Chi phí sản xuất cao sẽ luẩn quẩn trong vòng lợi nhuận thấp
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh kéo dài. Thị trường phân bón thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do chiến sự Nga-Ukraine nổ ra.
Trao đổi với báo Lao Động, TS Phùng Hà - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: “Căng thẳng Nga - Ukraine làm tăng nguy cơ gián đoạn thương mại phân bón toàn cầu. Là nhà cung cấp phân bón lớn, Nga sản xuất trung bình 50 triệu tấn phân bón mỗi năm, chiếm 13% sản lượng phân bón trên thế giới và trên 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại Châu Âu. Vì vậy, tác động từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh”.
Trên thị trường hiện nay, giá urê đã lên ngưỡng 18.000 đồng/kg; phân DAP ngưỡng 18.500-19.000 đồng/kg; phân NPK ngưỡng 16.000-16.500 đồng/kg...
Theo bà Trần Thúy Nga, 30 Nguyễn Lương Bằng (Pleiku, Gia Lai), gia đình bà có một số diện tích cà phê và hồ tiêu, trước đây những cây trồng này cho gia đình bà nguồn thu đáng kể, nhưng nay giá phân bón tăng “chóng mặt”, nếu giá sản phẩm giảm trong khi giá thành sản xuất tăng, nguy cơ thua lỗ luôn rình rập.
“Hiện giá phân kali đã tăng gấp đôi so với đầu năm 2021, giá phân lân cũng tăng khoảng 30%, lợi nhuận của người trồng giảm sút rất nhiều”, bà Trần Thúy Nga chia sẻ với báo Lao Động.
Sở hữu trong tay hàng chục hecta cây trồng bao gồm cả lúa và cây ăn trái, ông Võ Song Toàn (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), cho hay: Giá phân bón tăng liên tục đang thách thức người nông dân, bởi so với cùng thời kỳ năm trước, chi phí sản xuất đã tăng thêm khoảng 20%, trong khi đó “đầu ra” cho nông sản có nhiều hạn chế. Đây là những thách thức rất lớn đối với nông dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo ThS Trịnh Phước Nguyên - Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Đại học An Giang), đà tăng của phân bón hiện nay, chi phí cho mỗi kg lúa “trượt” thêm khoảng 20-30%. Chi phí sản xuất cao, khiến nông dân luôn luẩn quẩn trong vòng lợi nhuận thấp.
“Ta xuất khẩu nhiều gạo, nhưng nông dân không giàu, nông dân vẫn khổ”, Ths Trịnh Phước Nguyên nêu ý kiến.
Kiến nghị một số chính sách nhằm hạ nhiệt giá phân bón
Theo thông tin từ Báo Tin tức, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về tình hình sử dụng phân bón năm 2021, dự báo nhu cầu sử dụng phân bón trong nước năm 2022.
Trong văn bản, Bộ đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.
Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân urê, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.
Bên cạnh đó, báo Nông nghiệp cũng cho biết, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó dự kiến đề xuất điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng phân bón.
Theo dự thảo, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón. Theo đó, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.
Bộ Tài chính cho biết phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sản xuất phân bón cần ưu tiên thị trường trong nước
Theo TS. Phùng Hà, ở trong nước, đến thời điểm này giá phân bón đã tăng thêm từ 500 đến gần 1.000 đồng/kg. Theo nhiều dự báo, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng khi chiến tranh Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, hiện 100% phân kali (MOP) ở Việt Nam hoàn toàn dựa vào nguồn hàng nhập khẩu.
"Thời gian tới, mặt hàng kali từ Nga và Belarus sẽ tạm thời không có mặt tại Việt Nam, thay vào đó sẽ là kali từ Canada và Israel, trong khi đó Nga và Belarus chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu của Việt Nam. Dự báo, giá kali ở Việt Nam sẽ tăng trong những ngày qua do lo ngại nguồn cung kali bị thắt chặt trên thị trường thế giới", ông Phùng Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS. Phùng Hà cũng cho rằng, giá các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn khi tiến hành sản xuất.
"Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước", TS. Phùng Hà nói.
Chia sẻ với báo Lao Động, nhiều nông dân cùng chung ý kiến trên, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón ưu tiên trước hết cho nguồn cung trong nước, có dư thừa mới xuất khẩu, coi nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung phân bón là trách nhiệm để đảm bảo an ninh lương thực.
Theo quy định hiện tại, mặt hàng phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng. Điều này đã và đang gây nhiều khó khăn đối với nông dân và cả doanh nghiệp, bởi khi nằm trong nhóm không phải chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, doanh nghiệp phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng.
Khi giá thành tăng cao, doanh nghiệp khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, người nông dân sẽ phải mua hàng với giá cao.
Hương Anh (tổng hợp)