Ông Lê Thanh Ngọc (áo thun) trao đổi với cán bộ công an, biên phòng về luồng lạch trên đoạn sông Đà Rằng phía đông cầu Hùng Vương - Ảnh: DUY THANH
Sáng 10-5, ông Cao Đình Huy - chủ tịch UBND TP Tuy Hòa - cho biết đang lập thủ tục khen thưởng ông Lê Thanh Ngọc, 44 tuổi, về hành động dũng cảm cứu người. Trong ngày 5 và 9-5, ông Ngọc đã hai lần cứu sống 2 người nhảy cầu Hùng Vương xuống sông Đà Rằng, đoạn gần cửa biển Đà Diễn, tự tử.
Cứu được người, mừng đến quên đói, mệt
Đứng trên chiếc thuyền máy nhỏ là "cần câu cơm" của mình, ông Ngọc chỉ về phía chân cầu Hùng Vương, nơi mà chiều tối qua ông đã cứu sống anh N.M.L. (22 tuổi, ở xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).
"Tối qua, tôi mới chở mấy người thợ đi sửa tàu ở cảng Đông Tác về, vừa bưng chén cơm lên chưa kịp ăn thì nghe anh Thuận, Công an phường 6 (Tuy Hòa), gọi nói có người nhảy cầu tự tử, nhờ chạy thuyền đi cứu vớt giùm. Tôi quăng chén cơm, chạy ra thuyền, nổ máy hướng thẳng về nơi nhiều người đứng trên cầu đang rọi đèn xuống sông và may mắn đã cứu được cậu ấy" - ông Ngọc kể.
Người trên cầu Hùng Vương rọi đèn pin hỗ trợ ông Ngọc tìm cứu anh L. trong đêm 9-5 - Ảnh: VĂN HOÀI
Ông Ngọc cho biết khi được ông kéo lên thuyền thì anh L. đã đuối sức, không còn biết gì. Nhờ có kinh nghiệm hàng chục năm cứu người đuối nước, ngay trên thuyền, ông thực hiện các biện pháp hô hấp nhân tạo để giúp anh L. qua nguy kịch, sau đó chạy thật nhanh vào bờ để giao cho các lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu. "Thuyền chạy nhanh, gặp bãi cạn, cong cả chân vịt, nhưng tôi vẫn cố gắng vào bờ thật nhanh vì cứu mạng người là quan trọng nhất" - ông Ngọc cho hay.
“Tối 9-5, tôi về nhà, đói và mệt đến run cả người, nhưng vì cứu được mạng sống của cậu L. nên trong bụng mừng vui, không ăn cơm được luôn”
Ông LÊ THANH NGỌC - người cứu vớt những người nhảy cầu Hùng Vương ở TP Tuy Hòa tự tử
Trước đó mấy ngày, khoảng 13h chiều 5-5, khi trên đường chở thợ sửa máy ra tàu về, ông Ngọc thấy rất nhiều người đứng trên cầu Hùng Vương. Tưởng có tai nạn giao thông, ông Ngọc điều khiển thuyền chạy về phía chân cầu thì thấy nhiều người dùng mũ nón ngoắc, chỉ xuống vị trí bên dưới. Biết là có người nhảy cầu tự tử, ông tăng tốc tiếp cận.
"Tôi thấy một cậu thiếu niên đang "giã gạo" dưới chân cầu, đuối sức rồi. Tôi trờ thuyền tới, một tay cầm cánh tay cậu ấy, tay còn lại cầm thắt lưng quần lôi lên thuyền, hô hấp nhân tạo. Sau một hồi, cậu bé định thần lại, tôi hỏi còn ai nữa không thì hoảng hồn nghe cậu ấy nói còn một người bạn nữa. Tôi phải chạy thuyền 4-5 vòng tìm nhưng không thấy, sau đó có người gọi điện cho biết là chỉ có 1 người nhảy cầu tự tử thôi" - ông Ngọc kể.
Theo thượng úy Lê Văn Thuận - công an viên phường 6, thiếu niên nhảy cầu Hùng Vương tự tử hôm ấy là H.T.K., học sinh lớp 9, nhà ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa, Phú Yên). Do buồn bực vì thấy khả năng khó thi đỗ vào trường THPT như gia đình mong muốn nên K. cùng một bạn cùng lứa có chung "hoàn cảnh" rủ nhau nhảy cầu Hùng Vương tự tử. Tuy nhiên, khi K. nhảy trước thì người bạn còn lại không nhảy nên khi được ông Ngọc cứu vớt, K. nghĩ là còn bạn mình nữa nên mới nhờ tìm kiếm.
Khó khăn nhưng giàu lòng nhân ái
Cầu Hùng Vương bắc qua hạ lưu sông Đà Rằng thời gian qua có nhiều người nhảy cầu tự tử - Ảnh: DUY THANH
Trò chuyện với ông Ngọc mới biết hoàn cảnh của ông cũng khá đặc biệt. Gốc người ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), ông Ngọc lập gia đình rồi về định cư ở quê vợ tại TP Tuy Hòa khoảng 20 năm nay. Hơn 1 năm trước, vợ ông mắc bạo bệnh, qua đời. Hiện ông phải làm lụng để nuôi con trai vừa vào đại học và con gái đang học lớp 10.
Ông Ngọc không có nghề nghiệp ổn định, chỉ khi có người thuê mới chạy thuyền máy đưa thợ sửa tàu, đưa thuyền viên ra tàu đi biển; lúc có tàu cá mắc cạn, vướng neo thì ông được thuê lặn để "giải cứu". Nhờ vậy, ông "thuộc lòng" từng ngõ ngách của khúc sông Đà Rằng này, nên khi "có việc" là ông biết cách tiếp cận vị trí nạn nhân một cách nhanh nhất.
"Người ta không tiếc sự sống của họ nên đi nhảy cầu tự tử, còn tôi thì luôn tâm niệm phải tìm mọi cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để giành lại sự sống ấy cho họ. Có nhiều lúc không cứu được người hoặc tìm không thấy thi thể người mất tích, tôi cũng cảm giác đau buồn như người thân của họ" - người đàn ông 44 tuổi nhìn ra sông, tâm sự.
"Không chỉ cứu vớt, giữ được sự sống cho 2 người nhảy cầu tự tử mới đây, mà nhiều năm nay, ông Ngọc còn là người đã tìm kiếm, vớt thi thể nhiều người nhảy cầu tự tử, bị chết đuối ở khu vực này. Dù đang bận rộn bất kỳ công việc gì, nhưng khi biết tin hoặc được lực lượng công an, biên phòng đề nghị cứu người trên sông là ông Ngọc đi ngay, không nề hà, không đòi hỏi gì. Ông ấy là người giàu lòng nhân ái" - trung tá Bùi Lê Khiêm, trưởng Công an phường 6, nhận xét.
TTO - Trong lúc đang tắm tại bãi biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu, một trung úy cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Đồng Nai đã kịp thời bơi tới cứu nhiều thanh niên bị đuối nước.
Xem thêm: mth.11540350101502202-uuc-id-neyuht-yam-on-moc-nehc-gnauq-iot-uac-yahn-iougn-oc-ehgn/nv.ertiout