Tiềm năng phát triển du lịch giữa tỉnh Khánh Hòa và Ấn Độ
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa các nhà quản lý, đơn vị doanh nghiệp của Ấn Độ và tỉnh Khánh Hòa. Đây là cơ hội gặp gỡ để giới thiệu về các thế mạnh tiềm năng, kế hoạch phát triển du lịch và đề xuất các nội dung của hai bên nhằm phát triển du lịch an toàn, chất lượng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình du lịch các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng như tỉnh Khánh Hòa đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngành du lịch Khánh Hòa đã giảm sút trầm trọng từ năm 2020, tình trạng này tiếp diễn vào năm 2021.
Theo thống kê, năm 2021 tổng lượng khách lưu trú chỉ đạt hơn 600.000 lượt, đạt 12% so với kế hoạch và giảm 51,91% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 27.000 lượt, giảm 93,82% và khách nội địa đạt hơn 570.000 lượt, giảm 29,28% so với cùng kỳ năm trước.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, đến nay du lịch Khánh Hòa đã phần nào được khôi phục và có hướng phát triển phù hợp với tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát.
“Hội nghị này là sự kiện tiếp nối từ cấp Trung ương và tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ hợp tác du lịch giữa tỉnh Khánh Hòa và các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của Ấn Độ, nhằm cùng nhau khôi phục phát triển ngành du lịch trong giai đoạn mới, có kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh.
Tôi hy vọng rằng, thông qua sự kiện hôm nay sẽ giúp hai bên hiểu biết thêm về các sản phẩm, dịch vụ du lịch của nhau. Đồng thời, thảo luận, trao đổi, thống nhất các phương thức hợp tác du lịch giữa các địa phương, đơn vị một cách thiết thực, hiệu quả, có sản phẩm cụ thể ngay trong năm 2022”, ông Hoàng nói.
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng cho rằng ngành du lịch đóng góp GDP rất lớn cho các quốc gia. Hiện nay là thời điểm “chín muồi” để có những hoạt động quảng bá, phát triển du lịch của các bên sau đại dịch Covid-19.
Ấn Độ không chỉ là có du lịch tâm linh về Phật giáo mà còn có nhiều sản phẩm du lịch khác để du khách trải nghiệm, khám phá, tham quan như du lịch y khoa; du lịch phiêu lưu, khám phá; tìm hiểu yoga; danh lam thắng cảnh… Vì vậy, cần kích hoạt được những quan tâm mới, những nền tảng thuận lợi trong việc thúc đẩy du lịch để nhìn thấy sự phát triển của ngành du lịch hai bên.
“Với tư cách là một đại sứ, tôi sẵn sàng hỗ trợ để kết nối với các bên liên quan ở từng tiểu bang của Ấn Độ và luôn sẵn lòng để giúp các bạn hoạt động kinh doanh của mình”, ông Pranay Verma cho biết.
Tiềm năng mở đường bay thẳng từ Ấn Độ đến tỉnh Khánh Hòa
Để tạo điều kiện cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch tại Ấn Độ và tỉnh Khánh Hòa, điều quan trọng là cần sớm triển khai mở đường bay thẳng. Tại hội nghị, ông Vũ Đặng Duy Phước, Phụ trách điều hành Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh đã giới thiệu tiềm năng việc mở đường bay thẳng nối từ Ấn Độ đến tỉnh Khánh Hòa.
Theo số liệu thống kê, nhu cầu bay quá cảnh từ Ấn Độ đến Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) bắt đầu xuất hiện từ tháng 9/2017 và tăng mạnh vào năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyến bay dừng lại từ tháng 4/2020.
Đường bay từ Ấn Độ đến Cam Ranh đang trong giai đoạn có tốc độ phát triển rất cao với lưu lượng hành khách tăng 163% trong năm 2019 và tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm 2020. Dự báo, sẽ tiếp tục tăng nếu không có ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Trong khi đó, nhu cầu bay quá cảnh từ Ấn Độ đến Việt Nam tương đối ổn định và phát triển đều qua các năm. Tỉ lệ tăng trưởng lưu lượng khách đạt 21% và 35,4% trong 2 năm 2018 và 2019 so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2020 có dấu hiệu tăng trưởng tốt. Với những chỉ số này, hoàn toàn có căn cứ để cho rằng Ấn Độ sẽ trở thành một thị trường tiềm năng giai đoạn sau dịch Covid-19”, ông Phước cho biết.
Giai đoạn 2017 – 2019, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam mang tính chất mùa vụ nhưng được định hình rõ ràng: Lượng khách có xu hướng giảm nhẹ vào tháng 2, tăng vào tháng 3 và tương đối ổn định trong các tháng tiếp theo, có dấu hiệu tăng mạnh vào 3 tháng cuối năm.
Đặc biệt, giai đoạn cuối năm 2019 (từ tháng 9 đến tháng 12), thị trường Ấn Độ có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, với lượng khách vào tháng 12/2019 tăng 110% so với tháng 8/2019 và tăng 89,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phước, việc mở đường bay trực tiếp Ấn Độ - Cam Ranh sẽ có khả năng mang lại tiềm năng phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy ngành du lịch phát triển trên một thị phần mới.
Từ phân tích các số liệu, ông Phước cho rằng thị trường tiềm năng của đường bay Ấn Độ - Cam Ranh là các đầu sân bay như HYD (sân bay quốc tế Rajiv Gandhi thuộc Telangana), TRZ (sân bay quốc tế Tiruchirappalli thuộc Tamil Nadu), COK (sân bay quốc tế Cochin thuộc Kerala), MAA (sân bay quốc tế Chennai thuộc Tamil Nadu), BLR (sân bay quốc tế Kempegowda) với các hãng tiềm năng là AK (AirAsia), FD (Thai AirAsia) và I5 (AirAsia India).
Ngoài ra, ông Phước cũng đưa ra các đề xuất về các thị trường mục tiêu và hãng hàng không mục tiêu trong hoạt động phát triển đường bay giữa sân bay quốc tế Cam Ranh và Ấn Độ. Từ đó, đề xuất mở đường bay trực tiếp đến các thị trường này.
Châu Tường