Ngập tại khu vực chợ Thủ Đức, TP Thủ Đức trong cơn mưa chiều 13-5 - Ảnh: LÊ PHAN
Tình trạng này xuất hiện 2 - 3 năm qua nhưng đến nay càng nặng hơn khi công trình chống ngập tại đây đang ì ạch thi công chưa biết thời gian hoàn thiện.
Người dân rất mệt mỏi
Tình trạng ngập xảy ra nặng nhất tại các tuyến đường như Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân. Do nằm ngay vùng trũng của khu vực nên nước từ các khu vực cao hơn chảy về ồ ạt gây ngập nặng.
Hệ thống cống tại đây vốn dĩ đã quá tải nay đang được thi công nên khả năng thoát nước bị giảm khiến nước dồn về chảy tràn trên mặt đường.
Qua khu vực này, nếu người đi xe máy cố gắng vượt qua thì đến 7/10 xe bị chết máy phải dắt bộ. Một số điểm đang thi công, mặt đường bị đào xới tạo ra nhiều chướng ngại vật bị nước che khuất, càng khiến việc di chuyển khó khăn hơn, dễ sa xuống phần đường bị trũng nằm ẩn dưới dòng nước.
Tương tự tại đường Tô Ngọc Vân đoạn giao với đường sắt Bắc - Nam, nước cũng ngập không thấy phần mặt đường. Đoạn đường này bị võng xuống, nước đổ dồn về khiến người dân không thể di chuyển.
Tại đây sau mỗi cơn mưa lớn, nhân viên công ty đường sắt, nhân viên thoát nước lại phải túc trực hỗ trợ người dân đi lại. Có thời điểm hàng trăm xe phải dừng lại đợi nước rút bớt mới đi qua được.
Tuyến đường sắt thì chịu cảnh nước chảy tràn qua đường ray, đất đá nền bị cuốn trôi, nhân viên đường sắt phải túc trực để kiểm tra, đợi nước rút để kịp thời phát hiện các sự cố.
Mưa gây ngập dẫn đến hệ lụy kẹt xe kéo dài do người dân đứng đợi nước rút. Lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết vào giờ cao điểm. Mỗi khi có cơn mưa lớn xảy ra cả khu vực này náo loạn tìm cách chống ngập, chống kẹt.
"Mấy năm nay cứ vào mùa mưa là vậy đó, nước thì dềnh dàng trên đường, chảy ào ào vào chỗ trũng. Hết chỗ chảy thì tràn lên vỉa hè vào chợ, vào nhà dân. Người dân chúng tôi rất mệt mỏi với cảnh này. May đường cấm xe lớn chứ cho vô nữa thì sóng nước đánh tràn vào nhà ướt hết đồ đạc, hàng hóa", ông Huấn, sống tại đường dọc bên chợ Thủ Đức, bày tỏ sự ngán ngẩm.
Đô thị hóa nhanh, lơ là hạ tầng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hồ Long Phi - nguyên viện trưởng Viện nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng vấn đề lớn nhất của TP Thủ Đức nói riêng và một số quận huyện khác của TP.HCM như quận Gò Vấp, quận 12 là hạ tầng thoát nước chưa theo kịp đô thị hóa.
Ông Phi nhận định vị trí tự nhiên của TP Thủ Đức có cao độ cao, xung quanh được bao bởi nhiều hệ thống sông rạch nhưng vẫn ngập là do hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh.
"TP Thủ Đức có chỗ thoát nước nhưng hệ thống dẫn nước ra chỗ thoát lại chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn tới ngập, đó là vấn đề lớn nhất. Các quận trung tâm trước đây cũng bị ngập nhưng gần đây đã được đầu tư nhiều công trình chống ngập và phát huy hiệu quả rất tốt, ngập đã giảm hẳn", ông Phi dẫn giải.
Theo ông, trước đây khi nhà cửa ít, kênh rạch, sông hồ nhiều thì nước mưa sẽ chảy ra đó và thẩm thấu. Giờ đây chúng ta làm nhà, làm đường, đô thị hóa thì chỗ thoát nước bị hạn chế.
Vẫn lượng nước đó nếu có cống rãnh hoàn chỉnh nó sẽ thoát ngầm, còn hiện tại không có thì nó chảy tràn trên đường gây ngập. "Giải pháp cho TP Thủ Đức chỉ có mỗi cách đầu tư các công trình tiêu thoát nước song song với đầu tư các hạ tầng đô thị khác mới giải quyết được bài toán ngập", ông Phi kết luận.
Chống ngập ì ạch
Hiện tại ở khu vực TP Thủ Đức đang có công trình chống ngập lớn cho các tuyến đường Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân, khu vực chợ Thủ Đức... Dự án sẽ làm cống hộp dọc đường Võ Văn Ngân, thay tuyến cống tròn đã xây dựng từ lâu.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 130 tỉ đồng, khởi công tháng 10-2020 và dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công. Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng bị ngập khi mưa lớn, nước chảy như "thác đổ" (nhất là đoạn từ đường Đặng Văn Bi về hướng chợ Thủ Đức).
Đến hiện tại đã hơn 18 tháng thi công dự án vẫn chưa xong, lô cốt vẫn nằm chắn mặt đường, cộng thêm khói bụi, ổ gà... khiến xe cộ qua lại rất khó khăn. Mỗi khi trời mưa, các lô cốt, vị trí thi công dang dở càng khiến khu vực nguy hiểm hơn khi nước chảy tràn trên đường che chướng ngại vật tạo thành các bẫy người dân.
Một số công trình giao thông do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức làm chủ đầu tư cũng được thực hiện không tốt khiến Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây phải có công văn gửi UBND TP Thủ Đức đề nghị khẩn trương kiểm tra khắc phục các bất cập, đồng thời làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát...
Báo Tuổi Trẻ phản ánh, TP Thủ Đức đẩy nhanh dự án nâng cấp đường
Vào các ngày 12 và 19-4, báo Tuổi Trẻ có đăng các bài viết về dự án nâng cấp đường Lương Định Của dài gần 2,5km, dù đã thi công mở rộng gần 7 năm qua (từ năm 2015) nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Ngày ngày, người dân đi lại gặp nhiều khó khăn vì mặt đường hư hỏng, vật liệu ngổn ngang. Liên quan đến những thông tin này, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) đã lý giải nguyên nhân do công tác bàn giao mặt bằng còn nhiều vướng mắc, nhà thầu không có mặt bằng để tiếp tục thi công và phải tạm dừng thi công từ tháng 12-2020.
Sau phản ánh trên, UBND TP Thủ Đức và chủ đầu tư đang đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng, thi công trở lại. Ông Hoàng Tùng - chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho biết hiện tại TP Thủ Đức đang tập trung, tích cực vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Đoạn từ nút giao Trần Não đến đường Nguyễn Hoàng (khoảng 2km) sẽ được bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6. Chủ đầu tư, đơn vị thi công cam kết thi công hoàn tất trước ngày 31-12.
CHÂU TUẤN
TTO - Ngày 9-5, UBND TP.HCM thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Sở Xây dựng ngưng thực hiện thuê dịch vụ chống ngập áp dụng công nghệ kiểu mới tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).
Xem thêm: mth.98322328051502202-gnan-pagn-al-aum-uc-cud-uht/nv.ertiout