Lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đến Mỹ dự kỳ hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 12 và 13-5 (giờ địa phương).
Tổng thống Biden sẽ gặp riêng các lãnh đạo ASEAN
Đây là kỳ hội nghị thượng đỉnh đặc biệt lần thứ hai của các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN kể từ năm 2016, khi Tổng thống Barack Obama tiếp các nhà lãnh đạo của 10 thành viên ASEAN tại California.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức trực tuyến vào tháng 10 năm ngoái, từ một khán phòng ở Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS
Theo thông tin lịch trình mà báo South China Morning Post thu thập được, chi tiết kỳ họp cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN đã được công bố ngày 11-5.
Theo đó, ngày 12-5 (giờ địa phương, tức bắt đầu từ tối nay theo giờ VN), các lãnh đạo ASEAN sẽ dùng bữa trưa làm việc với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và các nghị sĩ Mỹ cấp cao thuộc cả hai đảng.
Tiếp sau đó là cuộc gặp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và hội đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo.
Tổng thống Biden sẽ mời các lãnh đạo ASEAN dùng tiệc tối 12-5 (giờ địa phương, tức sáng 13-5 theo giờ VN).
Ngày hội nghị chính sẽ diễn ra vào ngày 13-5 (giờ địa phương). Trưa 13-5 (khuya 13-5 theo giờ VN), Tổng thống Biden và các lãnh đạo ASEAN cũng như Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ dùng bữa trưa làm việc. Nội dung thảo luận sẽ là về hợp tác hàng hải và khắc phục đại dịch.
Theo thông tin của South China Morning Post thì Tổng thống Biden sẽ gặp riêng từng lãnh đạo ASEAN.
Sẽ bàn các chủ đề gì?
Ngày 11-5, phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ, ông Kurt Campbell - điều phối viên của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có chia sẻ về mong muốn của Mỹ và các chủ đề dự kiến phía Mỹ sẽ bàn đến trong hội nghị với ASEAN.
Viện Hòa bình Mỹ (USIP) là một tổ chức liên bang của Mỹ có nhiệm vụ thúc đẩy giải quyết và ngăn chặn xung đột trên toàn thế giới, nghiên cứu, phân tích và đào tạo về ngoại giao, hòa giải và các biện pháp xây dựng hòa bình).
Tại các cuộc họp sắp tới với các lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Biden hy vọng có thể chuyển tải rõ mong muốn của Mỹ cam kết mở rộng sự tham gia với các nước ASEAN.
“Trước đây, quan hệ với ASEAN được quản lý bởi hoặc có sự tham gia của các chuyên gia có cam kết sâu sắc, thường là một nhóm nhỏ từ Bộ Ngoại giao, USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) và có lẽ một số cơ quan khác” – ông Kurt Campbell nói.
“Những gì chúng tôi đã cố gắng làm cho kỳ họp này là mở rộng ra toàn thể chính phủ Mỹ. Mọi quan chức lớn đều tham gia vào các sự kiện và các cuộc gặp mặt” – ông Campbell cho biết khi phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ.
Theo ông Campbell, hai ngày hội nghị tới sẽ diễn ra "trực tiếp, lịch sự, nhưng sẽ có đôi khi hơi khó chịu". Ông Campell cũng chia sẻ về các chủ đề mà hội nghị sẽ bàn đến: thương mại, cơ sở hạ tầng, khí hậu, bên cạnh đó còn có về Trung Quốc, các mối quan hệ giữa đại lục với Đài Loan, Myanmar và cuộc chiến ở Ukraine có thể ảnh hưởng như thế nào đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn bất cứ điều gì khác là… chúng tôi không tìm cách thực hiện các hành động khiêu khích” - ông Campell nói khi được hỏi về cách thức mà chủ đề quan hệ xuyên eo biển Đài Loan sẽ được thảo luận.
“Chúng tôi tin rằng việc nhấn mạnh cả công khai và riêng tư rằng những gì đang diễn ra ở Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra ở châu Á là điều tối quan trọng đối với các quốc gia khác” – ông Campell chia sẻ liên quan đến khủng hoảng chiến sự ở Ukraine.
Thủ tướng Malaysia – ông Ismail Sabri Yaakob (thứ hai từ phải sang) đến Mỹ ngày 11-5 để tham gia hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN. Ảnh: DPA
Về phía Myanmar, ông Campbell nói “chúng tôi tin rằng ASEAN có vai trò quan trọng” trong việc khuyến khích ngoại giao lớn hơn để giải quyết khủng hoảng ở nước này sau cuộc đảo chính năm ngoái.
“Chúng tôi hy vọng và mong đợi ASEAN sẽ có những sáng kiến thực sự về cách thu hút sự tham gia của cả chính phủ hiện tại và phe đối lập về con đường phía trước” – theo ông Campell.
Nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, được cho là đã không được mời tham dự kỳ hội nghị này.
Cũng theo ông Campbell, một số nước ASEAN có thể sẽ ký kết vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPRF) mà Tổng thống Biden đã giới thiệu vào tháng 10-2021 để khuyến khích hợp tác trong các lĩnh vực: thương mại, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, các nỗ lực khử cacbon và chống tham nhũng.
Trong cuộc họp ASEAN-Mỹ được tổ chức vào tháng 10-2021, Tổng thống Biden đã công bố các sáng kiến trị giá 102 triệu USD nhằm hỗ trợ khôi phục Covid-19, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới.
Ngày 11-5, ông Campell cũng chia sẻ suy nghĩ và mong muốn của Mỹ với Philippines trong bối cảnh nước này sắp có tổng thống mới.
Theo ông Campbell, quan hệ giữa Mỹ với Philippines đã "phục hồi" trong giai đoạn cuối của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte, Washington muốn tiếp tục tiến trình dưới thời tổng thống mới – gần như chắc chắn là ông Ferdinand Marcos Jnr, người vừa đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua theo kết quả sơ bộ.
Đại diện Philippines tham dự kỳ hội nghị này ở Mỹ là Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jnr, thay Tổng thống Duterte.