Một số sách của Linda Lê đã xuất bản ở Việt Nam - Ảnh: TIẾU TÙNG
1. Trong những lớp học thực hành phê bình văn chương ở Việt Nam, giống như Trần Vũ, Thomas Bernhard hay Siegfried Lenz, Linda Lê luôn là những cơn ác mộng với sinh viên nhưng lại tạo nên niềm hứng khởi rất lớn với giảng viên chấm luận.
Với những tác giả này, sinh viên hầu như không thể trông cậy vào những nguồn tiếng Việt và phải tự mình đối diện trước tác phẩm, tự mình tìm một lối đi riêng để bước vào một thế giới không dễ dàng xâm nhập.
Nói như vậy để thấy, chắc chắn, Linda Lê không phải là một tác giả đại chúng và dẫu đã có đến 6 tác phẩm, trong đó có những tác phẩm rất quan trọng (Thư chết, Vượt sóng) của bà được chuyển ngữ sang tiếng Việt, thì bà vẫn cứ là một gương mặt không mấy dễ dàng tiếp nhận với không ít người đọc, kể cả những sinh viên ngành văn chương hay kể cả giới phê bình.
2. Trường hợp của Linda Lê không khỏi làm liên tưởng đến trường hợp của Phạm Duy Khiêm, trưởng nam của nhà văn Phạm Duy Tốn.
Họ cùng là những nhà văn Việt Nam được thụ hưởng giáo dục tinh hoa của Pháp với thành tích học vấn xuất sắc tại những "grande école" (những đại học danh giá nhất trong hệ thống giáo dục Pháp).
Họ cùng bị lưu đày trong tiếng Pháp (bởi với một nhà văn, còn tồn tại nào quan trọng hơn tồn tại trong chữ) và cùng dằn vặt về căn tính khi luôn phải loay hoay trong câu hỏi lớn về việc cuối cùng thì ta là ai và cuối cùng ta thuộc về đâu.
Phạm Duy Khiêm chọn cách tự kết thúc cuộc đời mình, và cái chết cũng như sự tự sát là một ám ảnh lớn trong thế giới văn chương của Linda Lê. Nói như vậy để thấy trường hợp của bà không phải là một trường hợp cá biệt.
Bà thuộc về một dòng văn chương của người Việt mà ở đó còn có Phạm Văn Ký, Anna Moi, Kim Lefèvre, Phan Huy Đường, Trần Vũ, Thuận, Ocean Vương, Viet Thanh Nguyen và nhiều nhà văn khác.
Với họ, dù viết bằng tiếng Việt hay một ngôn ngữ nào khác, dù day dứt bạo liệt hay chua chát hài hước thì vẫn luôn là một cuộc truy vấn đầy đau đớn, đôi khi là những cuộc tự mổ xẻ đến tận cùng về căn tính Việt. Và chính bởi vậy, họ là những nhà văn Việt Nam thực sự bởi sáng tác của họ phản ánh một khía cạnh của thân phận Việt trong dòng lịch sử.
3. Dẫu vậy, vẫn phải đi đến tận cùng của một chân dung. Nếu như ở Phạm Duy Khiêm, sự lựa chọn tiếng Pháp là một hành động có ý thức (xin nhớ, ông là một trong những tác giả của Việt Nam văn phạm) để, nghịch lý thay, khẳng định tính Việt thì ở Linda Lê, sự lựa chọn ngôn ngữ là một định mệnh mà bà buộc phải chấp nhận. Cô gái 14 tuổi không được lựa chọn khi di dân đến Le Havre, và từ đó, tiếng Pháp trở thành một định mệnh như di dân.
Ở khía cạnh đó, việc phải viết bằng tiếng Pháp sẽ là một khổ hình Sisyphe (Sisyphus) mang ý nghĩ tiêu biểu cho hành trình nghệ thuật và trí tuệ của biết bao nhiêu nhà văn di dân khác.
Họ suốt đời mang trong mình nỗi đau phải dứt bỏ và có lỗi với quê hương, nỗi đau hiển hiện trong Thư chết của Linda Lê thành bi kịch về người cha bị bỏ lại Việt Nam và chết trước khi kịp gặp lại con gái mình. Nhưng trong chốn lưu đày đó, bà đã đạt đến một thứ nghệ thuật cổ điển, tinh tế và đầy phức tạp, một thứ văn chương tinh hoa như nghệ thuật của Lê Bá Đảng hay Điềm Phùng Thị.
4. Suốt cuộc đời văn chương với những lớp "sóng ngầm" chữ nghĩa, có lẽ Linda Lê chưa bao giờ đạt đến được một trạng thái nhẹ nhõm như nhà thơ Bùi Giáng: Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau. Cũng chưa bao giờ bà có thể trở về, như Tô Thùy Yên, sau hơn chục năm "lưu lạc", như lá rơi về cội, để lắng nghe "thế giới vui từ mỗi lẻ loi".
Vậy thì giờ đây, trong cuộc hành trình mà bà mới vừa khởi hành này, chắc bà sẽ tìm lại người cha buồn bã và căn nhà Đà Lạt thời thơ ấu. Và tìm lại cả Việt Nam - nơi đã lặng lẽ đón nhận bà, sách của bà, tiếng nói của bà suốt những năm tháng qua.
TTO - 16h, ngày 9-5, tôi lặng người khi biết nhà văn Linda Lê đã rời xa cõi tạm. Chỉ mới hai ngày trước tôi chợt nghĩ về chị với chút áy náy vì nhớ mình còn nợ chị hai lời hứa. Ngày hôm nay cảm giác áy náy ấy đã trở thành niềm hối tiếc mãi mãi...
Xem thêm: mth.96835758011502202-iougn-gneit-tom-teib-hniv/nv.ertiout