Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở quận 4, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Các bộ ngành, địa phương làm công trình cũng nghẹt thở vì vốn vượt dự toán. Thật ra, giá mới nóng, chưa sốt, càng chưa thể gọi là bão giá. Nếu sốt như nhiều nước, chúng ta còn vất vả hơn nhiều, rất nhiều.
Những con số về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lúc này chưa nói lên sức nóng của giá cả. Tình hình sẽ thay đổi nhanh trong những tuần tới khi giá xăng dầu đã lan vào giỏ thực phẩm, mâm cơm của người dân và chưa dừng ở đó.
Giá xăng dầu đẩy giá hàng hóa và dịch vụ tăng đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến đời sống của 35% dân số sống ở đô thị. Nếu để giá chuyển từ nóng sang sốt, hệ lụy rất lớn, lạm phát trở lại. Nền kinh tế vẫn cần có lạm phát để kinh tế phát triển, như Việt Nam đặt ra mục tiêu lạm phát cả năm là 4%. Nhưng khi lạm phát tăng cao hơn mục tiêu sẽ gây sức ép tăng lãi suất, khi đó toàn bộ bài toán chi phí của mọi nhà, mọi doanh nghiệp, đất nước bị đảo lộn, sự ổn định kinh tế vĩ mô - nền tảng để có sự thịnh vượng - bị đe dọa. Bởi thế, cần phải chủ động từ xa để hạn chế thấp nhất tình trạng giá chuyển từ nóng sang sốt. Liệu chúng ta đã quyết liệt, đột phá để hạ nhiệt giá xăng dầu?
Chúng ta đã giảm 50% thuế môi trường nhưng giá xăng vẫn lên 30.000 đồng/lít do giá thế giới vẫn tăng. Chẳng lẽ xuôi tay? Hay chúng ta hài lòng "nhờ giảm 50% thuế môi trường nên giá xăng không tăng nóng!?". Không, chúng ta cần kiên trì mục tiêu giải vây áp lực tăng giá, trong đó có hạ nhiệt đà tăng giá xăng dầu, không để người dân, doanh nghiệp "ngụp lặn" trong cơn sốt giá. Cần kiên trì mục tiêu này bởi vì chúng ta vẫn còn "thuốc" để giải nhiệt giá xăng dầu. Đó là còn 50% thuế môi trường (tương ứng 2.000 đồng/lít), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng... Đến nay, người dân đô thị mua xăng có thuế tiêu thụ đặc biệt để duy trì sinh hoạt và kiếm sống. Thiếu máy lạnh, thuốc lá, rượu bia - mặt hàng cùng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xăng - không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Nhưng không có xăng, mọi thứ sẽ đảo lộn. Có "thuốc" mà không dùng, đó là điều đáng trách.
Tất nhiên, giảm thuế, thậm chí đưa thuế tiêu thụ đặc biệt xăng về 0% sẽ tạo ra giá xăng trong nước rẻ hơn, sẽ có buôn lậu, xăng dầu từ nội địa chảy ngược qua biên giới. Nhưng buôn lậu xăng dầu chỉ là phản ứng phụ, thậm chí rất nhỏ nếu chống buôn lậu tốt. Không thể đẩy phản ứng phụ này lên thành triệu chứng để lấy đó làm lý do chưa dùng thuế tiêu thụ đặc biệt để kềm giá xăng. Hơn nữa, việc giảm một phần hay đưa về 0% sắc thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường với xăng dầu... cũng chỉ là tạm thời để bình ổn thị trường. Nhà nước sẽ áp lại các sắc thuế này khi thị trường thế giới hạ nhiệt.
Áp lực tăng giá quá lớn. Chúng ta có hai lựa chọn: kiên trì giải vây giá xăng dầu hoặc chờ giá chuyển từ nóng sang sốt rồi dập lửa. Có lẽ số đông sẽ chọn phương án thứ nhất bởi giải pháp hợp lý, triển khai sớm sẽ hạn chế được hậu quả cho từng gia đình, doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, cho dù đã có gói 350.000 tỉ đồng để phục hồi kinh tế hậu COVID-19, vẫn cần chi thêm nguồn lực để giải vây giá xăng dầu. Trong đó, giải vây giá xăng dầu là ứng phó với tình hình giá cả thế giới tăng. Đừng để lạm phát cao hành hạ người dân, làm giảm hiệu quả của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
TTO - Nhiều tài xế công nghệ than ngắn thở dài trước thông tin giá xăng tiếp tục tăng gần 30.000 đồng/lít từ chiều 11-5. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập trên từng cuốc xe.
Xem thêm: mth.24770933241502202-aig-art-es-uad-gnax-iov-nauq-uhc/nv.ertiout