Ngày 6-5, Bộ Công an tổ chức diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tại diễn đàn, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến nội dung của dự án luật.
Bộ Công an đang nghiên đề án đấu giá biển số xe, bao gồm việc cấp biển số dựa trên nhu cầu như biển số theo tên. Ảnh minh họa: TP |
Bộ nào sẽ quản lý việc cấp bằng lái?
Bạn đọc cho hay ở dự thảo trước đây, Bộ Công an từng đề xuất chuyển đổi cơ quan quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Tuy nhiên đến nay lại quyết định chưa thay đổi cơ quan quản lý?
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XIV, Chính phủ thống nhất quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.
Điều này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cũng là đòi hỏi khách quan để phù hợp với chức năng quản lý con người về trật tự, an toàn xã hội; gắn trách nhiệm chính của Bộ Công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo đúng Nghị quyết 18/2017.
Tuy nhiên, tiếp thu các ý kiến góp ý, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo luật, chỉ quy định nội dung chính sách về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và những vấn đề mang tính nguyên tắc về quản lý nhà nước đối với công tác này, không quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ.
Cùng đó, quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là quản lý quá trình chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Do vậy, việc chuyển đổi chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này phải phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước với mục tiêu cao nhất là đẩy lùi tai nạn giao thông do nguyên nhân từ ý thức chủ quan của con người.
Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 4-3 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất sau khi luật được ban hành, tiếp tục giao Bộ GTVT thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo và cấp GPLX, Bộ Công an tham gia giám sát, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an. Ảnh: BCA |
Sẽ nghiên cứu cấp biển số xe theo tên
Một vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm, đó là đề xuất của Bộ Công an về việc cá nhân và tổ chức có thể lựa chọn các hình thức cấp biển số (bấm ngẫu nhiên, lựa chọn theo sở thích có thu phí và thông qua hình thức đấu giá).
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, dự thảo luật quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải được cấp biển, đây là điều kiện để tham gia thông, còn hình thức cấp biển do Chính phủ quy định.
Luật Quản lý tài sản công quy định tài nguyên số là một dạng tài sản công nên Chính phủ sẽ quyết định dưới hai hình thức. Một là vẫn duy trì hình thức cũ (bấm số ngẫu nhiên) để đảm bảo công khai minh bạch, bên cạnh đó có thể đấu giá biển số nếu người dân có nhu cầu.
Hiện nay, việc đấu giá biển số không còn đưa vào dự thảo luật vì nó liên quan đến rất nhiều luật, cần phải sửa đổi bổ sung chứ không riêng luật Trật tự an toàn giao thông. Quy định cấm mua bán biển số trái phép hiện đã sửa, còn quy định về quyền và nghĩa vụ dân sự của người trúng đấu giá đang có nhiều ý kiến. Đây là quyền tài sản đầy đủ hay là chỉ sử dụng thì cần có thời gian xem xét.
Đại tá Bình nói, Bộ Công an sẽ báo cáo với Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đề án thí điểm đấu giá biển số. Điều này phải sửa đổi cả Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách. Tinh thần của đề án là tất cả biển số đưa ra để cấp thì người dân đều được chọn bấm ngẫu nhiên, không có biển số xấu đẹp nhưng sắp tới sẽ có biển số theo nhu cầu như biển số theo tên.
Đồng thời, Bộ Công an đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến Quốc hội về việc thí điểm đấu giá biển số xe vì nội dung này liên quan đến nhiều luật chứ không riêng luật về giao thông.
“Hiện nay, người dân chỉ có một hình thức bấm biển số ngẫu nhiên. Chúng tôi đề nghị người dân được lựa chọn, hoặc là bấm biển số ngẫu nhiên, hoặc lựa chọn biển số. Nếu lựa chọn thì số đó sẽ được chuyển sang cơ quan phụ trách đấu giá trực tuyến công khai. Người nào trả giá cao hơn sẽ được tiếp nhận” – Đại tá Bình nói.
Việc cấp bằng lái hiện nay đang quá dễ dãi?
Bạn đọc đặt vấn đề việc xem thường an toàn, vi phạm giao thông thường xuyên chủ yếu bắt nguồn từ việc lấy bằng lái xe quá dễ. Luật mới có khắc phục được tình trạng này không?
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, hiện nay, trình tự, thủ tục đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định và Thông tư của Bộ GTVT cơ bản đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng kinh nghiệm các nước tiên tiến.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các quy định đã bộc lộ những nội dung còn chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễn tình hình giao thông đường bộ tại Việt Nam để người tham gia giao thông tự giác thực hiện.
Theo thống kê, từ năm 2009 đến tháng 12-2021, toàn quốc đã xảy ra 361.636 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông; đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ.
Để khắc phục tình trạng trên, về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai…