Thị trường chứng khoán đang trải qua những biến động tiêu cực. Giá trị khớp lệnh trên HoSE rơi mạnh, phiên 11/5 thậm chí xuống dưới 10.300 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua.
Thanh khoản hụt hơi từ mức bình quân 30.000 tỷ đồng/phiên cuối năm 2021 xuống giao dịch chỉ quanh 15.000 tỷ đồng. Năm 2022 không có những phiên giao dịch bùng nổ liên tục với giá trị giao dịch lên đến hàng tỷ USD như năm liền trước. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ phải quen dần với mức thanh khoản thấp khi không còn môi trường tiền rẻ.
Thực tế, dòng tiền vào thị trường trên thị trường cơ sở thấp nhưng dòng tiền trên thị trường phái sinh tăng gấp 3-4 lần so với trước đây.
Không đuổi lệnh Short khi thị trường giảm
Tại talkshow "Tồn tại qua giông bão", ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cho biết, khi thị trường cơ sở đi xuống chắc chắn nhà đầu tư sẽ dịch chuyển sang phái sinh.
Vị chuyên gia chỉ ra, nhà đầu tư nếu muốn đắt đáy ở phái sinh không cần chờ giao dịch T+3 như thị trường cơ sở nên có thể linh hoạt, chỉ cần có lãi qua đặt lệnh là có thể bán ngay. Trong khi đó, thị trường cơ sở phải chờ tới 3 ngày hàng về.
"Lúc đầu, người mua cổ phiếu có thể có lãi nhưng 3 ngày sau có thể không lãi mà chuyển thành lỗ. Ngoài ra, khi thị trường chứng khoán đang đi xuống, nếu mua ở thị trường cơ sở thì rõ ràng ta không có cơ hội kiếm lợi nhuận từ đó", ông Trung nói. Đây chính là lý do dòng tiền sẽ dịch chuyển sang phái sinh nhiều trong thời gian tới.
Thị trường phái sinh tăng mạnh song ông Lã Giang Trung cũng lưu ý cho nhà đầu tư những rủi ro gặp phải khi giao dịch trên thị trường phái sinh thời điểm thị trường biến động mạnh. Ông Trung cho rằng nhìn thị trường phái sinh có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại rất phức tạp và số lượng nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường phái sinh lớn hơn nhiều số nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường cơ sở.
"Tất nhiên, khi thấy thị trường đi xuống, thị trường cơ sở không thể giúp kiếm nhiều tiền, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thị trường phái sinh mức thuế, phí cao và đòn bẩy cũng cao nên tỉ lệ nhà đầu tư giành chiến thắng trên thị trường phái sinh thấp. Quan điểm của tôi là những nhà đầu tư không quá chuyên nghiệp thì ta không nên tham gia", CEO Passion Investment cho hay.
Lời khuyên của ông Trung với nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu là nên hạ tỉ trọng về 40%. Còn với trường hợp đang giữ tiền, nhà đầu tư nên đợi khi thấy không đủ kinh nghiệm, kỹ năng để tham gia thị trường giá xuống hoặc tận dụng nhịp hồi của thị trường, lựa chọn đầu tư trên thị trường phái sinh.
Chiến lược khi giao dịch trên thị trường phái sinh là không mua đuổi lệnh Short khi thị trường giảm. Nên mở vị thế khi thị trường hồi và đóng khi chỉ số quay đầu giảm.
Thị trường phái sinh hiện thiếu đa dạng hàng hóa
Trước ý kiến thị trường phái sinh hiện thiếu đa dạng hàng hóa, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank đồng ý nên có thêm sản phẩm cho các nhà đầu tư dễ lựa chọn. Tuy nhiên, ông Khánh lưu ý, tại thị trường cơ sở, số lượng nhà đầu tư chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. "Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trên thế giới về tỉ lệ nhà đầu tư nhỏ lẻ", ông nói. Trong khi đó, tại thị trường lớn như Mỹ hay Châu Âu, nhà đầu tư cá nhân thường tham gia thì thông qua những tổ chức lớn chứ không trực tiếp ra mặt.
Như vậy, ông Khánh cho rằng trong trường hợp thời gian tới nhà đầu tư nhỏ lẻ chuyển qua đầu tư phái sinh, số lượng sẽ tăng mạnh trong khi bản chất nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn ít và tâm lý yếu, hành động của họ sẽ mang tính ngắn hạn, bởi phí ở thị trường phái sinh nhiều, chưa kể lệnh để qua đêm cũng phải tính phí. "Vậy nên các lệnh thường chốt trong ngày và chúng ta nhìn thấy giá trị giao dịch phái sinh tăng đột biến những ngày qua. Thông thường, số liệu phái sinh đã bao gồm tỉ lệ đòn bẩy nên con số giao dịch trở nên khổng lồ", ông Khánh nói.
"Vậy nên theo tôi, ngoài có thêm nhiều sản phẩm trên thị trường phái sinh thì còn cần phát triển thêm những nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Có như vậy, tỉ lệ rủi ro và việc phát triển thị trường phái sinh sẽ ổn định và bền vững hơn chứ những sản phẩm đưa ra đúng nhưng tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân quá lớn sẽ là rủi ro trên thị trường phái sinh", ông Khánh nhận định.
Tại talkshow, ông Phan Dũng Khánh cũng đưa ra nhận định về tín hiệu nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Ông Khánh cho rằng đây là tin tốt, đặc biệt khi nhà đầu tư cá nhân vẫn bán ra liên tục khiến thị trường giảm điểm.
"Nhiều nhà đầu tư hỏi tôi tại sao giai đoạn năm 2020-2021 khối ngoại bán ròng miệt mài thì chỉ số chứng khoán vẫn lên, hiện nhà đầu tư nước ngoài mua ròng thì chỉ số chứng khoán lại giảm xuống", ông Trung nói. Theo ông Trung, giai đoạn 3-5 năm về trước, tỉ lệ giao dịch của khối ngoại chiếm xấp xỉ 20% toàn thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hiện khối ngoại chỉ giao dịch đâu đó 4-8% tổng giao dịch.
"Tỉ lệ của họ trên thị trường là nhỏ, nên dù họ là bên mua ròng duy nhất trên thị trường thì chiếm khối lượng lớn vẫn là nhà đầu tư cá nhân, mà họ thì đang bán mạnh. Dù nhà đầu tư ngoại có mua ròng nhưng với tỉ lệ thấp thì chỉ có thể hỗ trợ tâm lý và ngăn cản đà rơi nhiều hơn, không đóng góp đủ nhiều để giúp thị trường chứng khoán tăng trong thời điểm hiện tại", ông Khánh nhấn mạnh.