Trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức đầu tư tiềm năng ở Việt Nam. Trái phiếu doanh nghiệp là thị trường cần thiết cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư (trái chủ).
Đầu tư trái phiếu cũng giống như các loại hình đầu tư khác là luôn có sự rủi ro, không có hình thức đầu tư nào là đảm bảo an toàn tuyệt đối. Rủi ro lớn nhất và cuối cùng của trái chủ đó là khi đến hạn mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thể chi trả.
Tại buổi tọa đàm "Hiểu đúng về Trái phiếu doanh nghiệp và bài học từ vụ Tân Hoàng Minh", các chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề liên quan thị trường trái phiếu đồng thời đưa ra những lời khuyên cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường này.
Nhà đầu tư chỉ thấy lãi suất
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐQT FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhận định thị trường trái phiếu hình thành lâu nhưng mới thực sự bắt đầu phát triển từ 5 năm trở lại đây và tăng trưởng từ năm 2018-2019, đến năm 2020-2021 thì tăng trưởng mạnh. "Có nhiều lý do nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh và cần dòng tiền lớn, dài hạn còn các ngân hàng Việt Nam thì nguồn vốn để cho vay dài hạn lại thấp", ông nói.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, rất ít người có thể gửi tiền tại ngân hàng từ 3-5 năm nhưng ngân hàng thì nhu cầu vay vốn cho dự án vay 3-5 năm nhiều. Ông Thuận chỉ ra bản chất ngân hàng là cần vốn lưu động, vốn trung hạn còn nguồn vốn để cho vay là vốn dài hạn thì lại lại thấp. Về vốn dài hạn thì kênh trái phiếu lại phát huy hơn là ngân hàng.
Ông Thuân cho rằng vụ việc Tân Hoàng Minh vừa rồi là một vi phạm không may, ảnh hưởng tới thị trường song trên bình diện chung, kênh trái phiếu vẫn có vai trò lớn với nền kinh tế.
Ông Thuân chỉ ra, nhà đầu tư mua trái phiếu quan tâm nhất tới lãi suất. Trong hai năm vừa rồi, lãi suất trái phiếu giữa các ngành là khác nhau. "Trái phiếu ngành bất động sản, năng lượng, xây dựng cao hơn ngành chứng khoán, ngân hàng... với mức lãi suất 8-9%, còn nếu gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%.
Nếu chỉ nhìn vào bề mặt lợi nhuận, chẳng có lý do gì để nhà đầu tư không chuyển từ kênh ngân hàng sang kênh trái phiếu này. Hai năm vừa rồi, trái phiếu tăng trưởng mạnh thì tiền gửi ngân hàng không tăng mạnh như mọi năm nữa, thậm chí giảm cho tới 4 tháng năm nay mới hồi phục", ông nói.
Không có đơn vị đánh giá đầu tư
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ về tài chính doanh nghiệp, quản lý tài chính cá nhân, khi đầu tư vào cổ phiếu thì nhà đầu tư biết rằng doanh nghiệp có sự giám sát của Hội đồng quản trị, khi vay ngân hàng có giám sát bởi Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, kênh trái phiếu sự giám sát lại yếu. Nếu như một doanh nghiệp liên tục được phát hành trái phiếu thì đến cuối cùng thì hậu quả là vô cùng lớn, cá nhân tôi cho rằng sẽ khó tránh được những mô hình đa cấp, để lại những hậu quả lâu dài tới nền kinh tế.
"Công ty tôi khi xây dựng danh mục đầu tư phân bổ cả trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu một là phải phát hành đại chúng, nếu là phát hành riêng lẻ phải phân tích kỹ vì khách hàng đều là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhưng năm nay nhắc tới trái phiếu doanh nghiệp thì nhà đầu tư lắc đầu xua tay. Khi cơ chế giám sát chưa đủ mạnh, cơ chế pháp lý phải đi trước một bước", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn chỉ ra điểm yếu nhất ở trên thị trường trái phiếu là không có đơn vị nào cung cấp đánh giá đầu tư. Hiện thị trường có tới 4.000 mã trái phiếu để đầu tư. Ở góc độ phát hành riêng lẻ, phải xây dựng mô hình tính, chấm điểm các yếu tố. Có tới 4.000 mã trái phiếu nhưng qua lưới lọc của chúng tôi, để có thể ngủ ngon sau khi đầu tư ở mức lãi suất 9% thì thực sự chỉ có khoảng 5-10 trái phiếu. Khối lượng nhiều, thông tin nhiều nhưng trái phiếu có thể đầu tư được lại rất ít, ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng nêu thêm các sai lầm khi đầu tư trái phiếu. Theo đó, nhà đầu tư không biết đầu tư hoặc đầu tư vào sản phẩm đa cấp với kỳ vọng quá lớn. Ở mảng trái phiếu, ông cho rằng nhà đầu tư có thể tham khảo thị trường chứng chỉ quỹ trái phiếu. Những quỹ này sẽ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ… Lợi tức của họ ông cho là không tệ, khoảng 8%/năm.
"Nhiều người mong muốn lãi suất nhiều hơn nhưng tôi lưu ý, khi chúng ta chọn đầu tư, quan trọng nhất là đừng để mất tiền. Chưa kể không chỉ mất tiền mà còn mất thời gian nghĩ về nó. Nhiều nhà đầu tư ở đâu đó còn đang phải kiện tụng để đòi lại tiền của mình, chúng ta đầu tư thì đừng nên như vậy", ông nhấn mạnh.=