hay giảm trở lại với biên độ tương tự như mức thấp của năm 2017 và 2020.
Kenneth Broux, chiến lược gia tiền tệ thuộc Societe Generale ở London, cho biết: "Điều duy nhất có thể thay đổi triển vọng của đồng đô la mạnh lên là sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ".
USD tăng do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 3%.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 5/5 theo giờ Việt Nam giảm xuống 1,0551 USD, thấp hơn 0,67% so với phiên trước. Cách đây một tuần, EUR giảm xuống chỉ 1,0470 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.
Đồng tiền chung giảm giá do khu vực này phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng yếu đi và sự gián đoạn nguồn cung năng lượng do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trở nên tiến thoái lưỡng nan trọng chính sách thắt chặt tiền tệ, khi mà các ngân hàng đồng cấp đang đi theo xu hướng này, nhưng nội tại nền kinh tế khu vực lại chưa đủ điều kiện để ECB làm như vậy.
Theo một thành viên hội đồng quản trị ECB, Fabio Panetta, ECB không nên tăng lãi suất trong tháng Bảy tới, mặc dù triển vọng lạm phát cho thấy họ có thể giảm dần hỗ trợ cho nền kinh tế.
Trong khi áp lực gia tăng đối với các nhà hoạch định chính sách toàn cầu trong việc kiềm chế lạm phát gia tăng, dữ liệu của Đức khiến thị trường đặt ra câu hỏi làm thế nào để ECB có thể đủ khả năng để thắt chặt chính sách mà không bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng.
Đồng bảng Anh giảm hơn 0,5% xuống 1,237 USD trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), nơi các nhà giao dịch đã xác định sẽ quyết định đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế.
Đồng rúp Nga tăng lên mức cao nhất so với đồng đô la kể từ tháng 3 năm 2020 do ngân hàng trung ương nước này tiếp tục thực hiện biện pháp kiểm soát vốn, trong khi các chỉ số chứng khoán Nga cũng leo thang khi thị trường theo dõi những diễn biến xung quanh các lệnh trừng phạt mới có thể xảy ra đối với Moscow.
Theo đó, rúp Nga đầu phiên 5/5 tăng vọt lên 65,31 RUB/USD trên Sàn giao dịch Moscow, là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, cuối phiên hạ nhẹ về 66,14 RUB, nhưng vẫn mạnh hơn 0,2% so với mức đóng cửa phiên liền trước.
So với đồng euro, đồng rúp tăng 1% lên 69,77 RUB/EUR, cũng cao nhất kể từ tháng 2 năm 2020.
Đồng rúp đã tăng giá trong vài tuần qua do các công ty tập trung vào xuất khẩu bắt buộc phải chuyển đổi ngoại tệ. Ngoài ra, nhu cầu đối với đô la và euro yếu trong bối cảnh nhập khẩu suy giảm và các hạn chế đối với các giao dịch xuyên biên giới.
"Chúng tôi nghĩ rằng đồng rúp có thể tăng lên 65 RUB/USD", Sberbank CIB cho biết.
Biến động của đồng rúp sắc nét hơn bình thường do tính thanh khoản của thị trường bị suy giảm khi ngân hàng trung ương đặt ra hạn chế để hỗ trợ cho sự ổn định tài chính.
Tại Châu Á, tỷ giá các tiền tệ khu vực tăng do Fed không nâng lãi suất quá 50 điểm. Theo đó, baht Thái Lan và đồng ringgit của Malaysia đã dẫn đầu đà tăng của các đồng tiền châu Á mới nổi, với baht tăng 0,9%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm 2021, tiếp theo là đồng ringgit Malaysia và peso Philippine, tăng lần lượt tăng 0,4% và 0,1%.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin quay đầu giảm theo xu hướng giá chứng khoán, sau khi USD mạnh lên. Lúc kết thúc ngày 5/5 theo giờ Việt Nam, Bitcoin chỉ còn 36.900 USD.
Giá Bitcoin ngày 5/5.
Giá vàng tăng hơn 1% khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn để tránh lạm phát tăng vọt. Ngoài ra, giá vàng miếng tăng còn bởi Fed đưa ra một lập trường bớt ‘diều hâu’ hơn trước.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 5/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,6% lên 1.892,34 USD/ounce; trước đó có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 29 tháng 4. Giá vàng giao tháng 6/2022 tăng 1,4% lên 1.895,50 USD.
Nhà phân tích cấp cao Jim Wycoff của Kitco cho biết: "Tôi không nghĩ rằng có nhiều thay đổi trong chính sách tổng thể của Fed từ cuộc họp hôm qua, nhưng điều đó chỉ tạo cơ hội cho các nhà giao dịch vàng và bạc phục hồi thị trường sau áp lực bán mạnh gần đây".
Ông Wycoff cho biết thêm: "Toàn bộ kịch bản ở châu Âu với nguồn cung năng lượng bị hạn chế do cấm nhập khẩu một số năng lượng từ Nga, điều đó dẫn đến sự bất ổn trên thị trường châu Âu, khiến lạm phát trong khu vực đồng euro tăng cao, thúc đẩy nhu cầu tìm đến vàng để trú ẩn an toàn".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
http://tintuc.vdong.vn/05/1338819.htm