Cuối tháng 4 vừa qua, Elon Musk đã khiến cả thiên hạ trầm trồ khi chi 44 tỷ USD để mua lại Twitter, và sẽ tiếp quản vị trí CEO tạm thời sau khi thương vụ này hoàn tất những điều khoản cuối cùng. Tuy nhiên, đằng sau giây phút cao hứng đó là rất nhiều nỗi lo, những sự bấp bênh mà vị tỷ phú giàu nhất thế giới đang gây ra cho công ty này.
Theo dữ liệu mới đây của The Harris Poll cho thấy, 59% người Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ ủng hộ việc Elon Musk mua lại Twitter. Tuy nhiên, những người trong cuộc, mà cụ thể hơn là các nhân viên đang làm việc tại đây, thì lại bày tỏ sự lo ngại về những thay đổi trong bộ máy vận hành, văn hóa và định hướng chung của toàn công ty khi Musk lên nắm quyền.
Elon Musk có thể sẽ khiến bộ máy của Twitter thay đổi hoàn toàn sau khi lên nắm quyền.
Và rõ ràng là họ có lý do để lo lắng như vậy. Theo Daniel Zhao, chuyên gia kinh tế và nhà khoa học dữ liệu tạ Glassdoor, cho biết số người quan tâm đến các vị trí tuyển dụng mới tại Twitter đã tăng đến 263% trong khoảng thời gian từ ngày 24/4 đến 30/4 - tức là tuần lễ Elon Musk tuyên bố mua lại công ty này.
Chia sẻ với Fortune, Zhao cho biết số liệu của ông đến từ việc thống kê lượt click trung bình mỗi ngày vào các bài đăng liên quan đến việc làm trên Twitter trên chính nền tảng mạng xã hội này, rồi so sánh với con số tương tự trong tháng 3/2022. Đáng chú ý hơn nữa, đây không chỉ đơn giản là 1 hiện tượng “đu trend”, mà những vị trí tuyển dụng tại Twitter thực sự đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với nhiều cư dân mạng.
“Dù bạn nghĩ thế nào về Elon Musk đi chăng nữa, ông ấy vẫn là 1 người có lượng fan cực lớn - những người sẵn sàng về đầu quân và làm việc trực tiếp dưới trướng của ông ấy”, Zhao chia sẻ trên Twitter cá nhân, “Có lẽ việc Elon trở thành CEO, chứ không phải chủ sở hữu, mới là điều hấp dẫn nhiều người về với Twitter đến vậy”.
Vào ngày thứ 6 (6/5) vừa qua, Elon Musk cũng đã chia sẻ cảm nghĩ của bản thân về vấn đề tuyển dụng tại Twitter: “Nếu việc mua lại Twitter hoàn tất, công ty của chúng tôi sẽ tập trung vào kỹ thuật phần mềm, thiết kế, an toàn thông tin và phần cứng máy chủ. Tôi muốn các nhà quản lý trong bất kỳ lĩnh vực kỹ thuật nào tại đây đều phải là những nhân tài xuất sắc. Các nhà quản lý trong lĩnh vực phần mềm thì phải có thể viết ra những phần mềm tốt nhất. Nếu họ không đạt tiêu chuẩn đó thì khác nào những kỵ binh không biết cưỡi ngựa cơ chứ”.
Nhiều người đang muốn đầu quân cho Twitter để được làm việc dưới trướng CEO Elon Musk.
Báo cáo tuần vừa qua của Twitter cho biết việc Elon Musk tiếp quản công ty này có thể khiến các nhà quảng cáo, nhân viên, và thậm chí là người dùng gặp bất lợi và phải trả 1 cái giá đắt, bất chấp kết quả của thương vụ này có thể nào đi nữa. Bên cạnh đó, họ nhận định rằng tình hình kinh doanh của công ty, kết quả hoạt động, tình trạng tài chính, dòng tiền và giá cổ phiếu cũng đều có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Báo cáo của Twitter đặc biệt nhấn mạnh giai đoạn bất ổn định như hiện nay của công ty sẽ tạo ra các vấn đề liên quan đến đội ngũ nhân sự. Việc sáp nhập với các công ty khác mà Elon Musk đang sở hữu có thể sẽ khiến Twitter “không giữ chân được những nhân viên chủ chốt, cốt cán, cũng như khó có thể tuyển dụng những ứng viên tiềm năng”. Họ cũng bày tỏ sự lo ngại về giảm sút năng suất khi các nhân viên hiện tại phải làm việc trong thấp thỏm, lo âu và không thể tập trung 100% tinh thần cho công việc.
Mặt khác, sở dĩ Elon Musk quyết định mua lại Twitter vì trước đó, ông đã thất bại trong việc chen chân vào hội đồng quản trị của công ty này. Vị tỷ phú giàu nhất thế giới từng lên án Twitter vì nhiều lần vi phạm quyền tự do ngôn luận, đồng thời thẳng thắn chỉ trích Vijaya Gadde, luật sư hàng đầu tại công ty từng nhiều lần đưa Twitter vượt qua khó khăn về mặt chính trị và pháp lý. Một số nguồn tin cho rằng Elon Musk đang muốn tiến hành 1 cuộc cải tổ về mặt nhân sự và thay thế toàn bộ đội ngũ lãnh đạo hiện tại của công ty này.
Theo Fortune