Đây là lượng tài khoản mở mới hàng tháng cao thứ hai trong lịch sử, chỉ xếp sau mức 270.000 tài khoản của tháng trước.
Số lượng tài khoản của tổ chức trong nước, cá nhân và tổ chức nước ngoài cũng tăng nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tài khoản giao dịch. Tính đến cuối tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam có 5,2 triệu tài khoản thì số lượng của nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 98,9%.
Số lượng tài khoản cá nhân đã tương đương 5,24% dân số cả nước (tính theo số liệu của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2021) và vượt mục tiêu 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm do Thủ tướng ban hành.
Tuy nhiên, nếu so với các thị trường khác trong khu vực, tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán của Việt Nam thấp hơn nhiều. Thái Lan hiện có 5,3 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 8% sân số. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2021, Đài Loan có đến 22 triệu người đầu tư chứng khoán, tương đương 93% dân số...
Nhà đầu tư trong nước được nhiều công ty chứng khoán nhận định là động lực tăng trưởng chính của thị trường trong suốt hơn một năm qua. Nhóm này thường xuyên chiếm trên 80% tổng giá trị giao dịch của thị trường.
Nhưng sau bốn tháng mua ròng liên tiếp, cá nhân trong nước đã đảo chiều bán ròng 4.680 tỷ đồng trong tháng 4 khi thị trường bước vào chu kỳ điều chỉnh. Ở chiều ngược lại, tổ chức trong nước và nước ngoài lần lượt mua ròng 770 tỷ đồng và 3.900 tỷ đồng.
"Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư cá nhân khó có thể quay trở lại thị trường với việc mua vào mạnh mẽ khi mùa kết quả kinh doanh dần kết thúc và ít tin tức hỗ trợ hơn trong tháng 5", báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt viết.
Thực tế cũng cho thấy trong dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đã suy yếu đáng kể khi thanh khoản bình quân mỗi phiên từ đầu tháng đến nay chỉ khoảng 15.600 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 23.000-25.000 tỷ đồng trong những tháng cuối năm ngoái.
Phương Đông