Những năm gần đây, bảo hiểm liên kết đầu tư nổi lên như một lựa chọn giúp các người tham gia `vẫn nhận được quyền lợi bảo hiểm mà vẫn tận dụng được các cơ hội sinh lời. Bảo hiểm liên kết đầu tư được chia thành hai dòng sản phẩm chính là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị.
Về cơ bản, hai loại sản phẩm này đều có điểm chung là kết hợp yếu tố bảo hiểm và đầu tư, giúp người tham gia gia tăng giá trị tài sản thông qua việc ủy thác vào các quỹ liên kết. Tuy nhiên, hai loại bảo hiểm này cũng có nhiều điểm khác biệt và người tham gia cần nắm rõ để tránh nhầm lần, đưa ra quyết định phù hợp.
Bên cạnh các chi phí bảo hiểm cơ bản, số tiền khách hàng đóng hàng năm sẽ được trích một phần sang quỹ liên kết chung, hoặc quỹ liên kết đơn vị.
Theo điều 3 Thông tư 52/2016/TT-BTC, quỹ liên kết chung là quỹ được hình thành từ nguồn phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và thuộc quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm. Tài sản của quỹ liên kết chung không phân chia mà xác định chung cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm được liên kết.
Còn theo khoản 1 điều 3 Thông tư 135/2012/TT-BTC, quỹ liên kết đơn vị là quỹ được hình thành từ nguồn phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị và là một phần của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm.
Về khía cạnh đầu tư, các loại tài sản chính của quỹ liên kết chung thường là tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu các loại (chính chủ, doanh nghiệp, ...) nên có tỷ lệ rủi ro thấp. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm thường cam kết mức lãi suất đầu tư tối thiểu đối với sản phẩm này.
Đối với các quỹ liên kết đơn vị, các loại tài sản đầu tư đa dạng hơn, bao gồm tiền gửi, trái phiếu, cổ phiếu, ... Người tham gia gói bảo hiểm này được quyền chọn một hay nhiều quỹ liên kết đơn vị để đầu tư và nhận toàn bộ kết quả theo quỹ liên kết đơn vị đã chọn, bất kể cả là lời hay lỗ. Cũng chính bởi đặc điểm này, bảo hiểm liên kết đơn vị có lợi suất cao hơn, nhưng đi cùng với rủi ro lớn hơn.
Về quy định phí đóng thêm, với bảo hiểm liên kết chung, mức đóng phí định kỳ không được vượt quá 5 lần mức phí bảo hiểm năm đầu. Ví dụ, trong năm đầu tiên đóng 10 triệu, thì các năm tiếp theo khách hàng không được đóng quá 50 triệu/năm.
Với bảo hiểm liên kết đơn vị, mức đóng phí định kỳ không vượt quá 10 lần mức phí bảo hiểm năm đầu. Tức như trong trường hợp trên, các năm tiếp theo khách hàng không được đóng quá 100 triệu/năm.
Về chi phí phải trả, cả hai loại sản phẩm này đều có chung các khoản phí như phí ban đầu, phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ, phí hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn, phí đóng thêm và phí rút tiền. Trong đó, phí ban đầu của sản phẩm liên kết đơn vị thường cao hơn bảo hiểm liên kết chung.
Ngoài ra, bảo hiểm liên kết đơn vị còn có thêm khoản phí chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị. Khoản phí này phát sinh trong trường hợp khách hàng thay đổi khẩu vị rủi ro, muốn chuyển đổi sang quỹ sinh lời tốt hơn hoặc an toàn hơn.
Như vậy, bên cạnh nhu cầu bảo hiểm, nếu khách hàng muốn có một giải pháp đầu tư an toàn và ít rủi ro, bảo hiểm liên kết chung sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn. Còn nếu muốn tìm kiếm một cơ hội sinh lời tốt hơn và chấp nhận được rủi ro, bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ là sự phù hợp.
Lê Huy