Nguồn: Washington Post, New York Times, The Guardian - Dữ liệu: Duy Linh - Đồ họa: T.ĐẠT
Trong hai ngày liên tiếp 5 và 6-5, truyền thông chính thống Mỹ đưa tin Washington cung cấp tin tình báo cho Ukraine "tiêu diệt" tướng lĩnh Nga và bắn chìm tuần dương hạm Moskva. Dù hai thông tin này được chính quyền Mỹ trả lời lấp lửng, nhưng nó cũng khiến dư luận tò mò về cuộc chiến tình báo trong chiến sự ở Ukraine.
Chưa từng có tiền lệ
Trong suy nghĩ của nhiều người, tình báo là một mặt trận âm thầm và ít khi được công khai. Điều này hoàn toàn ngược lại trong cuộc xung đột ở Ukraine, khi Mỹ và đồng minh liên tục công bố các thông tin "giải mật" về các hoạt động quân sự của Nga và cả những gì diễn ra bên trong Điện Kremlin.
Trong một bài phát biểu hồi tháng trước, ông Jeremy Fleming, người đứng đầu cơ quan tình báo điện tử của Anh, đã thừa nhận rằng tốc độ và quy mô giải mật - công bố các thông tin tình báo về tình hình Ukraine - thực sự là chưa từng có tiền lệ.
Nói như chuyên gia Mark Galeotti thuộc Đại học College London, chúng ta đang trải qua một giai đoạn rất khác trong chính trị và quan hệ quốc tế, giai đoạn mà chiến dịch tình báo rũ bỏ màn bí mật để công chúng biết nhiều hơn về cuộc chiến. Ở một khía cạnh nhất định, có thể xem đây vừa là một cuộc chiến thông tin vừa là một cuộc chiến tình báo.
Nếu nhìn xuyên suốt từ trước cuộc chiến, sẽ thấy rõ Mỹ cùng đồng minh đã thiết lập một hệ thống chia sẻ thông tin tình báo xuyên Đại Tây Dương và từng bước nâng cấp nó.
Nỗ lực công khai đầu tiên bắt đầu vào tháng 11-2021 khi Tổng thống Joe Biden phái giám đốc CIA William Burns đến Matxcơva để cảnh báo rằng Mỹ biết rõ các động thái của quân đội Nga.
Nhà Trắng thường rất kín tiếng về các chuyến đi của người đứng đầu CIA, nhưng chính quyền Biden đã tính toán rằng trong tình huống này, họ cần quảng bá chuyến đi để đánh động cả trong và ngoài nước Nga, theo Đài ABC News.
Ngay sau chuyến đi của ông Burns, các quan chức Mỹ quyết định họ cần phải tăng tốc chia sẻ tình báo nhạy cảm với Ukraine và các thành viên khác của Liên minh Ngũ Nhãn gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand.
Có vùng cấm không?
Chia sẻ thông tin tình báo được coi là một hình thức trợ giúp "an toàn" vì nó vô hình hoặc khi cần thiết có thể phủi tay phủ nhận.
Nhìn chung, các thông tin mà Mỹ cảm thấy tương đối thoải mái để chuyển cho Ukraine bao gồm vị trí các điểm tập kết của quân Nga trên lãnh thổ Ukraine, đôi khi là các thông tin mà Kiev nhờ xác nhận như vị trí các sở chỉ huy di động của Nga.
Tất nhiên có những thông tin tình báo không thể công bố để tránh lộ nguồn tin và cách thức thu thập. Song nhìn chung phương Tây dường như đang muốn cảnh báo Nga rằng họ đang đứng sau Ukraine và luôn sẵn sàng cung cấp những thông tin có giá trị chiến thuật theo thời gian thực.
Lấy ví dụ như việc đánh chìm chiến hạm Moskva - một sự cố mà Nga tuyên bố là do nổ kho đạn. Trích dẫn các nguồn tin cấp cao trong chính quyền Mỹ, New York Times cho biết có 2 quan chức nói rằng Ukraine đã biết vị trí con tàu và Mỹ chỉ xác nhận thông tin đó.
Tuy nhiên các quan chức còn lại tiết lộ vai trò của Mỹ trong việc đánh chìm soái hạm hạm đội Biển Đen của Nga lớn hơn nhiều người nghĩ.
Các thông tin đã được chuyển cho Ukraine vài giờ trước khi 2 quả tên lửa diệt hạm Neptune rời bệ phóng. Nguồn tin của New York Times trong chính quyền Mỹ từ chối tiết lộ thông tin cụ thể nào đã được chuyển đi, nhưng một người khẳng định đó không chỉ đơn giản là một báo cáo nói rằng con tàu đang cách Odessa 65 hải lý về phía nam.
Khi được hỏi về điều này ngày 6-5, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby không xác nhận hay phủ nhận mà uyển chuyển vấn đề. Ông cho rằng Kiev dựa vào nguồn tin tình báo của riêng mình rồi kết hợp với các thông tin được Mỹ và đồng minh chia sẻ để "tự ra quyết định".
Tương tự trước tin đồn Mỹ đã chuyển tin giúp Ukraine "tiêu diệt" các tướng lĩnh Nga, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã đưa ra một tuyên bố lấp lửng rằng Washington chưa bao giờ có ý định kết liễu các tướng Nga khi chuyển các thông tin tình báo cho Ukraine.
Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận Washington đang tự cấm mình cung cấp cho Ukraine các thông tin tình báo nhạy cảm như vị trí của các tướng lĩnh cấp cao nhất của Nga trên chiến trường hay các mục tiêu có giá trị trên lãnh thổ Nga.
Mỹ lo ngại Nga sẽ xem việc cung cấp các thông tin tình báo nhạy cảm này là sự can thiệp của phương Tây, khiến cuộc chiến lan rộng hơn ở châu Âu.
Nga tuyên bố "đang làm mọi thứ cần thiết"
Trong tuyên bố ngày 5-5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quân đội Nga biết rất rõ Mỹ, Anh và NATO thường xuyên cung cấp cho quân đội Ukraine dữ liệu tình báo và các tin tức khác.
Ông khẳng định các chuyên gia quân sự Nga "đang làm mọi thứ cần thiết" để đối phó các động thái của phương Tây.
Trái ngược với phương Tây, Nga không công bố nhiều các thông tin tình báo. Tất cả đều được gói gọn trong bản tin cập nhật chiến sự hằng ngày của Bộ Quốc phòng Nga, trong đó phía Nga sẽ nêu ra trong 24 giờ qua đã tấn công và phá hủy bao nhiêu sở chỉ huy, kho tàng vũ khí của Ukraine.
Đây là một cách để Nga tuyên bố với thế giới và UKraine rằng lực lượng tình báo quân sự của họ vẫn hoạt động và rất hiệu quả.
TTO - Trong tuyên bố ngày 6-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận các khoản tiền mà ông có thể toàn quyền quyết định viện trợ cho Ukraine sắp hết, và thúc giục Quốc hội Mỹ sớm thông qua khoản viện trợ khổng lồ 33 tỉ USD cho Kiev.
Xem thêm: mth.16641247070502202-tam-ib-nam-cub-ob-ur-oab-hnit-ihk-eniarku-agn-tod-gnux/nv.ertiout