Mới đây, sự việc cậu bé 13 tuổi trốn gia đình đạp xe đi thăm bạn gái cách hàng trăm cây số, khi đi không mang theo điện thoại di động và chỉ có 500.000 đồng làm lộ phí khiến dư luận xôn xao, đặc biệt là những phụ huynh có con đang tuổi dậy thì.
Sau sự việc nhiều người cho rằng nguyên nhân để cậu bé hành động như vậy một phần do phụ huynh đã thiếu quan tâm đến con tuổi dậy thì, không dạy cho con cách kiềm chế cảm xúc cũng như tính đến hậu quả của sự liều lĩnh.
Nói về sự việc này, thạc sĩ Nguyễn Phương Anh - chuyên gia tâm lý ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, ở tuổi dạy thì con có những biến đổi về tâm sinh lý nên phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến con mình hơn, đặc biệt phụ huynh đừng bao giờ nghĩ "con mình đang nhỏ, chắc nó chưa yêu đâu".
Dậy thì xong, đương nhiên con sẽ có nhu cầu tình cảm, tìm hiểu bạn khác giới vì khi tiếp xúc với bạn khác giới hàng ngày rất dễ khiến con nảy sinh tình cảm. Các mối tình từ thủa 12-13 đâu phải là hiếm gặp trên đời. Vì vậy, các cha mẹ cần quan tâm đến con hơn, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì.“Tôi dám chắc không ít cha me nghĩ rằng con quá nhỏ với tuổi yêu, nhưng các cha mẹ đừng quên tuổi dậy thì của con là 12-13 chứ không phải là 20 tuổi.
Ngày nay những câu chuyện quen nhau qua mạng đã không còn xa lạ, công nghệ giúp con bạn dễ dàng kết bạn với những người bạn ở xa, thậm chí sớm thổ lộ những điều riêng tư để thu hút nhau.
Tuổi dậy thì cảm xúc của con cũng dễ thay đổi, dễ rung động trước những sự quan tâm của người khác. Các con dễ làm theo những lời thách thức, muốn chứng tỏ bản thân. Vì vậy mà chúng ta có thể thấy các con dễ có những biểu hiện về mặt lời nói và hành vi chưa được đúng đắn, thiếu suy nghĩ hoặc không cần biết đến hậu quả.
Hành động trốn nhà đạp xe tới 200 km để thăm bạn gái cho thấy phụ huynh đã không dạy cho con cách kiềm chế cảm xúc từ nhỏ.
Bởi lẽ, cuộc sống này không phải như thích gì là có thể làm ngay mà mỗi hành động của ta đều sẽ tác động đến người khác hoặc mang đến những hậu quả khác nhau. Để dạy con điều này, ngay từ khi con còn nhỏ bố mẹ đừng để con muốn gì là được nấy mà phải phân tích đúng sai sau mỗi hành động.
Ví như con thích ăn kẹo buổi tối nhưng không phải thích là ăn được mà phải giải thích cho con việc ăn kẹo buổi tối và không đánh răng thường xuyên sẽ khiến con bị sâu răng... dần dần sẽ hình thành nên tính cách biết kiềm chế nhu cầu và cảm xúc.
Trong câu chuyện cậu bé đạp xe đi thăm bạn gái cũng thế, cậu bé đã hành động mà không cần nghĩ là nên hay không nên, phù hợp hay không phù hợp”, chuyên gia Nguyễn Phương Anh nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, ngày nay công nghệ thông tin rất phổ biến nên bố mẹ cũng phải kiểm soát việc con tham gia không gian mạng.
“Tất nhiên không phải mọi thứ trên mạng xã hội đều xấu và mình tước quyền tham gia mạng xã hội của con nhưng cho con tham gia bố mẹ phải biết kiểm soát, biết con chơi với ai, đang nghĩ gì để kịp thời phân tích, định hướng cho con”, chuyên gia này nói.
Lời khuyên của chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh là cha mẹ phải ngay lập tức thành bạn của con. Muốn thế bố mẹ phải kéo gần khoảng cách với con cái, chính bố mẹ phải tâm sự mối tình đầu của mình cho con nghe, phải xóa tan lo lắng của con khi nghĩ rằng cha mẹ sẽ phản đối,... việc đó sẽ giúp con cân bằng cuộc sống của mình hơn.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần bổ sung kiến thức và kỹ năng giới tính cho con, nó sẽ giúp con có những cách ứng xử phù hợp với lứa tuổi để mọi việc đi không quá xa.
Trước đó, tối 5/5, trong lúc tuần tra an ninh trật tự trên địa bàn, Công an xã Trường Long (huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) đã phát hiện em T. mặc áo học sinh đi xe đạp, đeo ba lô, có biểu hiện mệt mỏi, nên dừng xe kiểm tra.
Qua thăm hỏi, em T. cho biết đã trốn gia đình đi xe đạp từ nhà ở phường 15, quận Tân Bình xuống nhà bạn gái tên V. (sinh năm 2010, trú tại ấp Trường Ninh A, xã Trường Long).
T. và V. trước đó quen biết nhau qua mạng xã hội. Tổ tuần tra đã đưa cậu bé về trụ sở công an xã chăm sóc, cho ăn uống, tắm rửa và nghỉ ngơi, đồng thời liên hệ gia đình đến đón con về.
Tiến hành xác minh, Công an xã Trường Long xác định em T. trốn gia đình từ ngày 3/5. Khi đi, T. không mang theo điện thoại di động, trong người chỉ có 500.000 đồng làm lộ phí.
Dọc đường, T. ăn uống và bơm vá bánh xe nhiều lần nên đã sử dụng hết tiền. Do không có điện thoại nên trên đường đi, cậu bé ghé các cửa hàng điện máy sử dụng điện thoại trưng bày đăng nhập Zalo nhờ bạn gửi định vị và theo đó về đến xã Trường Long. Đến chiều 6/5, gia đình T. đã xuống Cần Thơ đón em về an toàn.
Theo Hoàng Thanh
Infonet