vĐồng tin tức tài chính 365

'Cuộc chiến' pháp lý với tiếng ồn ào từ nhà hàng xóm

2022-05-06 10:51

Đôi vợ chồng trẻ Dũng và Ngân vừa chuyển về một khu phố đông đúc ở nội thành Hà Nội cách đây hai năm. Nhà mới gần chợ, gần cơ quan và an ninh tốt, mọi thứ khiến họ hài lòng, trừ việc hàng xóm sát vách nuôi 6 con chó to. Cả đàn chó thường sủa cùng một lúc, cả ngày lẫn đêm khiến vợ chồng Ngân đau đầu, mất ngủ trầm trọng.

Hoá ra họ không phải là những người duy nhất thấy phiền. Ngân đem chuyện than phiền với mấy bà mẹ xung quanh, ai nấy đều lắc đầu ngao ngán. "Gã đấy từng đi tù nên ai cũng ngại va chạm, không dám nói. Năm năm nay rồi, sau mỗi lần báo, phường cử người tới nhắc nhở rồi mọi việc 'lại như không'", một người hàng xóm kể.

Vợ chồng Ngân nghe lời khuyên, đành gia cố cửa chống ồn, lắp thêm rèm dày, nhưng không thể cả ngày đóng cửa, kéo rèm. Mọi chuyện tệ hơn từ khi Ngân có bầu, sinh con. Đứa trẻ thính ngủ, dễ giật mình, không hôm nào không quấy khóc vì tiếng chó sủa cả sáng lẫn đêm.

Dũng quyết định sang nói chuyện với chủ đàn chó và nhận lại câu phủi toẹt: "Tao ở đây từ xưa đến nay, không ai nói câu nào. Mày đến ở sau thích ý kiến gì? Không thích thì đi chỗ khác mà ở". Dũng bất lực, biết không thể nói lý lẽ với người này.

Nhiều độc giả VnExpress đồng cảm với nỗi khổ từ những người hàng xóm ồn ào như anh Dũng: "Tiếng ồn khu dân cư là một vấn đề nan giải"; "Xin chia sẻ nỗi buồn bực, phiền lòng từ gia đình bạn. Tôi hiểu vì cạnh nhà tôi là một đàn chó 10 con, mỗi kho nó rủ nhau sủa, tru là cả xóm dựng dậy, mà chủ nó vẫn ngủ ngon mới hay". 83% độc giả, tương ứng 1.369 người tham gia khảo sát, đã ủng hộ anh Dũng và khu phố cùng nhau làm đơn khiếu nại lên chính quyền đến khi giải quyết được thì thôi.

Chó thả rông, không rọ mõm tại địa điểm công cộng ở Hà Nội, tháng 4/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Chó thả rông, không rọ mõm tại địa điểm công cộng ở Hà Nội, tháng 4/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Luật pháp đã có quy định về trách nhiệm của chủ vật nuôi chó, mèo tại Mục 2, Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, người nuôi chó phải "bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh".

Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội) khuyên người dân nên yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám định tiếng chó sủa có vượt quá giới hạn tối đa cho phép hay không. Nếu vượt quá, người dân có thể yêu cầu can thiệp để xử lý vi phạm trên và khắc phục hậu quả.

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định 155/2015/NĐ-CP, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Ai gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến trên 40 dBA phải chịu xử phạt hành chính từ một đến 160 triệu đồng.

Luật pháp tại nhiều quốc gia xác định tiếng ồn khu dân cư không chỉ là phiền toái mà còn là mối nguy hại cho sức khỏe. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, việc tiếp xúc với một số âm thanh hàng ngày ở khoảng cách gần có thể gây tổn thương thính giác, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ, giảm sút trí tuệ và trí nhớ ở trẻ nhỏ.

Nhà chức trách nước này đề nghị cư dân bị ảnh hưởng thực hiện các bước: thông báo với hàng xóm về tiếng ồn, đề xuất hoà giải, nếu như không có cải thiện, mới đến bước gọi cảnh sát và cuối cùng là khiếu kiện.

Ở hầu hết các bang ở Mỹ, các tòa án thường yêu cầu bồi thường trong khoảng 2.500-10.000 USD, hoặc 20 USD mỗi ngày bị tiếng ồn đó ảnh hưởng. Nếu vấn đề tiếng ồn thực sự nghiêm trọng khiến nguyên đơn mất ngủ, mệt mỏi hoặc ảnh hưởng công việc, mức bồi thường có thể lên đến 100 USD mỗi ngày.

Ngày 18/1, sau 19 năm đeo đuổi vụ kiện hàng xóm về tiếng xả nước bồn cầu quá ồn, một cặp vợ chồng cao tuổi trú tỉnh La Spezia, tây bắc Italy, đã đạt được thắng lợi. Theo đó, họ sẽ nhận được đền bù tổn hại tinh thần, được xác định 500 euro mỗi năm, kể từ khi có đơn khởi kiện, tổng là 9.500 euro cho 19 năm, khoảng 11.000 USD.

Trong trường hợp này, Toà án tối cao Italy nhận định, tiếng ồn từ việc xả bồn cầu của người hàng xóm "vi xâm phạm nhân quyền, gồm quyền được bảo đảm và bảo vệ theo Điều 8 của ECHR, Công ước châu Âu về nhân quyền".

Tại Nhật Bản, một phụ nữ 59 tuổi, bị Tòa án Osaka tuyên phạt 20 tháng tù với cáo buộc bật nhạc âm lượng lớn gần như 24 giờ một ngày trên một dàn âm thanh di động hướng thẳng sang nhà hàng xóm cách đó 6 m. Bị cáo cũng phớt lờ các cảnh cáo của chính quyền địa phương và tình trạng kéo dài tới 29 tháng liên tục.

Theo luật pháp nước này, người gây ồn ảnh hưởng tới cư dân khác có thể bị truy tố tội danh hình sự với mức án tù một năm và bồi thường lên đến 100.000 yen, tương đương 770 USD. Song cá biệt, việc tạo tiếng ồn nghiêm trọng và cố ý không khắc phục khi được nhắc nhở, có thể bị kết tội Cố ý gây thương tích, với nguy cơ đối mặt án tù 10 năm và khoản tiền phạt lên tới 2.500 USD.

Tại Australia, các quy định về tiếng ồn được thực thi bởi từng tiểu bang và vùng lãnh thổ. Ví dụ, ở bang South Australia, không có ngưỡng tối đa cho tiếng ồn, mà sẽ được đánh giá chủ quan bởi hội đồng địa phương hoặc cảnh sát nếu tiếng ồn trở nên phiền toái hoặc có khiếu nại. Nếu bạn từ chối giảm tiếng ồn sau khi được chính quyền cảnh báo, mức phạt tối đa là 10.000 AUD cho mỗi cá nhân của hộ vi phạm, theo Đạo luật kiểm soát rác thải và phiền toái địa phương 2016 (SA).

Hải Thư

Xem thêm: lmth.0859544-mox-gnah-ahn-ut-oa-no-gneit-iov-yl-pahp-neihc-couc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Cuộc chiến' pháp lý với tiếng ồn ào từ nhà hàng xóm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools