FUNDING SOCIETIES CHÍNH THỨC ĐẾN VIỆT NAM SAU 2 NĂM TRÌ HOÃN VÌ ĐẠI DỊCH
Funding Societies (tên Modalku tại thị trường Indonesia) là nền tảng tài trợ kỹ thuật số cho SMEs lớn nhất ở Đông Nam Á, hoạt động tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia.
Nền tảng này cung cấp tài chính kinh doanh cho các SMEs, và cho đến nay đã giải ngân hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua hơn 5 triệu giao dịch cho vay. Funding Societies được hỗ trợ bởi SoftBank Vision Fund 2, SoftBank Ventures Asia, Sequoia Capital India, Alpha JWC Ventures, SMBC Bank, Samsung Ventures, BRI Ventures, Endeavor, SGInnovate, Qualgro và Golden Gate Ventures...
Đầu năm nay, VNG đã đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies trong vòng gọi vốn Series C+, với tổng trị giá 294 triệu USD, trong đó có 144 triệu USD vốn chủ sở hữu và 150 triệu USD khoản cho vay. Theo tiết lộ từ Ryan Galloway - Giám đốc điều hành của Funding Societies tại Việt Nam, họ vừa nhận thêm 10 triệu USD từ Accial Capital.
Cùng mô hình kinh doanh như thế, tất nhiên với startup thành lập năm 2015 này, thì Việt Nam là một thị trường màu mỡ khi có tới hơn 90% doanh nghiệp thuộc loại nhỏ và vừa, cùng hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển vào top 3 khu vực. Trong năm 2019, Funding Societies từng manh nha ý định scale-up vào Việt Nam, nhưng do đại dịch Covid-19, kế hoạch của họ buộc phải hoãn lại 2 năm và chỉ vừa mới khởi động lại vào cuối 2021.
Sau thời gian thử nghiệm và thành công mỹ mãn - khi họ giải ngân được 20 triệu USD chỉ trong tháng 12/2021, Funding Societies vừa tổ chức sự kiện chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam.
Ryan Galloway - Giám đốc điều hành của Funding Societies tại Việt Nam
Cũng theo ông Ryan Galloway, Funding Societies không gặp bất cứ khó khăn nào khi đến hoạt động tại thị trường Việt Nam, khi các ông bà chủ cửa hàng nhỏ, lẫn giới startup và SMEs, háo hức mong chờ sự xuất hiện của họ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 98% doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước vào năm 2020 là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp này cung cấp đến hơn 5,6 triệu cơ hội việc làm cho thị trường lao động, cũng như chiếm hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam (ước tính khoảng 241 tỷ đô la Mỹ).
Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch giữa số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đăng ký kinh doanh và số lượng doanh nghiệp thực sự đang hoạt động ngày càng tăng. Cụ thể, chỉ vỏn vẹn 54% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đăng ký kinh doanh có hoạt động trong năm 2019.
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc phát triển của những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chính là nguồn vốn để duy trì hoạt động. Và vấn đề khó khăn này càng được khắc họa rõ nét hơn trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, vẫn còn gap – khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vi mô như các cửa hàng tạp hóa nhỏ, startup và SMEs cùng khả năng chấp thuận cho vay vốn của các ngân hàng truyền thống.
Để vay tiền ở các ngân hàng thương mại, các SMEs và startup cần có tài sản đảm bảo hoặc dòng tiền thật minh bạch – cụ thể là các khoảng chi tiêu, mua bán hàng hóa đều phải tiến hành online hoặc có chứng từ cụ thể; song đây lại là những điểm yếu của loại quy mô doanh nghiệp này. Sự xuất hiện của Funding Societies chính là lấp vào chỗ trống đó.
Còn theo thống kê của Funding Societies, thì 58 tỷ USD chính là giá trị của cái khoảng cách nói trên – tương đương 24% tổng lượng vốn trên thị trường chứng khoán và bằng 21% GDP Việt Nam (2021).
Founder Kelvin Teo cùng Ryan Galloway
CÁC KHOẢNG VAY CỦA FUNDING SOCIETIES THƯỜNG NGẮN NGÀY VÀ DƯỚI 1 TRIỆU USD
Ryan Galloway cho biết: "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không có cơ hội tiếp cận thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và thị trường vốn giai đoạn đầu (venture and early-stage capital markets) như các thị trường khác tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, và các chủ doanh nghiệp Việt Nam được đào tạo để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh dù sở hữu ít lợi thế hơn. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều cơ hội ở Việt Nam và chúng tôi rất phấn khởi khi được hỗ trợ những SMEs đang phát triển, cũng như đem đến giải pháp cho nhu cầu tài chính của hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp Đông Nam Á.
Chúng tôi đến đây không phải để cạnh tranh với các Ngân hàng truyền thống mà để bổ trợ họ, khiến thị trường vốn của Việt Nam phong phú – đa dạng hơn".
Funding Societies sẽ phục vụ chủ yếu 2 đối tượng khách hàng sau: cửa hàng/startup chưa từng hoặc chưa có cơ hội vay Ngân hàng (khoảng 65,68 tỷ USD) hoặc đã được vay nhưng chưa đủ nhu cầu (khoảng 4,38 tỷ USD). Funding Societies sẽ nhắm tới lượng 290.000 công ty nhỏ và vừa tại Việt Nam, cụ thể hơn nữa là những doanh nghiệp có doanh thu trung bình trên 250.000 USD/năm, thời gian hoạt động ít nhất 1 năm.
Ngoài ra, họ không phân biệt mà sẽ cho vay đa lĩnh vực, từ giáo dục, bán lẻ, tới công nghệ cho đến FMCG; thông qua việc cung cấp các sản phẩm như tài trợ thương mại, tài trợ hàng tồn kho, tài trợ cho các khoản phải thu (AR) và các khoản phải trả (AP) trong và xung quanh khu vực TP.HCM và Hà Nội.
Startup này sẽ dùng công nghệ để thẩm định xem khách hàng của mình có đủ điều kiện và khả năng vay vốn hay không, quá trình thẩm định này có thể hoàn tất trong vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào quy mô số vốn mà khách hàng cần vay và tình hình ‘sức khỏe’ của cửa hàng/doanh nghiệp người đi vay. Quy mô khoảng vay thường dưới 1 triệu USD, thời gian cho vay từ 1 đến 12 tháng.
Ví dụ: Tại Việt Nam, Funding Societies đã cho một công ty chế biến hạt điều có doanh thu 32 triệu USD/năm, vay 1,5 triệu USD; cho trung tâm tiếng Anh có doanh thu 6 triệu USD/năm vay 1,3 triệu USD để tiến M&A; cho 1 chuỗi trà sữa có doanh thu 1,5 triệu USD/năm vay 250.000 USD để mở rộng thị trường.
Ông Galloway chia sẻ thêm: "Từ những thành công của Funding Societies ở các thị trường khác, chúng tôi sẽ cải thiện thời gian quay vòng vốn bằng cách tự động hóa việc khởi tạo và bảo lãnh phát hành để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam một cách hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, 42% trong số các khách hàng đạt được lợi nhuận cao hơn và 28% vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn sau khi nhận khoản tài trợ từ Funding Societies".
Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của Funding Societies vào khoảng 1,5%. Theo startup này, kinh doanh lúc nào cũng đi kèm rủi ro, ‘nợ xấu’ là vấn đề nhạy cảm với bất cứ doanh nghiệp hoặc định chế tài chính nào; Funding Societies cũng thế. Để hạn chế rủi ro, Funding Societies luôn theo sát các khách hàng của mình, bằng công nghệ cũng như các tương tác vật lý như gọi điện thăm hỏi thường xuyên, để cùng nhau giải quyết vấn đề khi có sự cố xảy ra.
Theo Founder Kelvin Teo, với ‘nợ xấu’, thì nên ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’. Funding Societies phải hỗ trợ và sâu sát khách hàng của mình làm sao để họ luôn phát triển tốt và không bị phá sản hoặc kinh doanh thua lỗ.
Về lãi suất, cũng giống như các tổ chức và định chế tài chính hiện tại, lãi suất mà các SMEs phải trả cho Funding Societies sẽ thay đổi tùy thuộc vào rủi ro mà họ xem xét trong quá trình thẩm định.
Còn nếu các SMEs Việt Nam cần một vài con số để tham khảo, thì chúng tôi vừa tìm được 1 vài thông tin cơ bản về lãi suất trung bình của Funding Societies ở các thị trường khác trên valuechampions.sg.
Hợp tác với các ngân hàng địa phương, Funding Societies cũng đang có định hướng sẽ ứng dụng việc cấp vốn kỹ thuật số bằng nội tệ trên toàn quốc trong nửa cuối năm nay.
Tầm nhìn của Funding Societies ở thị trường Việt Nam tới 2025 vô cùng tham vọng: giải ngân 90 triệu USD trong năm 2022 và 1,3 tỷ USD tới 2025; phát triển công nghệ để giảm thời gian thẩm định xuống còn vài giây với doanh nghiệp vi mô và vài giờ với doanh nghiệp SMEs; giải ngân lên tới 80% tổng danh mục cho vay qua kênh ngân hàng địa phương; tạo ra 130.000 việc làm mới trong các doanh nghiệp vi mô và SMEs.
http://tintuc.vdong.vn/05/1346563.htmQuỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế