Các bệnh viện cho rằng hệ thống máy xét nghiệm hiện nay đều vận hành theo cơ chế tự động, thực hiện cùng lúc nhiều tính năng - danh mục kỹ thuật lớn chính xác mang lại lợi ích cho người bệnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tính đến sáng 14-5, ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết có thêm Bệnh viện K, Bệnh viện trung ương Huế có văn bản kiến nghị xem xét chưa tạm dừng việc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng trên máy mượn hoặc đặt sau hai công văn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Cần lộ trình 6-12 tháng
Cụ thể, Bệnh viện trung ương Huế đề nghị Bộ Y tế xem xét chưa bãi bỏ công văn số 2009, tức tiếp tục cho thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng trên máy mượn hoặc đặt. Nêu không sẽ khiến bệnh viện thất thu một khoản tiền lớn, ảnh hưởng thu nhập và công tác chẩn đoán, điều trị và quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo đó, trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cho bệnh viện còn hạn hẹp, nguồn thu sự nghiệp còn hạn chế, một số máy xét nghiệm, chẩn đoán tại bệnh viện được thực hiện theo phương thức "đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt máy theo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu và hợp đồng".
Việc mua máy xét nghiệm, chẩn đoán cần đầu tư với số tiền rất lớn, nhưng lại rất dễ xảy ra tình trạng lãng phí máy móc, thiết bị khi vật tư, hóa chất kèm máy không trúng thầu. Vì thế cần phải có lộ trình 6 - 12 tháng để bệnh viện chuyển hình thức từ mượn hoặc đặt máy sang hình thức thuê máy theo quy định của Nghị định số 151 của Chính phủ và theo phân cấp của Bộ Y tế.
Bệnh viện K cũng cho biết hiện nhu cầu trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh (KCB), đặc biệt xét nghiệm huyết học, vi sinh, sinh hóa, miễn dịch, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử... rất lớn. Ước tính mỗi năm thực hiện 4 triệu xét nghiệm sinh hóa - miễn dịch, 1 triệu xét nghiệm huyết học - vi sinh, 35.000 xét nghiệm hóa mô miễn dịch và 10.000 xét nghiệm sinh học phân tử.
Đây là các xét nghiệm thiết yếu, chuyên sâu trong từng chuyên khoa và hầu hết đều được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Trong khi đó đa số các thiết bị thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm này đều là máy mượn hoặc đặt.
"Nếu dừng việc thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật này sẽ khiến bệnh viện gặp khó khăn, thậm chí phải tạm dừng nhiều hoạt động KCB liên quan đến xét nghiệm. Đặc biệt quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT cũng bị ảnh hưởng, trong khi bệnh viện không có kinh phí chi trả cho xét nghiệm nếu BHYT không thanh toán" - văn bản của bệnh viện nêu.
Bệnh viện K đề xuất Bộ Y tế cần có thời gian chuyển đổi ít nhất 6 tháng để các bệnh viện có kế hoạch và triển khai đầu tư, mua sắm hoặc thuê trang thiết bị xét nghiệm đảm bảo công tác chuyên môn phục vụ người bệnh. Trong thời gian chuyển đổi, tiếp tục được thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt.
Các bệnh viện kiến nghị cần có lộ trình chuyển hình thức từ mượn hoặc đặt máy sang hình thức thuê máy theo quy định của Nghị định số 151 của Chính phủ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sử dụng máy mượn - đặt, lợi ích ra sao?
Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết từ lâu tại các cơ sở y tế công lập không được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại như thiết bị cận lâm sàng, xét nghiệm. Phần lớn trang thiết bị hiện có là tài sản công đã cũ kỹ, xuống cấp, năng suất thấp, lạc hậu cả về chức năng lẫn tuổi thọ.
Trong văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam ngày 11-5, lãnh đạo bệnh viện cho rằng các hệ thống xét nghiệm được các đơn vị trúng thầu đặt đều là hệ thống mới, luôn cập nhật, bảo trì, bảo hành và đào tạo không tính phí. Điều này mang lại lợi ích tối đa trong KCB.
Nếu áp dụng quy trình này, bệnh viện không phải chi nguồn kinh phí đầu tư trong bối cảnh giá cả đầu tư các hệ thống xét nghiệm lên đến vài chục tỉ đồng, vượt quá khả năng của các cơ sở y tế, đặc biệt với đơn vị được giao tự chủ thu chi thường xuyên, thu viện phí theo cơ chế một phần viện phí như Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngoài ra, các hệ thống xét nghiệm đều sử dụng hóa chất "đóng", tức theo từng loại máy của hãng sản xuất. Do đó nếu mua hệ thống máy lại phải đấu thầu mua hóa chất tương thích với máy, gây lãng phí.
Đặc biệt hệ thống máy xét nghiệm hiện nay đều vận hành theo cơ chế tự động, thực hiện cùng lúc nhiều tính năng - danh mục kỹ thuật lớn chính xác, công suất cao, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Điều này giúp ích trong chẩn đoán chuyên sâu, đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo tuyến.
Cảnh báo văn bản của Bộ Y tế sai thể thức
Theo một chuyên gia y tế lâu năm, công văn 2348 ngày 9-5-2022 của Bộ Y tế bãi bỏ công văn 2009 ngày 12-4-2018 về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn hoặc đặt do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt là sai thể thức văn bản hành chính.
Theo vị này, văn bản quản lý nhà nước là không có hồi tố, do đó hướng dẫn của Bộ Nội vụ chỉ có sửa đổi, thay thế hoặc văn bản sai quá thì thu hồi, không có bãi bỏ văn bản về quản lý nhà nước. Vị này cũng cho hay việc thanh toán chi phí cho thiết bị y tế mượn hay xã hội hoá hiện nay là "tình ngay" nhưng "lý chưa hợp", do dễ dẫn đến rắc rối về giá.
"Theo tôi nên để bệnh viện chuyển sang hình thức thuê tài sản, hoặc đấu thầu thuê dịch vụ hoặc đấu thầu hóa chất xét nghiệm. Về văn bản vừa bị bãi bỏ, nên xem xét có đúng quy phạm không, nếu không thì phải sửa đổi, theo hướng chuyển sang gia hạn thanh toán chi phí đến khi sửa xong quy định. Bởi không thể không thanh toán cho bệnh nhân BHYT đến khám và điều trị bệnh" - chuyên gia phân tích.
TTO - Ít nhất 5 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị thanh toán chế độ BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất.