Ngày 11-5, tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (trái) trình bày báo cáo và Chủ tịch Quốc hội |
Nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm
Tại phiên họp, trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặc biệt lưu ý về những “rủi ro tiềm ẩn” khi thị trường chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN), tăng trưởng nhanh. Thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi...
Dẫn chứng, ông Thanh cho biết năm 2021, tổng giá trị trái phiếu DN phát hành đạt 720.000 tỉ đồng, tăng hơn 52% so với năm 2020. Trong khi đó, cơ cấu thị trường trái phiếu, trái phiếu DN còn tồn tại sự mất cân đối. Hầu hết trái phiếu DN, nhất là của ngành bất động sản, phát hành thuộc về các DN chưa niêm yết, sức khỏe DN còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm.
“Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu DN thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các DN không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu ý kiến lo ngại việc xử lý các DN lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu DN sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn. Việc này dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng thị trường bất động sản chưa tiếp cận cung - cầu thật sự nên đã dẫn đến việc đầu cơ, mua bán, găm giữ… và vốn chảy vào thị trường này còn nhiều vấn đề.
“Chứng khoán bây giờ quá bất thường, không yên tâm”
Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Ông dẫn chứng ngày 9-5, chứng khoán giảm mạnh, gần 60 điểm. Sáng hôm sau (10-5), chứng khoán tiếp tục giảm 36 điểm nhưng chiều lại “đảo chiều” tăng lên dương.
“Tôi ngày nào cũng xem về chứng khoán, không biết các đồng chí điều hành vĩ mô có xem không, chứ chờ các cơ quan báo cáo thì rất lâu. Thị trường chứng khoán bất thường như thế, các đồng chí thấy có yên tâm không?” - ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng lo ngại khi thị trường trái phiếu DN năm ngoái phát triển quá nóng. Ông đề nghị báo cáo rõ để đại biểu Quốc hội biết tổng số trái phiếu DN phát hành năm 2021 là bao nhiêu, trong đó cho bất động sản là bao nhiêu, nợ đến hạn, nợ đến hạn không có khả năng thanh toán là bao nhiêu?
Ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao thị trường trái phiếu DN “quá nóng” như vậy. Và nếu nghị định về lĩnh vực này không chặt chẽ thì ai chịu trách nhiệm?
“Nghị định vừa ban hành, các đồng chí đã nói không chặt chẽ, sơ hở thì ai chịu trách nhiệm chỗ này? Đừng có đổ thừa cho khách quan. Lỗi chủ quan thì phải quy được trách nhiệm, cơ quan nào, ai chịu trách nhiệm chuyện này chứ không thể nói chung chung” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì đề nghị bên cạnh trách nhiệm của các DN, cũng cần làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán trong việc để xảy ra tình trạng thao túng giá, làm giá... khiến cho thị trường chứng khoán tăng trưởng thiếu bền vững, thiếu ổn định.
“Giữa chúng ta nói và chúng ta làm là khác nhau”
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ lo ngại về tiến độ giải ngân gói chính sách tài khóa, tiền tệ 347.000 tỉ đồng của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc giải ngân chỉ thực hiện trong hai năm 2022-2023, tuy nhiên tốc độ đang rất chậm. “Theo thẩm tra sơ bộ, năm nay dự kiến điều hòa vốn giữa chương trình này với đầu tư công. Nhưng rà soát lại toàn bộ năm nay chỉ bổ sung thêm dự toán được có 18.000 tỉ đồng thì nhằm nhò gì. Giữa chúng ta nói và chúng ta làm là khác nhau” - ông Huệ nói.
“Theo tinh thần nghị quyết Quốc hội, đến năm 2023, nếu không giải ngân được sẽ trình Quốc hội chấm dứt chứ không có chuyện sau đó chuyển nguồn. Nó không đúng tính chất là gói kích thích kinh tế” - vẫn lời Chủ tịch Quốc hội.
Kiểm soát chặt để thị trường vốn phát triển lành mạnh
Giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói rõ thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu), thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản “liên thông nhau”.
Ông Lê Minh Khái cho rằng thị trường bất động sản chưa tiếp cận cung - cầu thật sự nên đã dẫn đến việc đầu cơ, mua bán, găm giữ… và vốn chảy vào thị trường này còn nhiều vấn đề. Thị trường vốn, kể cả thị trường tiền tệ cũng trong tình trạng tương tự.
“Đây là bất cập rất lớn” - Phó Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ đã đánh giá, chỉ đạo các bộ, ngành để làm sao kiểm soát được thị trường vì nếu không sẽ ảnh hưởng tới vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định sửa Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.
Trong lúc chờ sửa nghị định, Chính phủ yêu cầu theo dõi sát tình hình, báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành trái phiếu DN cũng như thị trường tiền tệ cho vay bất động sản, những khoản nào tới hạn. Khoản nào phát hành mới thì rà soát, đánh giá rủi ro để kiểm soát tốt nhất.
Nhấn mạnh thị trường vốn rất quan trọng, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn, ông Lê Minh Khái khẳng định Chính phủ sẽ cố gắng kiểm soát để phát triển tốt thị trường này.•