Theo Hãng tin Reuters ngày 9-11, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Myint Swe tuyên bố tại cuộc họp của hội đồng quốc phòng và an ninh nước này: "Nếu chính phủ không xử lý tốt các vụ việc ở khu vực biên giới, đất nước sẽ bị chia cắt thành nhiều phần".
Không dừng ở đó, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar còn khẳng định cần cẩn thận kiểm soát những vấn đề trên, nhấn mạnh toàn thể người dân Myanmar cần ủng hộ quân đội trong giai đoạn này.
Chính quyền quân sự tại Myanmar đang đối diện thách thức lớn nhất từ khi quân đội nước này đảo chính hồi năm 2021. Một loạt nhóm vũ trang dân tộc thiểu số nổi dậy ở nhiều nơi, đã và đang tấn công hàng trăm đồn quân sự ở phía bắc, đông bắc, tây bắc và tây nam nước này.
Hồi cuối tháng 10, quân đội Myanmar đã giao tranh với 3 nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang tại bang Shan, khu vực giáp biên giới Myanmar và Trung Quốc.
Cuộc giao tranh này diễn ra ác liệt khi "Liên minh 3 anh em" gồm Đội quân dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) thông báo đã chiếm giữ một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Myanmar với Trung Quốc.
Chính quyền quân đội Myanmar cũng thừa nhận đã mất quyền kiểm soát tại một số thị trấn biên giới quan trọng, có giao thương với Trung Quốc, bao gồm thị trấn Chinshwehaw tiếp giáp với tỉnh Vân Nam.
Hôm 7-11, Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân xác nhận có người Trung Quốc thương vong trong những lần giao tranh trên. Tuy nhiên ông Uông không nói liệu những người Trung Quốc ấy bị giết hay bị thương, cũng không nêu chính xác địa điểm họ gặp nạn.
Theo Liên Hiệp Quốc ngày 2-11, hơn 23.000 người đã mất nhà cửa vì cuộc giao tranh kể trên. Trong khi đó, báo chí Myanmar khẳng định hàng ngàn người đã tháo chạy sang Trung Quốc.
Quan chức Trung Quốc kêu gọi Myanmar cùng hợp tác để duy trì ổn định trên biên giới chung, trong bối cảnh quân đội Myanmar đang giao tranh với quân nổi dậy.