Nối tiếp diễn biến tiêu cực phiên 12/5, thị trường chứng khoán mở cửa phiên ngày 13/5 tiếp tục chìm trong cảnh báo tháo. Áp lực bán tháo bắt đầu từ nhóm vốn hóa lớn sau đó lan sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khiến thị trường phủ bóng sắc đỏ.
Phiên sáng 13/5, lực cầu bắt đáy đã gia nhập thị trường rõ rệt hơn với giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 10.194,92 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 382,3 triệu cổ phiếu; HNX có 43,61 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 817,84 tỷ đồng và UPCoM có 36,51 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 314,29 tỷ đồng. Mức thanh khoản này đã cải thiện rõ nét so với các phiên liền trước.
Dù vậy, VN-Index vẫn mất ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm và chỉ số hiện chỉ bằng thời điểm hồi tháng 4/2018, từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Chưa kể dù nhà đầu tư đã bắt đầu mua vào, phe bán thắng thế làm khiến chỉ số lao dốc xuống vùng 1.180 điểm.
Các hội nhóm về chứng khoán trên mạng xã hội đều xuất hiện nhiều nhà đầu tư gọi phiên 13/5 là "ngày thứ 6 đen tối". Hầu hết các nhà đầu tư đều cho biết hiện đã mất từ 30-40% NAV. Các nhà đầu tư bắt đáy trong 2 phiên đầu tuần đến hôm nay khi hàng về đều ghi nhận thua lỗ, nhiều mã giảm 30-40% chỉ trong một tuần do giao dịch trên sàn có biên độ rộng như UPCoM.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index "bốc hơi" 56 điểm, tương ứng 4,53% về 1.182,77 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 đến nay. Toàn sàn có 37 mã tăng, 436 mã giảm (197 mã sàn) và 20 mã đứng giá. Trong khi đó HNX-Index cũng trong chuỗi lao dốc 13,13 điểm, tương ứng 4,16% về 302,39 điểm. Toàn sàn có 45 mã tăng, 201 mã giảm và 22 mã đứng giá. Chỉ số đại diện nhóm VN30 cũng giảm 56 điểm. Nhóm này có duy nhất một mã tăng, 1 mã đứng giá còn lại 28 mã giảm giá, trong đó 7 mã giảm sàn.
Không có mã nào đóng vai trò trụ đỡ của thị trường phiên ngày 13/5. VCB là mã tác động xấu nhất tới thị trường khi giảm tới 5,1%. Nhóm cổ phiếu "vua" thậm chí có nhiều mã giảm sàn như LPB, MSB, OCB, PGB, STB, TCB, VIB. Các mã khác tuy không giảm sàn nhưng biên độ giảm mạnh và vẫn ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số như VPB, BID, EIB, HDB…
Ở nhóm bán lẻ, FRT, MWG, DGW đều giảm sàn, PNJ giảm nhẹ nhất nhóm này song cũng giảm tới 3,5%. Nhóm thép cũng diễn biến tiêu cực khi HPG giảm 6,1%, POM, NKG, HSG… đều giảm sàn. Nhóm 3 cổ phiếu Vingroup là VIC, VRE, VHM tuy không giảm sàn song vẫn chìm trong sắc đỏ.
Những mã trong thời gian thị trường downtrend được lãnh đạo chi trăm tỷ đỡ giá cổ phiếu như GEX, DXG, TVC, TVB, GVR… đều đồng loạt giảm sàn. Thậm chí, các mã này đã rớt từ 20-30% thị giá kể từ khi các lãnh đạo công bố mua vào cổ phiếu.
Tại các nhóm cổ phiếu đầu cơ như "họ FLC", "họ Louis", hay các mã liên quan đến doanh nghiệp Nhựa Đồng Nai đều giảm sàn. Những mã khác có yếu tố thị trường cao như HQC, LDG, HAG, NBB, SJF… cũng chung cảnh tương tự.
Vẫn có một số mã tăng dù không đáng kể và không đủ làm trụ đỡ thị trường. VJC của Vietjet tăng 0,88% lên 125.900 đồng/cổ phiếu. VJC cũng là mã duy nhất trong rổ VN30 có được sắc xanh.
Một số cổ phiếu riêng lẻ gây ấn tượng khác như RIC của công ty Quốc tế Hoàng Gia tăng trần dù mã này sắp bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOT , POT của Thiết bị Bưu điện tăng trần 10%, DZM của Cơ điện Dzĩ An tăng 8,7%, có thời điểm được khớp với giá trần, CSM của Casumina tăng 5,5% và cũng có lúc được bán giá trần. Một mã thuộc nhóm cao su khác là HRC cũng tăng tích cực 5,8%.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 20.969 tỷ đồng, tăng 33,4% so với phiên ngày 12/5. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 31,3% lên 18.388 tỷ đồng.
Khối ngoại lại tiếp tục gom cổ phiếu khi đẩy mạnh giao dịch. Khối này mua vào 2.740 tỷ đồng và bán ra 2.172 tỷ đồng, tương ứng mua ròng gần 568 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ mã FUEVFVND được mua ròng nhiều nhất - mức mạnh nhất từ đầu năm 2022 đến nay với 587 tỷ đồng. VNM cũng được mua mạnh gần 90 tỷ đồng hay CTG, VRE, DGC là các mã được mua mạnh. Ngược lại, HPG hôm nay bị bán tới 220 tỷ đồng. Mã này trong suốt năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022 vẫn liên tục là cổ phiếu bị bán mạnh nhất.