Bé trai 4,5 tháng tuổi nhiễm não mô cầu bị nổi ban - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo TS.BS Nguyễn An Nghĩa, phó khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, ở phía Nam thời điểm này số trẻ mắc bệnh não mô cầu bắt đầu gia tăng so với các mùa khác. Số ca bệnh thường tăng từ thời điểm này đến tháng 10 hằng năm.
"Bệnh não mô cầu diễn tiến rất nhanh, trẻ có thể tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện. Nếu không được điều trị kịp thời, có từ 50-70% trẻ mắc bệnh này nhập viện tử vong. Ngay cả khi bệnh nhi đã được cứu sống, vẫn có khoảng 20% trẻ vẫn để lại di chứng như bị bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy thận cấp, tổn thương gan, đoạn chi....", TS An Nghĩa cảnh báo.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đã từng tiếp nhận những cháu bé mắc bệnh não mô cầu, diễn tiến nhanh và tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện. Ngoài ra, cũng có những bệnh nhi được cứu sống nhưng để lại những di chứng như đã kể trên.
Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng 1 từng "cứu sống" một bé trai 4,5 tháng tuổi, ngụ ở Bình Chánh, TP.HCM mắc bệnh não mô cầu. Do tình trạng thiếu máu nuôi và hoại tử mô nên các bác sĩ cần phải đoạn chi mới cứu được bệnh nhi. Đây là một thiệt thòi lớn cho bệnh nhi và cũng là "cú sốc tinh thần" rất lớn cho cả gia đình bệnh nhi. Bệnh nhi này đã phải đoạn chi từ phần gối bên trái, một số ngón tay trên hai bàn tay.
Theo các chuyên gia, bệnh do nhiễm não mô cầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp.
Bệnh thường có thể lâm sàng như viêm màng não (khoảng 50% trường hợp), nhiễm khuẩn huyết (38% trường hợp) hay viêm phổi do vi khuẩn (9% trường hợp) và một số thể lâm sàng khác.
Trong đó, viêm màng não là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường gặp nhất. Bệnh xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc mụn nước. Do các triệu chứng ban đầu giống với triệu chứng của bệnh cúm, dễ khiến nhiều người nhầm lẫn, khó chẩn đoán, gia tăng khả năng trở nặng, gây tử vong cao. Trẻ càng nhỏ càng khó phát hiện bệnh.
Cách phòng ngừa căn bệnh này hữu hiệu nhất là chích ngừa vắc xin cho trẻ. Với những trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi chích ngừa như trường hợp bé trai 4,5 tháng tuổi thì việc chích ngừa cho những người xung quanh trẻ là rất quan trọng, để tránh nguồn lây bệnh cho trẻ. Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể chích ngừa vắc xin não mô cầu.
"Bệnh do nhiễm não mô cầu có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Thanh thiếu niên là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao khi tham gia nhiều hoạt động giao tiếp xã hội. Nhóm tuổi này còn có thể mang nguồn bệnh lây nhiễm cho trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi ở nhà. Việc chủng ngừa cho thanh thiếu niên không chỉ giúp bảo vệ bản thân trẻ, mà còn góp phần bảo vệ mọi người xung quanh" - TS An Nghĩa nhấn mạnh.
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - giảng viên vi sinh và an toàn tiêm chủng, Viện Pasteur TP.HCM - nhận xét: "Nhiều phụ huynh chưa có nhận thức đầy đủ về việc tiêm chủng cho thanh thiếu niên, mà thường chỉ tập trung vào đối tượng trẻ nhỏ. Trên thực tế, tỉ lệ thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng bệnh do nhiễm não mô cầu vẫn còn khá cao".
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, trẻ em dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên là đối tượng mắc bệnh do vi khuẩn N. meningitidis (vi khuẩn não mô cầu) xâm lấn cao nhất, với khoảng 1,2 triệu trường hợp xảy ra trên toàn thế giới mỗi năm.
Những thông tin này đã được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Tầm quan trọng của chủng ngừa não mô cầu và bạch hầu - uốn ván - ho gà trên thanh thiếu niên" mới được tổ chức tại TP.HCM.
TS.BS Nguyễn An Nghĩa, phó khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: A.HÙNG
TTO - Bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu thứ tư trong gần một tháng qua đã chết não chỉ sau hai ngày vào viện và gia đình đã đưa về quê chiều nay 8-5.