vĐồng tin tức tài chính 365

'Người bạn nước Anh' của các bạn nhỏ khiếm thị Việt Nam

2022-05-14 13:36
Người bạn nước Anh của các bạn nhỏ khiếm thị Việt Nam - Ảnh 1.

Tình nguyện viên Louise France

Tôi rất vui và hạnh phúc vì được làm việc với các bạn nhỏ Việt Nam. Tôi rất muốn những ngày còn ở Việt Nam thì có thể sử dụng được kỹ năng, kinh nghiệm của mình để có thể giúp đỡ cho các cô giáo ở Việt Nam, giúp đỡ trẻ khiếm thị và giúp đỡ bố mẹ chúng.

Tình nguyện viên LOUISE FRANCE

Hơn 9 năm gắn bó với đất nước Việt Nam xinh đẹp, chị đã dành toàn bộ thời gian giúp đỡ các bạn nhỏ khiếm thị.

Giúp trẻ khiếm thị phát triển kỹ năng

"Gọi là chị thôi, đừng gọi tôi là bà hay cô nhé". Sở hữu mái tóc bạc nhưng mang tâm hồn "thiếu nhi", tình nguyện viên Louise France (59 tuổi, người Anh) dí dỏm mở đầu cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Sau 9 năm sinh sống ở Hà Nội, người phụ nữ nước Anh gây ấn tượng cho người xung quanh với việc giao tiếp lưu loát bằng tiếng Việt và vốn từ vựng phong phú. Chị khiêm tốn chia sẻ rằng, vừa rồi sau mấy tháng về nước nay quay trở lại Việt Nam đã "quên kha khá" vốn từ nên mỗi ngày chị đều nỗ lực cải thiện và trau dồi tiếng Việt.

* Mối duyên nào đã đưa vợ chồng anh chị đến với Việt Nam và lựa chọn gắn bó với đất nước chúng tôi?

- Năm 2012 trong một lần cùng chồng đến du lịch Việt Nam, chúng tôi mê mẩn với đất nước xinh đẹp và rất thích thú với cuộc sống, con người nơi đây. Chồng xin nghỉ hưu sớm, 1 năm sau chúng tôi rời nước Anh và lựa chọn đến Việt Nam sinh sống. Trong 2 năm đầu tiên, vợ chồng chúng tôi dành thời gian để học thêm tiếng Việt.

Ở Anh, tôi là giáo viên dạy trẻ khiếm thị với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, dạy cho trẻ từ 7 tháng tuổi đến 18 tuổi. Tôi rất thích dạy chữ nổi và giúp đỡ trẻ khiếm thị phát triển các kỹ năng để đọc - viết bằng chữ nổi. Nên ngay khi đến Việt Nam, tôi rất muốn tìm được một công việc nào đó mà tôi có thể làm được để giúp đỡ các bạn nhỏ.

Mới đầu tôi là tình nguyện viên ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), tôi nghĩ rằng mình có thể dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thị ở ngôi trường này. Thế nhưng việc nói tiếng Việt cùng với trẻ khiếm thị đã rất khó khăn, vì các bạn không thể nhìn động tác tay hay biểu hiện trên khuôn mặt, cử chỉ để hiểu ngôn ngữ của tôi được. Cho nên, tôi cần tìm một công việc có thể... làm bằng tay để giúp đỡ cho trẻ.

* Và chị đã tìm thấy được "công việc làm bằng tay" như mong muốn chứ?

- Tôi nhận ra dạy tiếng Anh không phải là điều quan trọng nhất, nhất là khi tôi đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt nói chung, cho trẻ khiếm thị nói riêng. Do đó, việc giúp đỡ cho trẻ khiếm thị phát triển và giáo dục cho trẻ từ nhỏ mới là điều quan trọng nhất.

Tại nước Anh, tôi đã khá quen thuộc với sách xúc giác và sử dụng những cuốn sách này phục vụ cho việc giảng dạy. Phụ huynh ở nước Anh cũng được hướng dẫn để có thể đọc sách, chia sẻ cùng con và họ tỏ ra rất thích thú. Tại thành phố London (nước Anh) hiện có một thư viện sách được chia sẻ miễn phí với hàng ngàn đầu sách xúc giác cho trẻ khiếm thị. Trong khi đó tôi nhận ra rằng giáo viên Việt Nam đang rất thiếu sách để dạy cho trẻ khiếm thị, vì thế tôi muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ Việt Nam, giúp đỡ các bạn nhỏ Việt Nam.

May mắn tôi gặp được Thanh (chị Trịnh Thị Thu Thanh - Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) và chúng tôi làm việc, phối hợp cùng nhau. Điều mà chúng tôi mong muốn là làm ra những cuốn sách xúc giác cho trẻ khiếm thị, mong muốn có một thư viện sách xúc giác dành riêng cho trẻ khiếm thị ở Việt Nam.

Người bạn nước Anh của các bạn nhỏ khiếm thị Việt Nam - Ảnh 3.

Hằng tuần, chị Louise France dành thời gian đến với các bạn nhỏ khiếm thị ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: H.THANH

Trẻ cần được can thiệp sớm

* Điều gì khiến chị nhớ nhất tại mảnh đất này trong suốt 9 năm gắn bó?

- Vợ chồng tôi đã từng sống ở khu vực Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội). Trong 6 tuần đầu tiên ở Việt Nam, hàng xóm thân thiện của chúng tôi kể rằng họ biết một gia đình có em bé khiếm thị khoảng 10 tháng tuổi đang sống ở quận Long Biên. Tôi đã đến thăm em bé, làm quen và giúp đỡ người mẹ có con là trẻ khiếm thị, giúp người mẹ thiết kế những hoạt động, trò chơi phù hợp với con.

Chính người mẹ đó đã giới thiệu tôi đến với lớp học can thiệp sớm ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu - nơi mà em bé đang theo học. Hằng tuần, tôi đến đây (Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu) để giúp đỡ 2 giáo viên của lớp và giúp đỡ các em nhỏ khiếm thị. Thế nhưng, sau đó lớp học bất ngờ đóng cửa.

Và thật tình cờ, sau này tôi đã gặp lại em trong lớp học của chị Thanh - người bạn Việt Nam của tôi. Đến nay cô bé ấy đã gần 10 tuổi nhưng em gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình phát triển bản thân vì không chỉ bị khiếm thị mà vừa có các dạng tật khác như động kinh, tự kỷ. May mắn bây giờ em đang tập đi lại và tập làm quen với chữ nổi, học các kỹ năng tự phục vụ tại nhà.

* Phải dành hầu hết thời gian cho các bạn nhỏ, chị có gặp khó khăn khi làm việc tại Việt Nam không?

- Ồ, không đâu. Tôi có chồng đang dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Nếu tôi không có tiền thì... chồng nuôi mà (cười).

* Là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, theo chị, chúng ta cần phải làm gì để giúp đỡ nhiều hơn cho các bạn nhỏ khiếm thị Việt Nam?

- Điều tôi nhận thấy ở Việt Nam đang thiếu nhất chính là việc giúp đỡ cho trẻ khiếm thị từ sớm (còn gọi là can thiệp sớm). Khi một đứa trẻ được bác sĩ phát hiện ra rằng chúng có các vấn đề về mắt hay bị khiếm thị thì lúc đó cần phải cung cấp các hướng dẫn về mặt giáo dục cho các bạn ngay từ nhỏ.

Nếu như để đến 6 tuổi mới cho trẻ khiếm thị được tiếp cận giáo dục thì rất nhiều những kỹ năng mà các bạn khiếm thị sẽ đi sau so với các bạn cùng trang lứa khác. Do đó, việc hỗ trợ cho cha mẹ có con khiếm thị từ khi rất nhỏ, thậm chí giai đoạn vài tháng tuổi hoặc 1 - 2 tuổi là điều rất quan trọng.

Về phía gia đình có trẻ khiếm thị, họ cần phải nhận được những hỗ trợ cho trẻ từ rất nhỏ, rất sớm để giúp các em có thể làm quen với môi trường xung quanh. Chẳng hạn như cách sử dụng gậy dò đường ra sao hay làm quen với việc đọc - viết sớm.

Tôi nghĩ rằng những cuốn sách xúc giác mà chúng tôi đang thực hiện là một trong những cách để giúp các bạn nhỏ được làm quen với việc khám phá môi trường xung quanh, làm quen với đọc - viết từ sớm.

Sách xúc giác dành riêng cho trẻ khiếm thị được thiết kế với các đồ vật nhỏ, các mô hình đính trên trang vải (hoặc bìa cứng) nhằm tạo ra những hình ảnh có thể cảm nhận được bằng cách chạm tay vào chúng (được gọi là hình ảnh xúc giác). Trên mỗi trang sách xúc giác đều được viết bằng chữ nổi và cả chữ in.

"Người phụ nữ tuyệt vời"

"Không có từ nào để diễn tả, chị là người phụ nữ tuyệt vời" - chị Trịnh Thị Thu Thanh, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, nhận xét về người bạn nước ngoài tình nguyện đến giúp các bạn nhỏ Việt Nam.

Năm 2015 họ tình cờ gặp nhau khi cả hai đang là tình nguyện viên ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Đầu tiên, chị Thanh ấn tượng về một người bạn nước ngoài nói tiếng Việt rất giỏi. Sau đó cùng làm việc, chị nhận thấy ở chị Louise có rất nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Họ kết nối, liên lạc với nhau và quyết định thiết kế nên những cuốn sách xúc giác giúp ích cho các bạn nhỏ khiếm thị.

Thời điểm đó tại Việt Nam rất khó để tìm được tài liệu về loại sách này. Với kinh nghiệm gần 20 năm, chị Louise đã tự mày mò tìm tòi tài liệu từ nước ngoài và dịch ra tiếng Việt. Bản thân chị còn lên ý tưởng và viết nên những câu chuyện bằng tiếng Việt dành riêng cho trẻ khiếm thị Việt Nam.

Miệt mài giúp trẻ khiếm thị đọc sáchMiệt mài giúp trẻ khiếm thị đọc sách

TTO - Suốt 5 năm qua, chị Thanh cùng đội ngũ tình nguyện viên tự tay thiết kế từng trang sách xúc giác dành riêng cho các bạn nhỏ khiếm thị.

Xem thêm: mth.52361803231502202-man-teiv-iht-meihk-ohn-nab-cac-auc-hna-coun-nab-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Người bạn nước Anh' của các bạn nhỏ khiếm thị Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools