Sáng ngày 12/5, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GELEX, MCK: GEX) đã được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến và bỏ phiếu điện tử. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.
Giá cổ phiếu GEX rơi mạnh, lãnh đạo trấn an nhà đầu tư
Cổ đông đặt ra câu hỏi trong BCTC năm 2021 của Tập đoàn ghi nhận khoản phải thu ngắn và dài hạn tăng mạnh so với năm 2020 và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi cũng ghi nhận tăng khủng liệu có ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tập đoàn.
Ban lãnh đạo của Gelex cho biết nguyên nhân dẫn đến có các khoản phải thu khó đòi tăng vọt như vậy do trong năm công ty đã thực hiện giao dịch để nắm quyền tại Viglacera, do đó trong BCTC năm 2021 đã hạch toán thêm cả phần của công ty con này vào khiến các khoản phải thu ghi nhận tăng theo.
Tuy nhiên, lãnh đạo của Tập đoàn nhấn mạnh "Có thể thu nhanh, có thể thu chậm, có thể không thu được nhưng không có nghĩa là Tập đoàn sẽ mất trắng mấy trăm tỷ trên".
Đại diện Tập đoàn cho biết với sự hợp nhất Viglacera vào Tập đoàn dự kiến sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng cả về quy mô, thị trường, nguồn vốn, tài sản, lợi nhuận,... nên các cổ đông có thể hoàn toàn yên tâm vào sự phát triển và hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Đối với câu hỏi hàng tồn kho ghi nhận tăng mạnh, doanh nghiệp cho biết cũng chính từ thương vụ hợp nhất Viglacera vào BCTC hợp nhất của Tập đoàn khiến tồn kho của Tập đoàn nới rộng. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa với tài sản của Tập đoàn đồng thời sẽ tăng theo và với nhận định thị trường năm 2022, công ty chia sẻ tin tưởng tồn kho sẽ không là vấn đề gây ra ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Về vấn đề phát hành trái phiếu và triển khai mua lại một phần vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn khẳng định tất cả các thương vụ phát hành trái phiếu hay mua bán cổ phần đều đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và tất cả các hoạt động tài chính của doanh nghiệp đều có sự kết hợp cùng với cá tổ chức uy tín.
Bên cạnh đó, đại diện Gelex cũng nhấn mạnh việc công ty mua vốn tại nhiều doanh nghiệp là phù hợp với định hướng mở rộng ngành nghề cũng như quy mô của doanh nghiệp mà ban lãnh đạo đã đề ra trước đó.
Về vấn đề giá cổ phiếu GEX trên thị trường ghi nhận lao dốc từ vùng đỉnh 49.400 đồng/cổ phiếu, "rơi" 50% thị giá xuống giao dịch quanh vùng 24.000 đồng/cổ phiếu, các cổ đông đặt ra câu hỏi về triển vọng cổ phiếu của công ty. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đại diện cho Tập đoàn chia sẻ triển vọng trong năm 2022 công ty sẽ phát triển hoạt động kinh doanh, HĐQT cũng quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra, hy vọng năng lực của doanh nghiệp tăng sẽ có thể trợ giá cho thị giá cổ phiếu tăng trưởng.
Đồng thời, ông Tuấn cũng chia sẻ hiện cá nhân ông cũng đang sở hữu 10 triệu cổ phiếu GEX, vì vậy các cổ đông có thể hoàn toàn an tâm khi sở hữu cổ phiếu của Tập đoàn với mục tiêu đầu tư lâu dài.
Đặt kế hoạch doanh thu 36.000 tỷ đồng, chia cổ tức 15%
Theo đó, Đại hội đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của GELEX với kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.618 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức cao, lần lượt tăng 26% và 27% so với thực hiện năm 2021. Tỉ lệ chia cổ tức dự kiến năm 2022 tối đa là 15% Vốn điều lệ.
Một trong những kế hoạch quan trọng năm 2022 của Tập đoàn là thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch đối với cổ phần tại GELEX Hạ tầng và IPO, đăng ký niêm yết đối với cổ phần GELEX Electric trên cơ sở vẫn nắm giữ tỉ lệ chi phối, bổ sung nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu đầu tư chiến lược, đồng thời nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong hoạt động của các đơn vị.
Trong năm 2022, Tập đoàn dự kiến sẽ chi khoảng 11.391 tỷ đồng để đầu tư đồng bộ vào tất cả các mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn.
Với lĩnh vực hạ tầng, năm 2022, Gelex sẽ phát triển có chọn lọc và giải ngân đầu tư theo từng giai đoạn để phát triển dự án trong danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư như: Cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW), Điện gió Gia Lai (100MW), Điện gió ĐakLak (200MW), Điện mặt trời trang trại Bình Phước 1,2 (480MW), LNG Long Sơn và các dự án khác.
Năm 2022, Gelex dự kiến tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án năng lượng sạch như thuỷ điện, điện sinh khối…
Với mảng sản xuất và cung cấp nước sạch, tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục còn lại giai đoạn 2, nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, mục tiêu hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng vào quý IV/2024.
Ở mảng bất động sản, tập đoàn triển khai các bước để chuẩn bị đầu tư gần 1.900 ha các khu công nghiệp mới, cùng với đó, khảo sát và nghiên cứu một số địa điểm để phát triển khoảng 4.300 ha khu công nghiệp/ tổ hợp khu công nghiệp dịch vụ đô thị mới.
Về kết quả kinh doanh gần đây nhất của doanh nghiệp, trong BCTC ghi nhận doanh thu Quý I/2022 toàn Tập đoàn đạt 8.682 tỷ đồng, tương đương thực hiện được 24% mục tiêu cả năm và tăng trưởng 95% so với cùng kỳ. Song song với đà tăng của doanh thu, lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn quý I đạt 901 tỷ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm 2021, lãi trước thuế tăng thêm 567 tỷ đồng.