TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí - phó khoa gan-mật-tụy (Bệnh viện Chợ Rẫy, đứng giữa) - nói lời từ biệt chàng sinh viên 19 tuổi bị chết não, trước khi bước vào cuộc phẫu thuật lấy tạng cứu người theo tâm nguyện của gia đình - Ảnh: AN MỸ
Bốn bệnh nhân may mắn nhận được tạng hiến từ người cho chết não sống ở các nơi khác nhau là Long An, Gia Lai, Huế, Nghệ An. Các tạng hiến của chàng trai trẻ đã giúp họ neo giữ sự sống, vốn như đèn treo trước gió bởi các bệnh tật suy gan, thận, tim hành hạ.
Phía sau những kỳ tích về ghép tạng, đó là cả một hành trình thầm lặng không chỉ của nhân viên y tế...
Ý nguyện cuối cùng
Từ trước đó (ngày 1-5), khi mọi người đang nghỉ lễ bên gia đình, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) - bất ngờ nhận tin báo từ các bác sĩ khoa hồi sức ngoại (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) về trường hợp nam sinh viên 19 tuổi (ngụ TP.HCM) bị chấn thương não nặng do tai nạn giao thông.
Khi ấy, các chỉ số về thang đo hôn mê (Glasgow) của bệnh nhân rất thấp, kèm mê sâu, thở máy và phải sử dụng vận mạch. Các bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã giải thích tình trạng chấn thương sọ não nặng, tiên lượng tử vong và cha mẹ của chàng sinh viên này đi đến ý nguyện cuối cùng là "muốn hiến tạng con cứu nhiều người khác nếu bác sĩ không còn điều trị được".
Bác sĩ Thu nhớ lại hôm ấy là ngày lễ, việc điều động nhân sự khá khó khăn và để không bỏ lỡ "thời cơ vàng", bà đã một mình tức tốc có mặt tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định Định cùng phối hợp đánh giá tình trạng bệnh, gặp cha mẹ người bệnh trực tiếp nghe ý nguyện của họ và hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Quả tim sau khi được lấy, các bác sĩ khẩn trương chuyển ra sân bay đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim cho người bệnh - Ảnh: AN MỸ
Song song quá trình hồi sức không mang đến hiệu quả, để chắc chắn rằng bệnh nhân chết não, các bác sĩ của hai bệnh viện đã phải kiểm chứng với nhiều xét nghiệm quan trọng như đo điện não, chụp mạch máu não, siêu âm doppler xuyên sọ; đồng thời có sự xác nhận độc lập từ hội đồng chẩn đoán chết não. Và đến ngày 5-5, kết quả chẩn đoán chết não được xác định.
"Cha mẹ bệnh nhân rất đau buồn nhưng đã quyết định hiến 2 quả thận, lá gan và quả tim để cứu sống 4 người bệnh với mong muốn một phần cơ thể của con mình được tái sinh" - TS.BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ.
Trải qua nhiều bước sàng lọc độ tương thích cũng như khả năng đáp ứng khi ghép, cuối cùng lá gan và 2 quả thận được ghép cho các bệnh nhân là người lớn (dự kiến ban đầu là trẻ em) ở Long An, Nghệ An, Gia Lai, tất cả có tên trong danh sách chờ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Riêng quả tim được Trung tâm điều phối quốc gia điều ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Vận chuyển tạng ra sân bay để đưa ra Huế - Ảnh: AN MỸ
"Xin chào em"
Những người có mặt trong buổi tri ân gia đình hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 13-5 không khỏi xúc động khi xem lại hình ảnh trình chiếu cảnh các bác sĩ, điều dưỡng đứng vây quanh người cho chết não, chắp tay, cúi đầu mặc niệm trước khi bước vào ca phẫu thuật lấy tạng.
"Xin chào em! Các bác, các cô, các chú ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Chợ Rẫy đã nỗ lực hết sức để cứu chữa cho em. Nhưng tai nạn giao thông đã làm cho não của em không thể hồi phục được và ý nguyện của gia đình là muốn giữ lại những phần cơ thể còn sống để giúp cho đời, giúp cho các bệnh nhân đang cần ghép tạng.
Và các bác, các cô, các chú sẽ thực hiện cuộc phẫu thuật này để thực hiện ý nguyện đó. Xin cảm ơn em, cảm ơn gia đình, xin chào em" - TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí - phó khoa gan-mật-tụy (Bệnh viện Chợ Rẫy) - run run nói lời từ biệt.
CSGT dẫn đường "lực lượng thầm lặng" - như lời bác sĩ Phạm Thanh Việt - tức là những người được giao trực tiếp điều phối các bộ phận, đầu mối tham gia ca hiến ghép này - Ảnh: AN MỸ
Trước đó, nhờ sự nỗ lực từ các bác sĩ của hai bệnh viện tại TP.HCM, đã góp phần xác lập kỳ tích về "ca ghép tim xuyên Việt có thời gian tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ ngắn nhất" ở Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 6-5.
Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau gần 10 ngày thực hiện 3 ca ghép gan, thận…, các bác sĩ đã dần thở phào khi bệnh nhân đang từng ngày hồi phục sức khỏe.
Và hôm nay, ngồi trên giường bệnh, những người vừa được hiến một phần cơ thể không quên nói lời cảm ơn tới ân nhân - người hiến tạng cho mình, cùng các đội ngũ y bác sĩ. Bất ngờ đón nhận "món quà sự sống", họ có chung một lời hứa sẽ sống khỏe, sống có trách nhiệm để giữ gìn phần tạng quý giá này...
150 nhân viên y tế của hai bệnh viện tham gia
TS.BS Lâm Việt Trung - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết đã có hơn 150 nhân sự của cả 2 bệnh viện tham gia vào hành trình này từ khi tiếp nhận thông tin có người hiến.
Và để mang lại sự sống cho người bệnh, ngoài sự nỗ lực của các bác sĩ, không thể không nhắc tới lực lượng dẫn đường của Phòng cảnh sát giao thông (Công an TP.HCM), cùng sự phối hợp của hãng khàng không quốc gia Vietnam Airlines.
"Hoạt động hiến ghép tạng rất phức tạp, chỉ nhân viên y tế không thể nào thực hiện được. Nếu không có sự điều phối của các lực lượng khác thì không thể thành công" - bác sĩ Trung nói.
TTO - Một người cha ở Trung Quốc đã quyết định hiến tặng 7 bộ phận trên cơ thể cô con gái 9 tuổi của ông không may qua đời sau một tai nạn ở trường, với hy vọng cô bé sẽ ở lại thế giới theo cách có thể cứu được ai đó.
Xem thêm: mth.8794032131502202-iougn-4-uuc-gnat-neih-neiv-hnis-man-teib-neit-mein-cam-is-cab-cac/nv.ertiout