vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều 'lỗ hổng' trong thẩm định thuốc ở Cục Quản lý Dược

2022-05-13 19:09

Sáng 13/5, ngày thứ hai của phiên xét xử vụ án 838.100 hộp thuốc giả của VN Pharma, tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo cựu cán bộ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy, cựu phó phòng thuộc Cục Quản lý Dược, dành gần một giờ để trả lời, đối chất với các đồng nghiệp quanh cáo buộc "tự ý sửa chữa các hồ sơ thuốc không đủ yêu cầu của VN Pharma" để cho bổ sung và trình cấp trên, phê duyệt cấp phép.

Bà Thủy cho biết, thời điểm đó Cục tiếp nhận "quá nhiều" hồ sơ nên thuê nhiều chuyên gia làm việc vào các cuối tuần, trả lương độc lập, không thuộc nhiệm vụ, trong đó có bà Thủy và hai chuyên gia khác. Theo đó, ba người thuộc nhóm này không bao gặp nhau một lúc để thẩm định. Ai tiện thời gian nào lên lúc đó, thẩm định độc lập rồi ghi lại ý kiến vào biên bản.

Cáo trạng xác định, các hồ sơ thuốc của VN Pharma do nhóm Thủy phụ trách thẩm định đều không hợp lệ. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC) không ghi tên địa chỉ nhà sản xuất, không rõ chức danh, tên đầy đủ của người ký. Cơ quan cấp FSC, không rõ có thẩm quyền cấp FSC hay không, GMP không ghi ngày tháng năm cấp. Các hồ sơ không được hợp pháp hóa lãnh sự, GMP đều không có chứng nhận dây chuyền sản xuất đạt GMP - WHO...

Do đó, biên bản thẩm định của nhóm chuyên gia cho thấy, ba người đều thống nhất đánh dấu vào ô "không cấp". Nhưng sau này, phần kết luận của nhóm chuyên gia bị bà Thủy trực tiếp tẩy xoá, biến thành "yêu cầu bổ sung hồ sơ", để tiếp tục xét duyệt.

"Nhóm chuyên gia hoạt động cùng nhau, sao một mình bị cáo thay đổi quyết định, không thông báo hai đồng sự, tự ý thay đổi tẩy xóa?". Trước câu hỏi này của chủ toạ, bà Thủy khẳng định: "Ý kiến trên biên bản là cá nhân, sau này, việc sửa cũng là quan điểm cá nhân, không thay mặt ai".

Chủ toạ truy vấn: "Giả dụ một nhóm làm việc chung với nhau mà chỉ có một biên bản thì ý kiến cuối cùng cuối biên bản, theo bị cáo sẽ được coi là ý kiến từng cá nhân hay của tập thể?", bà Thủy suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời "không xác định được".

Bà Thủy khai tại tòa
 
 

Bị cáo Thủy trình bày.

Hai chuyên gia còn lại lập tức được gọi đối chất, đều phản bác lời khai của bà Thủy. Họ khai các buổi làm việc đều thẩm định chung, có gặp nhau, truyền tay nhau đọc hồ sơ. Nhưng do biên bản chỉ có một ô đánh dấu ý kiến: "Chúng tôi thảo luận rồi đi đến nhất trí không cấp phép".

Chủ toạ quay sang hỏi bị cáo Thủy: "Cả nhóm cùng nhất trí hồ sơ của VN Pharma không đạt, sau đó mình bị cáo tẩy xoá là đúng hay sai nguyên tắc?".

Bà Thủy đáp: "Tôi khẳng định lời khai của hai người này dối trá. Bị cáo không bao giờ bàn bạc thống nhất với họ, vì đưa quan điểm độc lập. Sau khi xem xét lại, bị cáo thấy các lỗi của hồ sơ này có thể cho bổ sung hồ sơ. Đây không phải tẩy xoá, đây đơn thuần là hoạt động thay đổi quan điểm của chuyên gia".

Theo bị cáo này, Cục Quản lý Dược không có quy định nào về việc ai sẽ thay mặt nhóm chuyên gia ký biên bản thẩm định. Cục không có quy định hướng dẫn nào về việc ô đánh dấu đó là ý kiến cá nhân hay ý kiến nhóm. Một số hồ sơ như hồ sơ này cho một ô ý kiến, nhưng có các hồ sơ lại có hai ô.

Tranh luận quanh việc này tiếp tục kéo dài hơn một giờ và chỉ chấm dứt khi chủ toạ hỏi sang ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Quản lý Dược trong giai đoạn này.

