Bà Vera Kosolopenko đau lòng sau khi ngôi nhà của bà bị phá hủy do cuộc ném bom của Nga tại làng Bezruky, khu vực Kharkov, Ukraine vào ngày 14-5. Theo Hãng tin Reuters, ngôi nhà này cũng là nơi chứa tất cả những kỷ vật quý giá liên quan tới người chồng quá cố của bà. "Tôi đã mất tất cả những gì kết nối tôi với ông ấy” - bà Vera Kosolopenko khóc khi đứng bên ngoài ngôi nhà bị phá hủy - Ảnh: REUTERS
* Theo Hãng tin AP, ngày 14-5, quân đội Ukraine cho biết các binh sĩ Nga đang rút khỏi Kharkov (thành phố lớn thứ hai của Ukraine và nằm ở đông bắc nước này) sau khi bắn phá thành phố này trong nhiều tuần.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine nói rằng lực lượng Nga giờ đây tập trung vào việc canh gác các tuyến đường tiếp tế, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công bằng súng cối, pháo binh và không kích vào khu vực Donetsk (miền đông Ukraine) nhằm "làm suy yếu lực lượng Ukraine và phá hủy các công sự".
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đánh giá Ukraine đang "bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến - một giai đoạn lâu dài". Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết người Ukraine đang nỗ lực "tối đa" để đẩy lùi quân Nga và kết quả của cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ châu Âu và các đồng minh khác.
* Theo Hãng tin Tass, phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 14-5, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết các ngoại trưởng G7 sẽ không bao giờ thừa nhận những thay đổi đối với biên giới Ukraine. Bà nói: "Chúng tôi sẽ không bao giờ thừa nhận những thay đổi ở các phần biên giới mà Nga muốn tạo ra bằng vũ lực".
* Theo Hãng tin Tass, ngày 14-5, ông Dmitry Medvedev, đương kim phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga và từng giữ vị trí thủ tướng và tổng thống Nga, tuyên bố Nga không quan tâm chuyện G7 không công nhận những thay đổi với biên giới Ukraine. "Điều quan trọng chính là nguyện vọng của người dân sống ở những nơi đó. Đừng quên tiền lệ Kosovo, những người bạn phương Tây của chúng tôi à!" - ông Medvedev nói.
* Hãng tin AP đưa tin lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và một phái đoàn gồm các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev trong chuyến thăm không báo trước vào ngày 14-5. Đây là động thái mới nhất cho thấy sự ủng hộ mà Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại.
Trong một bài đăng trên Instagram, ông Zelensky gọi chuyến thăm này là "tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ của lưỡng đảng (Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ) tại Quốc hội Mỹ và của người dân Mỹ dành cho Ukraine".
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã có chuyến thăm Kiev.
Thành phố Kharkov sáng 14-5. Dãy bàn chơi bóng bàn trên sân của ngôi trường nay đã bị bay nóc vì bom đạn - Ảnh: REUTERS
* Theo Đài Al Jazeera, trên Telegram, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng giá lương thực tăng cao hiện nay là do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Bà cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga đang châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Theo Hãng tin AP, ngày 14-5, nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới G7 cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đe dọa các nước nghèo. Họ nói cần có các biện pháp khẩn cấp để mở các kho dự trữ ngũ cốc đang bị Nga cản trở rời khỏi Ukraine.
G7 cũng kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine. Các nước này còn kêu gọi Trung Quốc không "tham gia thao túng thông tin, đưa thông tin sai lệch và dùng các phương tiện khác để hợp pháp hóa" chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
* Theo Hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavesto cho biết các nhà ngoại giao hàng đầu của Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Berlin (Đức) vào ngày 14-5 để cố gắng giải quyết những bất đồng về kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine tiếp diễn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng ông không thể ủng hộ kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển vì các nước Bắc Âu này là "nơi có nhiều tổ chức khủng bố". Trong khi đó, Slovakia kỳ vọng tất cả 30 nước thành viên NATO sẽ ủng hộ kế hoạch gia nhập liên minh quân sự này của Phần Lan và Thụy Điển.
TTO - Nếu không thay đổi bất ngờ vào phút chót, vào ngày 16-5, hai nước Phần Lan và Thụy Điển dự kiến sẽ chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất chấp các cảnh báo từ Nga.
Xem thêm: mth.41992540051502202-kstenod-oav-noh-ueihn-gnoc-nat-vokrahk-iohk-tur-agn-5-51-hnahn-cod/nv.ertiout