"Bị cáo được nghe từ đầu, sự việc rất phức tạp, rất nhiều chuỗi sai phạm, từ nhân viên đến cán bộ của mình. Vậy các hồ sơ thuốc này có sai phạm, trách nhiệm của bị cáo là gì?", chủ toạ hỏi.

"Tôi là người đứng đầu cục, những nội dung liên quan cục, thẩm định hồ sơ thuốc, tôi xin nhận trách nhiệm. Tôi rất tiếc các sự việc xảy ra đều không được báo cáo", ông Cường đáp.

Ông Trần Quốc Cường trả lời HĐXX
 
 

Cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường nhận trách nhiệm, thiếu sót.

Về sai phạm của nhóm chuyên gia, ông Cường khẳng định, ý kiến cuối cùng ở biên bản của nhóm chuyên gia là ý kiến chung, do đó thay đổi hay sửa chữa, đều phải có thống nhất giữa các thành viên.

Ông Cường thừa nhận có "lỗ hổng lớn" trong quy trình thẩm định hồ sơ thuốc, trong đó có việc quản lý hoạt động, ban hành quy chế, quy định với nhóm chuyên gia. Bên cạnh đó là việc bỏ qua bước hợp thức hoá lãnh sự, với các tài liệu thuộc cơ quan y tế nước ngoài, trong vụ án này là Giấy chứng nhận lưu hành tự do FSC và Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt GMP.

Ông Trương Quốc Cường. Ảnh: Anh Hùng

Ông Trương Quốc Cường. Ảnh: Anh Hùng

Trước cáo buộc 7 hồ sơ thuốc liên quan VN Pharma đều thiếu hai giấy tờ này, song vẫn được cấp visa vào Việt Nam, ông Cường cho rằng, theo quy định mới, nhóm chuyên gia sẽ không phải báo cáo Cục trưởng về các hồ sơ thuốc mà trình trực tiếp lên Trưởng phòng, sau đó cục phó sẽ ký. Hồ sơ thẩm định thiếu đúng hai giấy tờ này, song ông Cường không thể phát hiện, ngăn chặn, do nhóm chuyên gia không có trách nhiệm thông báo với ông.

"Bị cáo nghe chị Thủy khai báo suốt từ đầu, đều nói Cục chẳng có văn bản hướng dẫn, phân công cụ thể về nguyên tắc thẩm định, tổ chức nhóm chuyên gia. Bao nhiêu loại thuốc quan trọng đến vậy mà quy định rất hời hợt sơ sài. Bị cáo có nghĩ là đã có bao nhiêu thuốc khác từng gặp thiếu sót tương tự mà vẫn được cấp phép lưu hành không?", chủ toạ nghiêm khắc nhắc nhở trước giờ nghỉ giải lao hôm nay.

Ông Cường cúi đầu, ghi nhận quan điểm của chủ toạ. Trong vụ án này, ông Cường bị quy bốn trách nhiệm, trong đó, trách nhiệm đầu tiên là về nhóm chuyên gia. Theo quy chế, nhóm thẩm định phải có nhóm trưởng; nhóm trưởng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến các chuyên gia để trình cục trưởng...

Song ông Cường bị cáo buộc không quy định, phân công nhóm trưởng, khiến quy tắc làm việc của nhóm này không được đảm bảo; không sửa đổi quy chế làm việc theo quy định Bộ Y tế quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của nhóm thẩm định "để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng".

Phiên toà đang tiếp tục làm việc.

Ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Y tế) cùngLê Đình Thanh (cựu cán bộ hải quan TP HCM) và Nguyễn Việt Hùng (cựu cục phó Quản lý Dược) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2, điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu phó phòng thuộc Cục Quản lý Dược) và Phạm Hồng Châu (cựu trưởng Phòng đăng ký thuốc) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma), Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc công ty H&C) cùng Nguyễn Trí Nhật (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma), Phan Cẩm Loan (cựu phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (cựu kế toán trưởng VN Pharma), Phạm Anh Kiệt (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn), Phạm Quỳnh Trang (cựu nhân viên công ty H&C), Nguyễn Thị Quyết (cựu nhân viên VN Pharma) bị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo điều 157, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Giai đoạn 1 của vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma đã được xét xử tại TAND TP HCM. Cường bị phạt 20 năm tù, Hùng 17 năm; các bị cáo khác nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù với cáo buộc buôn bán thuốc trị ung thư giả, H-Capita 500 mg.

Thanh Lam

Xem thêm: lmth.9672644-coud-yl-nauq-cuc-o-couht-hnid-maht-gnort-gnoh-ol-ueihn/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhiều 'lỗ hổng' trong thẩm định thuốc ở Cục Quản lý Dược”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools